Ninh Thuận tạo chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển
VBĐVN.vn - Để tạo động lực phát triển, Ninh Thuận sẽ tập trung huy động nguồn lực đầu tư; khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư vào các ngành kinh tế biển, đặc biệt là nhóm ngành, dự án trọng điểm như: Khu công nghiệp Cà Ná, điện gió ngoài khơi và trên biển, điện khí LNG, cảng cạn, trung tâm logictics...
Là 1 trong 28 tỉnh, thành ven biển của cả nước, nhưng Ninh Thuận lại mang đặc trưng khá riêng biệt, đó là có vùng biển nước trồi - nơi tập trung đa dạng nguồn lợi thủy hải sản. Là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước với bờ biển dài khoảng 105km, vùng lãnh hải rộng lớn…, Ninh Thuận có điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát kinh tế biển và công nghiệp ven biển.
Điểm nhấn phát triển mới
Nhờ tiềm năng, lợi thế của tỉnh ven biển, cùng với cơ chế, chính hỗ trợ của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh, những năm qua, Ninh Thuận đã khai thác và đang biến tiềm năng, lợi thế về biển thành điểm nhấn phát triển mới.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, thời gian qua, cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho tỉnh đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược. Tỉnh đã huy động được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhất là ở vùng biển và ven biển; đặc biệt là khu vực phía Nam của tỉnh với các dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná; trung tâm điện khí LNG Cà Ná (quy mô 1.500MW giai đoạn 1); khu đô thị ven biển...
Để tạo động lực phát triển, Ninh Thuận đã chủ động xây dựng, trình phê duyệt Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035; đồng thời phối hợp với bộ, ngành Trung ương đưa vào quy hoạch quốc gia các lĩnh vực có lợi thế mới như: điện gió ven biển, điện gió ngoài khơi, cảng nước sâu và trung tâm logistics để kêu gọi đầu tư. Tỉnh cũng xác định, công nghiệp ven biển là một trong những ưu tiên để phát triển các ngành kinh tế biển. Theo đó, tỉnh đã tập trung thu hút đầu tư vào dự án công nghiệp quy mô lớn, có công nghệ tiên tiến để tạo đột phá phát triển các ngành công nghiệp biển và ven biển.
Tính đến cuối năm 2021, Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 47 dự án công nghiệp biển với tổng vốn đăng ký trên 2.000 tỷ đồng. Đến nay, đã có 25 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 651 tỷ đồng; đồng thời tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển gắn với hình thành và phát triển trung tâm kinh tế biển, nhất là phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...
Ninh Thuận đã tập trung khai thác thế mạnh về biển để đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; triển khai có hiệu quả Đề án tổ chức lại nghề khai thác, tạo chuyển biến tích cực trong việc tổ chức khai thác vùng khơi; đồng thời, từng bước hình thành và trở thành trung tâm sản xuất tôm giống, hàng năm cung cấp trên 30% tổng nhu cầu tôm giống cho cả nước; đặc biệt là đã xây dựng thành công Nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận”.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận đã ban hành cơ chế thu hút phát triển du lịch trọng điểm có đẳng cấp cao gắn với đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư vào khu quy hoạch du lịch ở các địa phương ven biển. Đến cuối năm 2021, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận địa điểm cho 23 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư trên 16.000 tỷ đồng; trong đó có 6 dự án du lịch đã hoàn thành đưa vào hoạt động và một số dự án quy mô lớn đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ, góp phần tạo thương hiệu cho du lịch biển Ninh Thuận.
Để phát triển khu đô thị biển, khu dân cư vùng biển, tỉnh Ninh Thuận đã kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư 7 dự án trên diện tích hơn 160ha, với vốn đầu tư hơn 2.250 tỷ đồng. Đến nay đã cơ bản hoàn thành 2 khu đô thị và 1 khu dân cư, còn lại 4 dự án đang triển khai và hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Hiện Ninh Thuận cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná; đồng thời triển khai các thủ tục để đầu tư tuyến đường giao thông kết nối từ cao tốc Bắc - Nam với quốc lộ 1 A và cảng biển tổng hợp Cà Ná để tạo kết nối thông suốt, góp phần khai thác có hiệu quả cảng tổng hợp và khu công nghiệp Cà Ná..., tạo động lực phát triển mạnh kinh tế - xã hội vùng ven biển.
Phát huy thế mạnh từ biển
Để trở thành tỉnh mạnh về biển trong khu vực, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển kinh tế biển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng ven biển, nhất là vùng bãi ngang và vùng quy hoạch các công trình dự án trọng điểm về du lịch, năng lượng và đô thị ven biển...
Đến năm 2025, Ninh Thuận phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế biển đạt 15 - 16%/năm; huy động tổng vốn đầu tư cho kinh tế biển khoảng 61 - 62 nghìn tỷ đồng; trong đó vốn các thành phần kinh tế và dân cư chiếm khoảng 94 - 95%; đồng thời phấn đấu đưa kinh tế biển chiếm 41 - 42% tổng sản phẩm nội tỉnh.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, để đạt mục tiêu trên, tỉnh sẽ tập trung phát triển đột phá các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên như: năng lượng, năng lượng tái tạo; đô thị, du lịch biển và các loại hình dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; phát triển đồng bộ khai thác và nuôi trồng thủy hải sản; kinh tế hàng hải...
Ninh Thuận cũng xác định rõ nhóm ngành đột phá, đó là tập trung phát triển năng lượng tái tạo hướng ra biển. Cụ thể là xúc tiến đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi, điện gió ven biển. Trước mắt, tỉnh tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1, quy mô 1.500MW; kiến nghị với Trung ương bổ sung thay thế nguồn điện hạt nhân quy mô 4.600MW trước đây bằng điện khí LNG, hướng đến hình thành Trung tâm điện lực Cà Ná quy mô 6.000MW trong những năm tới.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp cơ khí chế tạo, chế biến thủy sản, sản xuất muối, sản phẩm sau muối, công nghiệp sửa chữa và đóng tàu...
Đồng thời, Ninh Thuận cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đặc biệt tập trung thi công để hoàn thành đầu tư cảng biển tổng hợp Cà Ná, cảng cạn, trung tâm dịch vụ logistics; xây dựng các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông cảng biển với tuyến đường cao tốc, đường sắt Bắc – Nam, quốc lộ 1A…
Với sự khác biệt về tiềm năng, lợi thế từ biển, tỉnh Ninh Thuận sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch, sớm đưa du lịch biển của tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Phấn đấu đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt khách; trong đó khách quốc tế chiếm từ 12 -13%, doanh thu đạt khoảng 2.900 tỷ đồng.
Tỉnh Ninh Thuận cũng xác định 3 khu vực để ưu tiên phát triển phù hợp với tiềm năng, thế mạnh. Cụ thể, khu vực ven biển phía Bắc sẽ phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và trải nghiệm, đô thị du lịch, du lịch sinh thái gắn với khai thác hiệu quả khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa; khu vực ven biển trung tâm sẽ phát triển dịch vụ du lịch và khu vực ven biển phía Nam sẽ phát triển các ngành công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu đô thị mới, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung phát triển đồng bộ giữa khai thác, nuôi trồng thủy sản hướng mạnh ra biển. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi thủy sản trên đất liền đạt 500 - 600 ha, trên biển khoảng 1.000 ha; sản lượng khai thác đạt từ 110 - 150 nghìn tấn; sản xuất tôm giống đạt 41 tỷ con; giá trị gia tăng ngành thủy sản tăng từ 2 - 3%/năm.
Để tạo động lực phát triển, Ninh Thuận sẽ tập trung huy động nguồn lực đầu tư; khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư vào các ngành kinh tế biển, đặc biệt là nhóm ngành, dự án trọng điểm như: Khu công nghiệp Cà Ná, điện gió ngoài khơi và trên biển, điện khí LNG, cảng cạn, trung tâm logictics, công nghiệp hóa chất... để tạo đòn bẩy cho kinh tế biển phát triển nhanh và bền vững.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận