Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài 3): "Tổ quốc vọng về từ biển cả"
- Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài cuối): Quyết vươn tầm trong thế kỷ của đại dương
- Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài 4): Hóa thân vào sóng nước, bảo vệ từng tấc đất quê hương
- Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu - (Bài 2): Khúc tráng ca bất tử trên Biển Đông
- Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài 1): Lời thề nơi đầu sóng
VBĐVN.vn - Chiếc máy bay A320 Hà Nội - Côn Đảo chao liệng rồi hạ cánh trên đường băng nằm ngay sát bãi Đầm Trầu đưa nhiều cựu tù chính trị về lại đảo xưa viếng thăm đồng đội đang nằm lại với biển trời Côn Đảo. Mấy chục phút xe từ sân bay Cỏ Ống về trung tâm huyện đảo ngắn như thoảng khắc, bởi những hồi ức nhớ thương cứ tuôn chảy…
Trên vùng đảo tiền tiêu phía Đông Nam Tổ quốc, nơi neo dấu những trầm tích văn hóa từ thủa khai hoang đến 113 năm trong đêm trường địa ngục, dường như dòng máu bản lĩnh, kiên cường của người Việt được hun đúc qua nhiều thế kỷ đã tạo nên khí tiết và lời thề Tổ quốc thiêng liêng. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hàng vạn chí sĩ, chiến sĩ kiên trung không hề gục ngã, để Côn Đảo mãi là trường học cách mạng vĩ đại giữa biển khơi.
Trầm tích nơi đảo xa
Đại Nam nhất thống chí viết: Côn Lôn là một trong những quần đảo tiền tiêu của nước ta, “nguy nga đứng trấn giữa Biển Đông”. Sử sách xưa nay gọi hòn đảo lớn nhất trong quần đảo là đảo Côn Lôn, gọi tắt là Côn Đảo. Vùng đảo phía Đông Nam Tổ quốc từ thủa xa xưa đã in dấu chân những người Việt cổ, như những huyền tích Mai An Tiêm đi khai phá đảo hoang.
Huyền tích ấy qua ngàn ngàn lớp sóng xô trắng tràn hàng thế kỷ đã trở thành sợi dây neo dấu quá khứ, hiện tại, hun đúc nên những bản lĩnh kiên cường. Ngay trong đêm trường tăm tối, khi kẻ xâm lăng gây nên “địa ngục trần gian” trên hòn đảo thì Côn Đảo vẫn không lùi bước, với lời thề Tổ quốc thiêng liêng được đặt lên trên hết. Người Việt cổ năm xưa đã tiến về phía biển, và trong những năm tháng bi hùng, hàng vạn chiến sĩ kiên trung đã trọn vẹn lời thề với Tổ quốc, sẵn sàng cống hiến, hy sinh để giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương.
Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích quốc gia Côn Đảo Lê Thị Hằng chia sẻ, những chứng tích khảo cổ học mang đậm tính lịch sử, văn hóa ở Côn Đảo chính là thông điệp lịch sử khẳng định mạnh mẽ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam trong vùng biển và hải đảo vùng Đông Nam Tổ quốc. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học cho thấy, lớp cư dân đầu tiên có mặt tại Côn Đảo có niên đại từ 3000-2500 năm trước. Lớp cư dân gần nhất còn để lại dấu tích tại những ngôi làng An Hải, An Hội, Cỏ Ống, Hòn Cau và để lại hậu duệ đến nay là cư dân xứ Đàng Trong, ra Côn Đảo định cư từ thời Chúa Nguyễn Ánh, cách đây hơn 200 năm. “Văn hóa biển đảo ở vùng đất ngoài khơi xa này qua nhiều thế kỷ được thể hiện khá rõ nét. Cùng với những giá trị văn hóa dân gian như lễ hội, tín ngưỡng thì nét văn hóa đặc biệt nhất ở Côn Đảo cho đến ngày nay chính là văn hóa tâm linh, văn hóa về nguồn, văn hóa tri ân. Năm 1861, người Pháp chiếm Côn Đảo, đưa dân về đất liền, lập nhà tù vào năm 1862. Kể từ đó, Côn Đảo chìm trong đêm trường “địa ngục trần gian” trong suốt 113 năm (1862-1975)…”, bà Hằng cho biết.
Trong 113 năm tăm tối, chốn “địa ngục trần gian” đã khoét sâu những vết thương, in hằn ký ức đau thương trong tâm trí của hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ, người tù chính trị năm xưa. Biển Đông dậy sóng và một Côn Đảo kiên cường đã tạo dựng nên một trường học cách mạng vĩ đại giữa biển trời Tổ quốc. Trong bài nói chuyện nhân chuyến thăm Côn Đảo ngày 27.8.1976, Tổng Bí thư Lê Duẩn nhấn mạnh: “Côn Đảo là một hòn đảo anh hùng, Côn Đảo là một di tích lịch sử vĩ đại. Côn Đảo là một trường học lớn đối với thế hệ mai sau…”. Lời tựa bộ sách Lịch sử nhà tù Côn Đảo, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng viết: Cuộc chiến đấu bất khuất đầy dũng cảm và thông minh của các chiến sĩ Côn Đảo là những trang chói lọi của lịch sử cách mạng, được nối tiếp và nhân lên trong chủ nghĩa anh hùng cách mạng rực rỡ của nhân dân ta qua kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sự hy sinh cao cả của biết bao liệt sĩ trong cuộc chiến đấu ấy đã và đang tiếp tục khai hoa kết quả trong những thắng lợi và thành tựu của dân tộc Việt Nam…
… nhà tù Côn Đảo là nhà tù lớn nhất, ác nghiệt nhất, được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, cách xa đất liền, nơi tưởng chừng những người tù bị tách khỏi Đảng và quần chúng nhân dân, không thể nào đương đầu với bộ máy khủng bố ngày càng tinh vi và tàn bạo của chúng. Nhưng thủ đoạn gian ác đó của bọn thực dân, đế quốc cuối cùng đã không phục vụ chúng mà lại phục vụ cách mạng. Côn Đảo được những người cộng sản biến thành chiến trường và trường học cách mạng, đã thực sự là một vườn ươm của cách mạng Việt Nam.
Thiên anh hùng ca trên biển
Hôm ấy, chúng tôi theo chân những cựu tù chính trị tới Nghĩa trang Hàng Dương. Tháng 7, Côn Đảo chìm trong những trận mưa sầm sập, những cơn gió chướng và cả những dòng người không kể nắng mưa, đổ về tri ân nơi “bàn thờ thiêng của Tổ quốc”.
“Thời tiết có là gì so với tháng năm khốc liệt mà chúng tôi đã trải qua”, ông Chu Cấp, cựu tù chính trị Côn Đảo từ năm 1971-1974 bước trong Hàng Dương, nói nghẹn ngào. Trở lại Côn Đảo lần thứ 3 kể từ sau cuộc trao trả tù binh tháng 3.1974, lần nào cũng vậy, dải đất thiêng luôn lưu giữ những ký ức mà ông Cấp và đồng đội không thể nào quên. Mưa ngớt, giữa Hàng Dương vi vút gió, tiếng hát thì thầm vẳng lên từ biển. Nữ cựu tù chính trị Nguyễn Thị Ni lặng bên những hàng mộ, gọi tên từng đồng đội, chị Hương, chị Thanh, chị Cúc, chị Xuân ơi…, những người con gái kiên trung vì Tổ quốc mà hóa thân vào trùng khơi Côn Đảo. Ở tuổi 84, bà Nguyễn Thị Ni luôn được người dân Côn Đảo nhắc đến như một trang sử sống, người lưu giữ ký ức về hòn đảo anh hùng trong những tháng năm Biển Đông dậy sóng. Bước chân chậm chạp, nhưng cứ vài bữa bà Ni lại đi về phía Hàng Dương . “Chúng tôi đã cùng nhau chung một tấm chiếu, chia nhau từng miếng nước và cùng trải qua những trận đòn liên hồi kỳ trận. Nhiều chị có chồng con, có người yêu hẹn thề mà không kịp trở về…”, bà Ni nghẹn lại. Những trận đòn roi tù ngục ngày ấy cũng cướp đi thiên chức làm mẹ của bà. Thế nhưng, nữ cựu tù tự nhủ, mất mát ấy chẳng là gì so với máu xương của đồng đội đã hòa vào sóng nước biển khơi.
“Ngày tôi trở về và quyết định gắn bó trọn đời với Côn Đảo, hòn đảo hoang vu, chỉ có cỏ cây và mây giăng mắc lại trên đầu. Đã không còn là chốn “địa ngục trần gian” nữa, nhưng để có được cuộc sống thay đổi từng ngày trên hòn đảo ngọc, thế hệ con cháu phải hiểu được rằng đó là xương máu của ông cha, của hàng vạn anh hùng liệt sĩ…”, bà Ni run run nói. Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích quốc gia Côn Đảo Lê Thị Hằng chia sẻ, nhà tù Côn Đảo là nhà tù lớn nhất và lâu đời nhất trong cả nước, là điểm nhấn trong truyền thống lịch sử cách mạng, nơi lưu giữ những ký ức không thể nào quên của dân tộc. Các khu lao, chuồng cọp, chuồng bò, hầm xay lúa, bến Ðầm, Cầu Tầu, trại Phú Hải, Phú Sơn, Phú Tường, Phú Bình, khu nhà Chúa Đảo, nghĩa trang Hàng Dương… là chứng tích hùng hồn, tố cáo đanh thép chế độ độc ác, tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc, thực dân với phong trào yêu nước của dân tộc Việt Nam.
Ngày tôi trở về và quyết định gắn bó trọn đời với Côn Đảo, hòn đảo hoang vu, chỉ có cỏ cây và mây giăng mắc lại trên đầu. Đã không còn là chốn “địa ngục trần gian” nữa, nhưng để có được cuộc sống thay đổi từng ngày trên hòn đảo ngọc, thế hệ con cháu phải hiểu được rằng đó là xương máu của ông cha, của hàng vạn anh hùng liệt sĩ…
(Nữ cựu tù chính trị NGUYỄN THỊ NI)
Ký ức đó đã trở thành bản anh hùng ca bất tử, kết nối từ mạch nguồn sâu thẳm trong những giá trị văn hóa ngàn xưa trên hòn đảo ngục tù. Trải qua năm tháng, thế hệ hôm nay từ mọi miền Tổ quốc luôn mong muốn được đến với mảnh đất lịch sử này để bày tỏ tấm lòng tri ân, thành kính trước những bậc tiền nhân. Trong số những địa chỉ đỏ thuộc khu di tích, Nghĩa trang Hàng Dương là nơi đã in sâu trong tiềm thức người dân cả nước, gắn liền với tên tuổi của các chiến sĩ cách mạng như cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Nữ anh hùng Võ Thị Sáu… “Đến Côn Đảo, mọi người luôn tâm niệm là viếng Nghĩa trang Hàng Dương và thắp nhang tưởng nhớ các chiến sĩ cách mạng, thăm viếng mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu, một biểu tượng bất diệt của lòng yêu nước. Giữa khơi xa, hình tượng người nữ anh hùng đã trở thành một cột mốc tâm linh, điểm tựa tinh thần vững chắc cho mỗi người dân thêm yêu đảo, bám đảo”, bà Lê Thị Hằng chia sẻ.
Nghe câu vọng cổ trên đảo tù xưa
Đường vào Khu dân cư số 2 huyện Côn Đảo vang vọng thanh âm dặt dìu của đờn ca tài tử. Là hạt nhân gây dựng phong trào, Trưởng khu dân cư số 2 Nguyễn Văn Tuấn cũng là “cây” vọng cổ, đờn ca có tiếng ở đây. Hơn nửa thế kỷ sống và gắn bó với Côn Đảo, ông Tuấn là người chứng kiến rõ nhất những đổi thay của đảo, từ “địa ngục trần gian” trở thành hòn đảo ngọc giữa Biển Đông vô tận.
“Tôi theo ba ra Côn Đảo từ năm 1968 và ở lại đến tận bây giờ. Sau hơn nửa thế kỷ, cho đến nay tôi vẫn chưa quên được cảnh tượng Côn Đảo những ngày đầu đặt chân, vắng lặng, hoang sơ, điện đường trường trạm đều không có, xung quanh chỉ là biển cả mênh mông, mây núi cỏ cây và nhất là đời sống văn hóa tinh thần thì vô cùng trống vắng”, ông Tuấn kể chuyện, mắt xa xăm. Bất chợt, ông đổ một câu vọng cổ. Giữa sóng nước mênh mông, những giai điệu miệt vườn vang lên thật ngọt ngào, đắm đuối. Vốn đam mê văn nghệ nên lần đầu nghe thấy đờn ca tài tử trên đảo, ông Tuấn đã say như điếu đổ. Người đàn ông dáng vẻ phong trần, thủ thỉ, ngày trước ông chỉ được biết ở đảo có Lễ giỗ bà Phi Yến. “Hằng năm chúng tôi cứ mong đến 18.10 âm lịch, là ngày người dân trên đảo tổ chức lễ giỗ trang trọng để tưởng nhớ Bà. Lễ hội truyền thống này là giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc gắn với đời sống tâm linh ở Côn Đảo. Sau này, khi đời sống văn hóa tinh thần phát triển nhiều hơn, nhiều hội diễn, sân khấu lớn nhỏ được tạo dựng trên hòn đảo thì những giá trị tinh thần bất biến của lễ giỗ Bà trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Côn Đảo vẫn được giữ gìn nguyên vẹn…”, ông Tuấn tâm sự.
Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 2 Hoàng Thị Liên chia sẻ, sự hội tụ những giá trị văn hóa từ nhiều vùng đất đang giao hòa, kết nối với mạch ngầm văn hóa ngàn năm giữa khơi xa, cùng với bản hùng ca cách mạng để hình thành nên những giá trị văn hóa mới trên hòn đảo tiền tiêu phía Đông Nam Tổ quốc. “Thông qua hoạt động của Chi bộ Khu dân cư số 2, mỗi đảng viên đều luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn những giá trị, bản sắc văn hóa gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Giá trị văn hóa chính là những cột mốc vô hình mà vĩnh cửu để từ đó, mỗi người dân đều neo bám, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mình giữa trùng khơi đất nước…”, Bí thư Hoàng Thị Liên chia sẻ.
Để có được những thanh âm mới hôm nay, đã có nhiều trái tim tình nguyện đến với hòn đảo từng mệnh danh “địa ngục trần gian” này. Anh Trương Văn Út, trí thức trẻ tình nguyện ra xây dựng Côn Đảo đã dành gần 30 năm trong cuộc đời cho những giá trị văn hóa, tinh thần trên hòn đảo tiền tiêu này. “Mình sẽ làm gì đây cho Côn Đảo?”, câu hỏi từ những ngày đầu đặt chân lên mảnh đất thiêng đã hối thúc trái tim nhiệt huyết của chàng trai trẻ. Với kiến thức được học tại Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, anh Út quan sát và nghĩ cách để đời sống tinh thần trên đảo vui hơn. Côn Đảo có lớp kịch nói đầu tiên, nối tiếp là các lớp ca vọng cổ, đờn ca tài tử… Dần dà, những thanh âm vọng cổ, đờn ca tài tử mênh mang sông nước miền Tây vang lên ngày càng nhiều hơn giữa đất trời Côn Đảo.
Hai mươi năm gắn bó với hòn đảo tiền tiêu phía Đông Nam Tổ quốc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Côn Đảo Lê Đức Dũng thừa nhận, hòn đảo này chính là sự gắn kết và tình yêu lớn trong đời của mình. Phát huy vai trò “phên dậu xanh” nơi đảo xa, Đồn Biên phòng Côn Đảo những năm qua vừa là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ biên giới biển, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới biển Côn Đảo, vừa đồng hành cùng chính quyền, nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Anh Dũng tâm sự, hình ảnh người lính mang quân hàm xanh đã trở nên thân quen với người Côn Đảo, trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền ngày càng vững chắc trên vùng biển đảo tiền tiêu. “Đồn Biên phòng Côn Đảo đặc biệt chú trọng nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ chủ quyền biển đảo, bằng trách nhiệm và tình yêu quê hương đất nước...”, Đồn trưởng Lê Đức Dũng cho biết.
Tâm thức giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa biển đảo nhằm tạo dựng những cột mốc sống nơi đảo xa, đại úy Mai Viết Công, Bí thư chi bộ, chính trị viên trẻ tuổi của Trạm rađa 590 (thuộc Trung đoàn 251, Vùng 2 Hải quân) chia sẻ, những năm qua, bên cạnh việc thực thi nhiệm vụ được giao, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đã được Trạm rađa 590 chú trọng tổ chức, gắn kết với nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chiến sĩ, nhân dân về bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên biển. “Là thế hệ trẻ vinh dự được làm việc, cống hiến trên hòn đảo tiền tiêu Tổ quốc, chúng tôi luôn nhận thức về vai trò, ý nghĩa của những giá trị văn hóa tinh thần trong việc hun đúc nền tảng, khẳng định sức sống vĩnh cửu giữa khơi xa. Đó chính là những giá trị để xây dựng bản lĩnh chính trị cho mỗi cán bộ, chiến sĩ kiên định bản lĩnh, sẵn sàng cống hiến vì tình yêu Tổ quốc”, đại úy Mai Viết Công chia sẻ.
Ánh mắt chàng trai trẻ đăm đăm nhìn ra hướng biển. Năm tháng qua đi, dẫu đã có khúc hát mới vang ngân trên hòn đảo tù ngục năm xưa thì mãi mãi, ký ức bi tráng một thời của đảo vẫn luôn hiển hiện để nhắc nhớ thế hệ hôm nay về thông điệp “sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những gian khổ, hy sinh”. Mai Viết Công nói: “Thế hệ trẻ hôm nay tự hào được đến với Côn Đảo, được cống hiến cho hòn đảo. Để những câu hát xuyên tường thép năm xưa mãi trở thành ngọn lửa vun đắp cho những lý tưởng sống đẹp đẽ và trách nhiệm nhiều hơn…”.
(còn nữa)
Ghi chép của Thu Trang - Thúy Hà; ảnh: Trần Huấn
(baovanhoa.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận