Những người góp phần giữ “môi trường xanh” cho biển, đảo Tổ quốc

14:19 08-04-2020

Trung tâm Quan trắc-Phân tích môi trưởng biển, Bộ Tham mưu Hải quân có nhiệm vụ quan trắc-phân tích và cung cấp các thông tin về chỉ tiêu chất lượng môi trường biển; nghiên cứu đề xuất các phương án và giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường… Miệt mài nghiên cứu khoa học rồi lại thường xuyên đi thực tế trên các vùng biển, đảo, cán bộ, nghiên cứu viên Trung tâm luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Chúng tôi cùng nhóm cán bộ, nghiên cứu viên Trung tâm Quan trắc-Phân tích môi trường biển và đoàn công tác số 12 trên con Tàu 571 đến thăm quân, dân trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Đêm về khuya, các thành viên đoàn công tác đã ngủ say, con tàu vẫn lầm lũi hành trình trên biển. Trên boong tàu, cán bộ, nghiên cứu viên của Trung tâm Quan trắc-Phân tích môi trường biển vẫn miệt mài thực hiện nhiệm vụ khảo sát chất lượng nước biển khu vực quần đảo Trường Sa. Vừa chuẩn bị trang thiết bị đo đạc, Trung tá, Tiến sĩ Vũ Thị Quỳnh Chi, Trưởng ngành Hóa học của Trung tâm chia sẻ: Đây là 1 trong những điểm lấy mẫu trong hải trình lần này. Khi tàu đến mỗi điểm lấy mẫu thì dù trời mưa hay nắng, ngày hay đêm, chúng tôi cũng có mặt ở boong tàu để thực hiện nhiệm vụ, công việc này chỉ tạm dừng nếu có giông, bão. Những lần lấy mẫu trên biển do ảnh hưởng của sóng, gió nên đòi hỏi người lấy mẫu phải kiên trì, cẩn thận, vừa chú trọng bảo đảm an toàn để bảo đảm việc lấy mẫu theo đúng quy định.

Cán bộ, nghiên cứu viên Trung tâm thực hiện lấy mẫu và đo đạc chất lượng nước biển khi tàu hành trình tại khu vực huyện đảo Trường Sa.

Đến các đảo, khi các thành viên trong đoàn công tác tham quan, trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ và tham gia các buổi giao lưu, văn nghệ thì cán bộ, nhân viên của Trung tâm tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đại úy Trương Văn Tân, Nghiên cứu viên ngành Môi trường cho biết: Chúng tôi đã tiến hành đo đạc, phân tích, đánh giá sơ bộ chất lượng nguồn nước sinh hoạt của quân, dân trên các đảo như: Nước mưa, nước giếng, nước lọc (qua máy lọc nước biển thành nước ngọt)… Chúng tôi đo đạc để cho ra kết quả phân tích bảo đảm đánh giá đúng thực tế môi trường nước sử dụng trên đảo. Khi đó, sân đảo, boong tàu cũng trở thành “phòng thí nghiệm”. Những thông số sâu hơn, cần trang bị máy móc hiện đại, chúng tôi thực hiện lấy và giữ mẫu trong các chai bảo quản đem về phòng thí nghiệm tại Trung tâm để xử lý, phân tích…

Những năm qua, Trung tâm đã thực hiện khảo sát hiện trạng môi trường ở nhiều cơ quan, đơn vị và các vùng biển, đảo trên cả nước; tham gia vào những chuyến công tác còn có đội ngũ cán bộ trẻ có tinh thần học hỏi, tích cực và chủ động trong thực hiện nhiệm vụ. Năm 2019, nhiều cán bộ trẻ đã xung phong đi thực tế trên đảo Trường Sa; giám sát lắp đặt các trang thiết bị về môi trường trên các đảo; tham gia cùng đoàn công tác hợp tác Nga-Việt khảo sát đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển quần đảo Trường Sa; khảo sát hiện trạng môi trường tại các đơn vị trên bán đảo Cam Ranh... góp phần đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa và các đơn vị trên bán đảo Cam Ranh.

Sau những ngày tháng vượt sóng gió đi thực tế tại các vùng biển, đảo quan trắc, lấy mẫu và đánh giá sơ bộ chất lượng môi trường, cán bộ, nghiên cứu viên Trung tâm lại miệt mài với quá trình nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường. Thiếu tá Phạm Thị Thu Hường, Trưởng ngành Môi trường của Trung tâm cho biết: Hiện tại, Trung tâm đang triển khai nhiều hệ thống xử lý về môi trường cho các đơn vị trong và ngoài Quân chủng. Trong đó có hệ thống xử lý chất thải rắn trên đảo Ngọc Vừng (tỉnh Quảng Ninh) được Trung tâm triển khai từ năm 2018. Đến nay, hiệu quả xử lý rất cao vì toàn bộ chất thải sinh hoạt tại đảo được xử lý triệt để và bảo đảm những quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra môi trường.

Đại tá Nguyễn Ngọc Tuyển, Giám đốc Trung tâm cho biết: Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, Trung tâm không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, nhiệm vụ bảo vệ môi trường sát với thực tế của các đơn vị trong và ngoài Quân chủng; tập trung đột phá “Nâng cao năng lực đánh giá, dự báo các vấn đề môi trường phát sinh mới; làm chủ các trang bị kỹ thuật đủ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”.

Với đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên có trình độ chuyên môn vững vàng, tác phong làm việc chủ động, khoa học, nghiêm túc, chúng tôi tin tưởng rằng, Trung tâm Quan trắc-Phân tích môi trường biển sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần để môi trường sống thêm trong lành, giữ gìn biển, đảo mãi xanh.

Theo baohaiquanvietnam.vn

Nguồn:https://baohaiquanvietnam.vn/tin-tuc/nhung-nguoi-gop-phan-giu-moi-truong-xanh-cho-bien-dao-to-quoc-7116

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang