Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ cuối: Đèn biển - minh chứng chủ quyền Tổ quốc

13:54 20-12-2022

VBĐVN.vn - Vượt qua gian nguy, những người lính hải quân, công binh và lực lượng đảm bảo an toàn hàng hải đã xây được những ngọn hải đăng ở Trường Sa, ở Hòn Hải. Ở đó có những ngọn đèn biển. Và mỗi ngọn đèn biển ấy là một minh chứng hùng hồn của hoạt động dân sinh, dân sự để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Hải đăng Đá Tây ở quần đảo Trường Sa - Ảnh: VMS - South cung cấp

Nhiều thuyền trưởng nước ngoài cảm ơn đèn biển Trường Sa

Những chuyến khảo sát và xây dựng các hải đăng ở Trường Sa vào thập niên 1990 của thế kỷ 20 mang nhiều ý nghĩa quan trọng tầm quốc gia và quốc tế. Bởi từ đó đến nay, Việt Nam đã có hệ thống đèn biển hoàn chỉnh trên Biển Đông. Những hải đăng trên quần đảo Trường Sa không chỉ là đèn biển mà còn như những cột mốc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Đặc biệt, ông Đặng Dong, nguyên phó trưởng Ban xây dựng cơ bản (Cục Hàng hải Việt Nam), kể lại rằng sau khi những ngọn hải đăng đầu tiên ở Trường Sa thắp sáng, chiếu rọi cho tàu bè qua lại, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Bùi Văn Sướng nói với ông rằng nhiều hãng tàu và thuyền trưởng đã điện thoại cảm ơn Việt Nam. Bởi vì nhờ có đèn biển ở Trường Sa mà họ chọn được hải trình an toàn, không sợ mắc cạn và tiết kiệm được quãng đường đi, tiết kiệm chi phí. Đặc biệt là hải đăng Song Tử Tây và Đá Lát, bởi đây là hai điểm ra - vào quần đảo Trường Sa. "Những ngọn hải đăng ở Trường Sa cũng là cơ sở để xây dựng và có được môi trường hàng hải an toàn trên Biển Đông", ông Đặng Dong phân tích thêm.

Gần 25 năm sau chuyến khảo sát đảo, hôm nay thượng tá Phạm Văn Thủy, giám đốc Công ty cổ phần Lũng Lô 4, vẫn nhớ như in cảm giác của những đêm đầu tiên ngủ trên đảo. Đến nay trong ông vẫn còn nhiều cảm xúc bâng khuâng khó tả.

"Đêm khuya thanh vắng, tôi nằm nhìn bầu trời và nghe tiếng sóng biển rì rào, tiếng gió rít, gió hú mà cảm giác như lời cha ông từng đổ máu xương bảo vệ Tổ quốc vọng về", thượng tá Thủy xúc động kể.

"Thấy đèn biển của Tổ quốc mình là yên tâm"

Cách đây vài năm, thượng tá Thủy có dịp đi tàu ngang qua đảo Hòn Hải thì cảm giác đó vẫn còn dội về trong tâm trí ông. "Càng về sau, tôi càng thấy vui và tự hào khi đã tiên phong đi khám phá, thăm dò Hòn Hải. Tôi chợt nghĩ cảm giác từ ngàn xưa vọng về của tôi cách đây gần 25 năm có lẽ là lời gửi gắm của những bậc tiền nhân khai thiên lập địa, xác lập chủ quyền thiêng liêng của biển đảo Việt Nam", thượng tá Thủy tâm sự.

Những người từng đến Hòn Hải như thượng tá Thủy cho biết lúc họ đặt chân lên mặt đảo chỉ có loại cỏ thân to, khô cháy vì thời tiết khắc nghiệt. Nhưng năm 2019, khi họ lên mặt đảo, đã thấy có những cây muống biển nở hoa tím đẹp. Có lẽ vì có con người sinh sống và làm việc mà đảo hoang đã thành đảo sống, cây muống biển cũng mọc lên và nở hoa trên đảo.

Đại tá Nguyễn Bá Hiểu, nguyên trưởng Ban quản lý dự án DK1 (Bộ tư lệnh Công binh), nhớ lại khi bàn giao công trình Hòn Hải, ngành giao thông hàng hải rất mừng vì đã có ý định đưa Hòn Hải vào hệ thống đèn biển quốc gia nhưng chưa làm được.

Với thành tích xây được hải đăng cùng cơ sở hạ tầng Hòn Hải, Bộ tư lệnh Công binh được cố đại tướng Phùng Quang Thanh (lúc đó là thứ trưởng Bộ Quốc phòng) khen ngợi như sau: "Biểu dương Bộ tư lệnh Công binh đã chỉ đạo tổ chức thi công công trình có chất lượng tốt và bàn giao chặt chẽ".

Ngoài việc thiết kế và có sáng kiến đào hầm trên đảo Hòn Hải, đại tá Lê Đình Tân, nguyên cục trưởng Cục Công trình quốc phòng (Bộ tư lệnh Công binh), còn thiết kế những công trình dân sinh khác như nhà ăn, bếp, nhà làm việc cho công nhân đèn biển. Những thiết kế của ông luôn luôn hướng đến "an toàn nhất cho anh em của mình".

Đó là khi thiết kế nhà ở chân đảo, ông yêu cầu phía ngoài căn nhà phải có một hành lang cản sóng với bê tông cốt thép dày 30cm "để sóng đánh vào, nước bật trở ra, không làm hại anh em mình". Trên mái nhà xây thêm một tường bê tông cốt thép cao gần 2m bao quanh mái nhà và dày ít nhất 20cm. "Trên mái nhà đổ đá dăm, để nếu đảo có đá lở, đá rơi thì giảm chấn, không gây sập nhà", đại tá Tân lý giải.

Trong hầm, đại tá Tân thiết kế có hai ngách đâm ngang. Một ngách là nơi cửa dùng để tiếp tế, kéo thực phẩm từ tàu lên vào mùa biển động và có tác dụng thông gió. Một ngách là hầm trú ẩn mỗi khi có bão gió bởi lúc này sóng quật trùm lên nhà làm việc, nơi ăn ngủ của công nhân đèn biển, dù nhà này cách mép đảo gần 10m và cao đến gần 20m.

Hòn Hải có vị trí rất quan trọng bởi đây không chỉ là mốc chủ quyền mà còn là một trong các điểm đánh dấu đường cơ sở của Việt Nam (A6) để xác định lãnh hải của Tổ quốc. Hơn nữa đây là vị trí nằm giữa vùng biển Trường Sa, thềm lục địa phía Nam và đất liền nên có thể như một đài quan sát phục vụ cho an ninh - quốc phòng. Theo Công ước Luật biển quốc tế 1982, việc có những công trình dân sinh trên các đảo rất quan trọng.

"Khi có đèn biển, ngư dân mình ra đó nhìn thấy đèn biển của Tổ quốc là yên tâm vì đó là biển của đất nước mình, chủ quyền của mình. Lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh đảo Hòn Hải có ý nghĩa rất lớn cho cả Tổ quốc và cho mỗi ngư dân, mỗi con tàu đi qua đây", đại tá Tân tâm sự.

Nói về những người lính công binh thi công những ngọn hải đăng ở Trường Sa, ở Hòn Hải, cả ông Nguyễn Bá Hiểu và Lê Đình Tân đều rất khâm phục tinh thần vượt gian nguy và kiên trì làm từng bước một của những người đồng chí, đồng đội trực tiếp thi công ngoài biển. "Khi xong công trình, nhìn thấy lá cờ bay trên đảo, tôi thở phào nhẹ nhõm, tâm hồn bay bổng đến lạ kỳ, một cảm xúc thật khó tả khi thấy cờ Tổ quốc ở trên đỉnh đảo", đại tá Tân xúc động tâm sự.

Hải đăng Song Tử Tây ở quần đảo Trường Sa - Ảnh VMS - South cung cấp

Những hy sinh ở Hòn Hải

Trong chuyến khảo sát Hòn Hải vào tháng 3-1999, thiếu tá hải quân Nguyễn Văn Mộc đã hy sinh. Đại tá Lê Đình Tân nhớ lại: Vào chiều 25-3-1999, khi đoàn của Bộ tư lệnh Công binh do đại tá Hoàng Kiền dẫn đầu ra Hòn Hải để nghiệm thu khảo sát đã xong việc. Nhưng vì tận tâm với trách nhiệm, thiếu tá Nguyễn Văn Mộc lại ra mép dưới chân đảo để kiểm tra lại các vị trí, tọa độ. Một con sóng lớn bất ngờ nổi lên, đánh thiếu tá Mộc văng ra biển. Một lúc sau, có người mới thấy thiếu tá Mộc đang chơi vơi giữa biển.

Mọi người liền tổ chức ra cứu vớt thiếu tá Mộc. Thượng tá Phạm Văn Thủy lúc đó là sinh viên vừa ra trường, mới vào Công ty Lũng Lô làm việc đã xung phong cột dây vào người rồi bơi ra dìu thiếu tá Mộc vào bờ. Thế nhưng việc đưa cả hai vào bờ không hề dễ dàng vì sóng đánh chồm, sóng đánh giựt rất nguy hiểm ở vùng biển Hòn Hải. "Cứ vào gần mép đảo, sóng lại rút ra mạnh, quăng quật. Cứ như thế tôi và anh Mộc dập dềnh ngoài biển", thượng tá Thủy nhớ lại. Khi mọi người cố gắng đưa được cả hai vào bờ thì thiếu tá Mộc đã không còn vì kiệt sức.

Năm 2004, công nhân Nguyễn Văn Nhân cũng mất tích vào ban đêm. Tháng 12-2020, hai công nhân hải đăng Hòn Hải cũng mất tích trong khi đi kiểm tra để phòng chống bão đã bị sóng biển đánh trùm lên nhà làm việc và kéo họ xuống biển. Biển đảo Hòn Hải vẫn luôn là nơi hiểm trở nhưng cũng khẳng định ý chí can trường, không tiếc máu xương của người Việt vì Tổ quốc thiêng liêng của mình.

Tháng 11-2004, Cục Hàng hải Việt Nam đã phát đi thông báo hàng hải quốc tế về việc thiết lập đèn biển mới Hòn Hải - Bình Thuận. Đèn này ở vị trí cao hơn 121m so với mặt nước biển "hải đồ 00", với tầm hiệu lực ánh sáng 24,5 hải lý. Đến đầu tháng 6-2005, khi hoàn thành toàn bộ hạ tầng ở Hòn Hải, Bộ tư lệnh Công binh cùng các ngành chức năng ra Hòn Hải để nghiệm thu và bàn giao công trình cho Cục Hàng hải Việt Nam.

Theo tuoitre.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang