Những dấu ấn nổi bật trong công tác đối ngoại của Cảnh sát biển Việt Nam

14:50 17-10-2021

VBĐVN.vn - Công tác đối ngoại Cảnh sát biển thời gian qua đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, thiết thực, hiệu quả; góp phần giữ gìn vùng biển an ninh, an toàn, hòa bình, ổn định và phát triển. Từ đó, góp phần quan trọng vào nâng cao vị thế, hình ảnh của Cảnh sát biển Việt Nam trên trường quốc tế; trở thành biện pháp công tác hữu hiệu để Cảnh sát biển Việt Nam góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc hội đàm trong chuyến kiểm tra liên hợp nghề cá trên Vịnh Bắc Bộ năm 2019. Ảnh: Viết Tôn

Góp phần giữ vững hòa bình, ổn định trên vùng biển

Nắm vững đường lối đối ngoại của Đảng, Chỉ thị Nghị quyết về đối ngoại quốc phòng của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, hoạt động đối ngoại Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) giai đoạn 2015-2020 đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn, hòa bình, ổn định trên vùng biển Việt Nam.

Công tác đối ngoại của CSBVN cũng góp phần phát triển và làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước Đông Nam Á. Trên cơ sở coi trọng công tác xây dựng thể chế cho lực lượng CSB nói chung và trong việc đàm phán, ký kết các văn bản hợp tác với CSB các nước nói riêng, tiến tới thiết lập, xây dựng quan hệ hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước đi vào chiều sâu. Bộ tư lệnh CSB đã có những chỉ đạo thúc đẩy ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với những nước có liên quan, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới, ranh giới trên biển.

Trong giai đoạn này, CSBVN đã ký được Nghị định thư về Cơ chế liên lạc đường dây nóng với Ủy ban Quốc gia An ninh Hàng hải Campuchia, Ý định thư với CSB Indonesia (BAKAMLA) năm 2017, Ý định thư với Malaysia năm 2019. Hiện nay, các Bản Ghi nhớ hợp tác với Indonesia và Philippines đang trong giai đoạn chuẩn bị ký kết. Từ các văn bản này, đã có nhiều hoạt động hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả với các nước, trong đó có các hoạt động góp phần đấu tranh ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản trái phép, không báo cáo, không theo quy định (IUU) của Việt Nam trong thời gian qua.

Hiện thực hóa đường lối của Đảng về kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy, Bộ tư lệnh CSB đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, quyết liệt. Nhờ đó, có nhiều nước đã sẵn sàng tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả về trang bị, tàu thuyền, cơ sở vật chất hậu cần và công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực, kiến thức về pháp luật, an ninh, an toàn trong thực thi pháp luật trên biển.

Cùng với đó, các chuyến thăm của tàu CSBVN đến các nước: Ấn Độ năm 2018, Nhật Bản năm 2019 đã góp phần nâng cao vị thế của CSBVN trong khu vực và trên trường quốc tế. Đây cũng là cơ hội để chúng ta tổ chức huấn luyện, rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ CSBVN có bản lĩnh, kinh nghiệm, sức chịu đựng và khả năng điều động tàu đi xa, dài ngày trên biển. Qua đó, nâng cao năng lực cho CSBVN, đồng thời tạo sự chủ động, bản lĩnh, cân bằng và đối đẳng trong quan hệ hợp tác giữa các nước lớn.

Nhận thức sâu sắc vai trò cầu nối của các Đại sứ các nước trong mối quan hệ với Việt Nam trong thời gian qua, nhất là giai đoạn 2015-2020, Thủ trưởng Bộ tư lệnh CSBVN đã chủ động, thường xuyên trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với Đại sứ và cán bộ Đại sứ quán các nước có quan hệ hợp tác về lĩnh vực CSB. Hoạt động này vừa tăng cường hợp tác về lĩnh vực CSB, vừa giúp chúng ta có nhiều quyết sách đúng đắn, có đối sách phù hợp, góp phần bảo vệ biển đảo, giữ được tình hình ổn định và phát triển trên hướng biển, cùng có lợi. Về hợp tác đa phương.

Trong bối cảnh và tình hình mới, hợp tác đa phương có vai trò giải quyết các thách thức toàn cầu, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế và các nỗ lực chung vì hòa bình và phát triển trên thế giới. Vì thế, Bộ tư lệnh CSBVN đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong các cơ chế, diễn đàn đa phương.

Trong đó, nổi bật là Hiệp định hợp tác khu vực chống cướp biển và cướp có vũ trang (ReCAAP). Đây là cơ chế đa phương mà CSBVN tham gia đầy đủ nhất, thay mặt Chính phủ Việt Nam tham gia Hội đồng điều hành, là đầu mối quốc gia về chia sẻ thông tin, cùng nhiều cơ chế diễn đàn như: Hội nghị những người đứng đầu CSB các nước Châu Á (HACGAM). Đây là Hội nghị thường niên, bắt đầu từ năm 2004. Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai tổ chức năm 2011 và năm 2021 là lần thứ hai chúng ta là nước chủ nhà; Diễn đàn Tư lệnh lực lượng thực thi pháp luật trên biển các quốc gia Đông Nam Á (SEAMLEI); Các hoạt động trong khuôn khổ do Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tổ chức; Hội nghị Cảnh sát biển toàn cầu (CGGS).

Các chiến sĩ Cảnh sát biển trong chuyến tuần tra làm nhiệm vụ trên biển.

Trong công tác xây dựng ngành đối ngoại

Đảng ủy, Bộ tư lệnh CSB đã lãnh đạo xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành đối ngoại CSB về kỹ năng xử lý tình huống, sự cẩn thận, khoa học, logic, đảm bảo an toàn thông tin, đúng quan điểm, đường lối đối ngoại.

Theo đó, Bộ tư lệnh CSB đã có nhiều nội dung tham mưu đề xuất quan trọng và mang tính chiến lược với Quân ủy Trung ương trong xây dựng lực lượng và công tác đối ngoại CSB đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Ngành đối ngoại CSBVN dưới sự chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ tư lệnh CSB đã có sự trưởng thành về lực lượng, thể chế, tổ chức, kỹ năng đối ngoại, cũng như khả năng nhạy bén, chất lượng trong công tác, thay đổi bản chất hoạt động đối ngoại CSB từ “thụ động” sang “chủ động”.

Trong thời gian tới, trước yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình mới, những cán bộ, nhân viên làm công tác đối ngoại CSBVN trước hết luôn trân quý những đóng góp có giá trị thực tiễn, chứng minh tính đúng đắn của quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Quân ủy Trung ương; ghi nhớ những dấu ấn chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Thủ trưởng Bộ tư lệnh CSB nhiệm kỳ 2015-2020, nhất là trong chỉ đạo xây dựng ngành đối ngoại CSBVN; từ những kết quả đạt được trong thời gian qua, tiếp tục củng cố và nâng tầm hoạt động đối ngoại CSBVN ngày càng phát triển, góp phần giữ vững sự ổn định hướng biển, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; bảo vệ không gian sinh tồn của dân tộc; thiết thực xây dựng lực lượng CSBVN chính quy, tinh nhuệ, "tiến thẳng lên hiện đại" ngang tầm với nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương giao phó.

Thượng tá Nguyễn Trịnh Hùng, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế (Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang