Ninh Thuận phát triển nghề nuôi biển và nhân giống thủy sản

10:35 29-03-2022

​​​​​​VBĐVN.vn - Cùng với khai thác hải sản tự nhiên, nghề nuôi biển và nhân giống thủy sản của tỉnh Ninh Thuận trở thành nhiệm vụ trọng tâm để đưa thương hiệu Ninh Thuận đi xa.

Hiện các sản phẩm của Ninh Thuận đã khẳng định uy tín trên các thị trường nước ngoài và nội địa; ngành giống thủy sản của tỉnh Ninh Thuận cũng đã được nhiều địa phương trong nước biết đến.

Mô hình lồng bè nuôi tôm hùm, cá biển tại khu vực biển huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh tư liệu: Nguyễn Thành/TTXVN

Thế mạnh trung tâm giống thủy sản toàn vùng

Ninh Thuận lâu nay được biết đến là nơi cung ứng giống các loại thủy sản như tôm, cá bốp, cá chim, cá mè,… cho các địa phương nuôi thủy sản trong cả nước. Sở hữu lợi thế về thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, nhiều năm qua, Ninh Thuận là nơi chủ lực cung ứng tôm giống cho cả nước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, năm 2021, sản lượng tôm giống của Ninh Thuận đạt hơn 24 tỷ con, chiếm hơn 35% sản lượng tôm giống của cả nước. Tôm giống Ninh Thuận càng được khẳng định chất lượng và thương hiệu ra khắp các thị trường khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận Nhãn hiệu chứng nhận "Tôm giống Ninh Thuận". Đây là bệ phóng để hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận vươn lên, hướng đến trở thành trung tâm sản xuất giống tôm chất lượng cao của cả nước.

Những năm qua, Ninh Thuận luôn chú trọng quản lý nhà nước về giống thủy sản. Quy định về sản xuất giống thủy sản triển khai đồng bộ đã kịp thời chấn chỉnh, giúp các cơ sở sản xuất ngày càng nâng cao chất lượng giống như mong muốn.

Ông Đào Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ FishWorld chia sẻ, xác định Ninh Thuận có thế mạnh về sản xuất giống thủy sản, ông đã mạnh dạn đầu tư và mở rộng các trại giống cá bốp, cá mè, cá chim… để cung ứng cho nhu cầu thị trường trong nước. Hiện công ty FisfWorld có hợp đồng xuất khẩu giống thủy sản đi nước ngoài, nhưng vì dịch bệnh Covid-19 nên vận chuyển hàng bị gián đoạn, đang chờ kết nối lại để hoàn thất thủ tục xuất khẩu.

Riêng tại thị trường trong nước, FishWorld cung ứng giống thủy sản cho Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, các tỉnh miền Trung,… với sản lượng 500.000 con giống mỗi năm. Về khâu sản xuất giống, Công ty FishWorld nhập từ Cam ranh, tỉnh Khánh Hòa. Với điều kiện thời tiết thuận lợi cho con giống phát triển, con giống đạt chất lượng cao, tỷ lệ đạt từ 70% đến 80% khi thả nuôi. Với sự áp dụng tốt khoa học công nghệ xử lý ao nuôi, gây màu tảo và tạo thức ăn tự nhiên tốt, Công ty FishWorld có tỷ lệ giống đạt yêu cầu của khách hàng các tỉnh trong nước.

Cũng là một trong những đơn vị sản xuất, cung ứng giống thủy sản lớn của tỉnh Ninh Thuận, ông Ông Nguyễn Văn Phát, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư S6 chia sẻ, Chi cục Thủy sản Ninh Thuận đã chọn công ty triển khai thí điểm theo hướng kết hợp giữa nhãn hiệu chứng nhận và tem truy xuất nguồn gốc, giúp doanh nghiệp nâng cao tiêu chí để phát huy giá trị của nhãn hiệu chứng nhận.

Hiện, tôm giống Ninh Thuận được công nhận là 1 trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh. Có đến 90% sản lượng tôm giống sản xuất trong tỉnh được tiêu thụ ở các tỉnh nuôi tôm thương phẩm trong cả nước, cho thấy chất lượng sản xuất giống ngày càng nâng cao.

Phát huy thêm hiệu quả nuôi biển

Mô hình nuôi cá Bớp trong lồng bè ở Ninh Thuận. Ảnh tư liệu: Nguyễn Thành/TTXVN

Ngoài phát huy thế mạnh cung ứng giống thủy sản cho các địa phương nuôi, trồng thủy sản, Ninh Thuận cũng là một địa phương có bờ biển dài hơn 100 km, thuận lợi cho cả việc khai thác xa bờ, cũng hiểu quả khi tổ chức nuôi biển ở vùng lộng, vùng gần bờ.

Xác định thực hiện Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4-10-2021 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045, tỉnh Ninh Thuận tập trung phát triển nghề nuôi biển gắn với đổi mới và tổ chức lại sản xuất, phát triển công nghệ nuôi, thu hoạch, chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm nuôi biển chất lượng cao, góp phần làm gia tăng giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho biết, năm 2022, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh phát triển các mô hình nuôi biển với nhiều loài có giá trị cao như cá bốp, cá mú, cá chim, hàu, cua, ghẹ, ốc hương, tùm hùm, tôm thương phẩm nhằm khai thác và tận dụng tối đa lợi thế đường bờ biển cùng hệ thống đầm, vịnh, ao, đìa ven bờ tại các địa phương. Trong năm 2022, ngành nuôi biển phần đấu sản lượng thương phẩm đạt 9.500 tấn giống giống thủy sản đạt hơn 41 tỷ con.

Ngành thủy sản phối hợp với các địa phương tập trung triển khai đồng bộ giải pháp hướng dẫn ngư dân tuân thủ quy hoạch vùng nuôi, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đối với hoạt động nuôi biển, ngành thủy sản nghiên cứu chuyển đổi dần từ nuôi lồng bè gần bờ sang nuôi công nghiệp xa bờ với hệ thống lồng bè có kết cấu, chất liệu phù hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được độ mặn, biến động thời tiết sóng gió lớn, bão; trong đó, ứng dụng công nghệ nuôi biển công nghiệp Na Uy là một trong những lựa chọn để phát triển nuôi biển này, ông Đặng Văn Tín chia sẻ thêm.

Để có thể thúc đẩy hoạt động nuôi biển nhanh và đúng tiến độ kế hoạch của đề án, ngành nông nghiệp và các đơn vị chuyên môn thường xuyên mở lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, quan trắc môi trường nước, cảnh báo dịch bệnh kịp thời, hướng dẫn các hộ nuôi biện pháp phòng trị bệnh trên thủy sản.

Năm 2021 toàn tỉnh có 276 bè nuôi, hơn 2.600 lồng nuôi tôm hùm với sản lượng 80 tấn. Các loại cá biển như cá mú, cá bốp, cá chim được thả nuôi trên 1000 lồng, sản lượng 560 tấn, 730 ha tôm, sản lượng 5.800 tấn, 67 ha ốc hương, sản lượng hơn 1.500 tấn, hơn 400 bè nuôi hàu, sản lượng 1.200 tấn.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận nhấn mạnh, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh xác định tập trung xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm giống thủy sản của cả nước; ưu tiên nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, giá trị cao, góp phần phát triển sản xuất nông của tỉnh ngày càng hiện đại, đồng bộ, năng suất, chất lượng, có giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường.

Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang