Những "chiến sĩ áo trắng" giữa trùng khơi

23:10 28-02-2024

VBĐVN.vn - Trong chuyến công tác đến quần đảo Trường Sa do Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức đầu năm 2024, chúng tôi có cơ hội được tìm hiểu về công tác quân y ở nơi này. Giữa muôn trùng sóng gió, những "chiến sĩ áo trắng" luôn vững vàng ý chí, làm tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

"Bệnh viện nổi" trên biển Đông

Chuyến công tác tới các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đợt này kéo dài gần 20 ngày, chúng tôi vinh dự được đi trên tàu quân y 561, số hiệu Khánh Hòa-01. Hạ thủy ngày 26-4-2012, tàu 561 có tải trọng hơn 2 nghìn tấn, được mệnh danh là "bệnh viện nổi" hiện đại nhất Đông Nam Á. Con tàu được đóng theo công nghệ Hà Lan, đạt tiêu chuẩn quốc tế, thân tàu dài hơn 70 mét, rộng gần 15 mét, chịu được gió cấp 10.

Tàu quân y 561.

Ngoài nhiệm vụ vận tải, chuyển lương thực, thực phẩm, nước ngọt cho các đảo, trên tàu có đầy đủ trang thiết bị khám, chữa bệnh như một bệnh viện tuyến huyện ở đất liền. Các khoang có máy điều hòa, tủ lạnh, tivi và nhiều phòng chức năng như: Giảm áp (điều trị các tai biến do lặn sâu), xét nghiệm, hồi sức cấp cứu, siêu âm, hội chẩn, phẫu thuật có kết nối vệ tinh, chuyên khoa răng - hàm - mặt… với gần 20 giường bệnh.

Thiếu tá quân y Phan Văn Linh, tàu 561 cho biết "Buồng giảm áp là một trong những buồng hiện đại nhất điều trị các bệnh liên quan đến tai biến do lặn. Đặc biệt ở phòng siêu âm có trang bị hệ thống hội chẩn trực tuyến truyền dữ liệu hình ảnh qua vệ tinh với Bệnh viện Quân y 175".

Chiến sĩ ở Trường Sa được các y sĩ, bác sĩ trên tàu quân y 561 kiểm tra sức khỏe.

Trang thiết bị, vật tư y tế trên tàu được nhập từ các nước tiên tiến, như máy siêu âm màu 4 chiều, máy đo điện tim, xét nghiệm sinh hóa. Riêng phòng phẫu thuật và hội chẩn được trang bị hệ thống truyền hình kết nối trực tiếp với bệnh viện quân y tuyến trung ương. Sau hơn 10 năm hoạt động, tàu 561 thực hiện nhiệm vụ khám, cấp phát thuốc, tổ chức cấp cứu cho hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và ngư dân tại huyện đảo Trường Sa. Nhiều trường hợp bị tai biến, tai nạn trên biển được cấp cứu, phẫu thuật, điều trị kịp thời.

Đặc biệt, tàu 561 từng tham gia hoạt động trong Chương trình đối tác Thái Bình Dương năm 2019 (PP19) diễn ra tại TP Tuy Hòa và 2 huyện Đông Hòa, Tây Hòa thuộc tỉnh Phú Yên. Kết thúc các hoạt động PP19, có hơn 700 người dân địa phương được khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe; hơn 400 bệnh nhân được khám và điều trị về các bệnh răng miệng; gần 60 bệnh nhân được phẫu thuật, cấp thuốc miễn phí ngay trên tàu. Các y, bác sĩ không chỉ làm công việc quân y mà còn kiêm cả lái tàu trong suốt hải trình, hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ xuống xuồng ra, vào các đảo an toàn.

Tàu quân y 561 được trang bị nhiều thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Trong hải trình đến với quần đảo Trường Sa, thời tiết bất thường, luôn có sóng to, gió lớn. 2-3 ngày đầu, dù đã uống thuốc chống say song hầu hết đoàn phóng viên chúng tôi (hơn 40 người) bị say sóng, nôn, nằm một chỗ, đầu óc chao đảo. Chị Phan Thị Trang Đoan, phóng viên tạp chí Sông Lam (Nghệ An) và chị Trần Thị Hoa, biên tập viên Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh cảm thấy như kiệt sức. Các chị được Đại úy, bác sĩ Hồ Sỹ Ngọc và Trung úy, y sĩ Võ Việt Hải đến tận nơi chăm sóc, cho uống thuốc, bổ sung nước điện giải. Mặc dù các anh cũng bị say sóng song vẫn nở nụ cười tươi, động viên mọi người cố gắng vượt qua.

Sau những ca trực, Đại úy Hồng Long, Chính trị viên tàu, Đại úy Phạm Văn An, Thuyền trưởng, các phó thuyền trưởng và nhiều chiến sĩ tàu 561 đến từng phòng hỏi thăm tình trạng sức khỏe của phóng viên ân cần, chu đáo. Cảm động hơn khi thấy nhiều nữ phóng viên bỏ bữa tối, chỉ nằm một chỗ chống chọi với say sóng, Đại úy Phạm Văn An tận tay "ship" những khoanh khoai lang luộc nóng hổi đến tận giường để tiếp thêm năng lượng cho mọi người.

Hết lòng vì quân, dân

Ở Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, vài năm gần đây, cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, hiện đại. Đây là nơi khám, chữa bệnh, cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nguy hiểm cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo cũng như ngư dân gặp nạn.

Bác sĩ Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa khám bệnh cho người dân huyện đảo.

Hiện nay, trung tâm có nhiều trang thiết bị hiện đại như: Hệ thống máy khám, chữa nha khoa, máy chụp X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm màu 4 chiều, máy gây mê… Đặc biệt là hệ thống telemedicine - khám chữa bệnh từ xa giúp các bác sĩ đầu ngành từ đất liền có thể hỗ trợ tối đa việc chẩn đoán, điều trị hay những ca mổ phức tạp. Những "chiến sĩ áo trắng" luôn thấm nhuần lời Bác Hồ dạy “Lương y như từ mẫu”, đem hết khả năng của mình để cứu chữa bệnh nhân vượt qua nguy hiểm.

Đầu năm 2024, Trung tá, bác sĩ, Tiến sĩ Nông Hữu Thọ (Bệnh viện Quân y 175) được cấp trên điều động ra đảo Trường Sa công tác phụ trách Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa. Bác sĩ Thọ có chuyên môn về phẫu thuật lồng ngực. Anh chia sẻ: “Từ khi còn là học sinh, tôi đã mong ước sau này được làm việc, cống hiến ở Trường Sa. Nhiều y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 175 cũng thường xuyên xung phong ra đảo. Chúng tôi nhận thấy đây không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là vinh dự lớn lao của những chiến sĩ quân y, được đóng góp công sức, trí tuệ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc".

Trước khi ra đảo, bác sĩ Thọ thường xuyên tham gia các buổi kết nối hội chẩn từ Trường Sa với Bệnh viện Quân y 175 để xử lý các ca bệnh khó, nguy hiểm.

Cán bộ Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa kiểm tra thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Cùng với công tác khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa luôn là địa chỉ tin cậy của người dân, ngư dân khi gặp vấn đề về sức khỏe. Khi đi biển dài ngày, ngư dân thường phải đối mặt với các vụ tai nạn lao động hoặc bị ốm, sốt, nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn, các bệnh lý về đường tiêu hóa, da liễu... Lao động trên biển, xa đất liền, tiềm ẩn nhiều rủi ro, Trung tâm chính là điểm tựa để bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Chị Lê Thị Minh Diệu, người dân ở huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) tâm sự: "Mỗi khi bị ốm, mẹ con tôi thường ra Trung tâm để được thăm khám. Các y, bác sĩ nơi đây rất tận tình, chu đáo khám, tư vấn, cấp thuốc giúp chúng tôi cảm thấy yên tâm".

Trò chuyện với phóng viên, các y, bác sĩ trên đảo Trường Sa chia sẻ nhiều kỷ niệm, câu chuyện cảm động. Trong đó, kỷ niệm đáng nhớ nhất vào tháng 9/2023, trung tâm tiếp nhận một bệnh nhân sinh năm 1957, quê ở Quảng Ngãi. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi ARDS, tổn thương đa cơ quan, tăng huyết áp, bệnh tim, thiếu máu cục bộ. Sau khi hội chẩn với Bệnh viện Quân y 175, các bác sĩ đã tiến hành đặt ống nội khí quản thở máy và điều trị cho bệnh nhân, sau đó cử người của trung tâm hộ tống chuyển bệnh nhân vào đất liền bằng đường hàng không. Được lọc máu cấp cứu trong nhiều giờ, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, hiện nay sức khỏe ổn định.

Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, nhiều trường hợp bệnh nhân được cấp cứu thoát khỏi "lưỡi hái tử thần". Chỉ tính riêng năm 2023, Trung tâm tổ chức khám, chữa bệnh cho hơn 1.700 lượt người. Trong đó có 92 ca cấp cứu, hơn 160 ca phẫu thuật, chuyển về đất liền cấp cứu 24 trường hợp bằng tàu và máy bay.

Không chỉ đảo Trường Sa, các điểm đảo nơi chúng tôi đặt chân đến đều in đậm hình ảnh những "chiến sĩ áo trắng" luôn tận tụy, xả thân vì công việc, gác việc riêng để vẹn toàn việc chung. Thiếu tá, y sĩ Vương Quốc Dũng quê ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) có gần 30 năm phục vụ trong quân ngũ, từng 4 lần ra quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ. Gần đây nhất vào tháng 8-2023, anh được điều động ra công tác tại đảo Đá Tây B phụ trách công tác quân y.

Nhờ có sức khỏe bảo đảm, các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ tuần tra.

Tủ thuốc của đảo gồm nhiều nhóm thuốc như: Kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, tiêu hóa, dị ứng và các loại thuốc cấp cứu ban đầu (trợ tim, trợ sức). Bên cạnh việc mỗi tháng tổ chức khám sức khỏe cho bộ đội một lần, Thiếu tá Dũng cùng đồng đội còn nhiều lần thăm khám, xử lý sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho ngư dân và chuyển lên tuyến trên.

Hành trình gần 20 ngày trên biển và các đảo, thời gian tuy không dài song cũng đủ để chúng tôi phần nào cảm nhận được những gian khổ, hy sinh, vất vả của những "chiến sĩ áo trắng" đang ngày đêm lặng thầm cống hiến tuổi xuân nơi biển đảo xa xôi. Mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn tâm niệm, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, bản thân vẫn luôn vững vàng ý chí, son sắt niềm tin để thực hiện nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: CÔNG DOANH

(baobacgiang.com)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang