Ninh Thuận với giải pháp giúp ngư dân khai thác thủy sản hợp pháp

14:16 13-07-2021

VBĐVN.vn - Để chống khai thác thủy sản bất hợp pháp theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, đối thoại với các chủ tàu cá và ngư dân trong tỉnh để truyền đạt tất cả quy định của pháp luật có liên quan đến việc khai thác thủy sản nhằm tránh xảy ra sai phạm, đảm bảo việc khai thác thủy sản của tỉnh hợp pháp, đúng với quy định của EC.

Tuyên truyền khai thác hợp pháp

Ninh Thuận là 1 trong 28 tỉnh, thành ven biển của cả nước. Những năm qua, tỉnh Ninh Thuận luôn xác định kinh tế biển là động lực. Do đó, nhiều cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế biển luôn được tỉnh quan tâm và đẩy mạnh thu hút đầu tư; đồng thời, có định hướng, giải pháp phát triển cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận cũng thực hiện tốt việc quản lý khai thác thủy sản vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi theo quy định hiện hành. Riêng về hoạt động khai thác thủy sản vùng nội địa, tỉnh đã giao về cho các địa phương quản lý theo Đề án tổ chức lại nghề khai thác hải sản của tỉnh.

Đội tàu khai thác xa bờ của ngư dân neo đậu tại cảng cá Mỹ Tân (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Đồng thời, tỉnh cũng thông báo cho các địa phương ven biển về hạn ngạch giấy phép khai thác tại vùng khơi được Bộ NN&PTNT phân bổ cho tỉnh. Theo đó, số lượng hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi của tỉnh là 788 giấy phép.

Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 733 tàu cá, nâng tổng số giấy phép khai thác thủy sản đã cấp cho tàu cá của tỉnh là 2.152 giấy; trong đó, 861 giấy phép vùng bờ cấp cho tàu có chiều dài từ 6-12m, 518 giấy phép vùng lộng cấp cho tàu cá dài từ 12-15m và 773 giấy phép vùng khơi cấp cho tàu dài từ 15m trở lên.

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận) cho biết, từ năm 2020 đến nay, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức 27 lớp tuyên tuyền cho 1.540 lượt ngư dân hiểu về quy định của Luật Thủy sản, về các nghị định của Chính phủ, các thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT…

Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cũng thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá. Theo đó, từ ngày 1-1-2021 đến nay, Văn phòng đã kiểm tra 3.882 lượt tàu cá; trong đó, có 2.015 lượt tàu rời bến và 1.867 lượt tàu cập bến.

Việc ghi, nộp nhật ký khai thủy sản được Ban Quản lý Khai thác các cảng cá thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15-11-2018 của Bộ NN&PTNT. Theo đó, định kỳ ngày 20 hằng tháng, Ban Quản lý Khai thác các cảng cá tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kiểm tra, kiểm soát tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng và xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, chuyển giao nhật ký khai thác, báo cáo khai thác đã thu trong tháng về Chi cục Thủy sản theo quy định.

Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản thường xuyên tuyên truyền, tổ chức cho ngư dân ký cam kết "không đưa tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài"; tuân thủ nghiêm quy định về đánh bắt, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo khuyến nghị của EC.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, đến nay trong số 775 chiếc tàu có chiều dài từ 15m trở lên của tỉnh thì đã có 728 chiếc được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu; trong đó, tất cả số tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên đã lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình.

Để thực hiện có hiệu quả việc giám sát tàu cá hoạt động trên biển thông qua thiết bị VMS, Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận luôn trực 24/24 giờ theo dõi từng trường hợp, xử lý theo quy trình; thông báo đến lực lượng Biên phòng, chính quyền địa phương làm việc với chủ tàu, xác định rõ nguyên nhân và lý do khi tàu cá mất kết nối, qua đó xử lý theo quy định.

Chi cục Thủy sản cũng triển khai nghiêm túc quy trình xử lý dữ liệu giám sát hành trình tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển, vượt qua ranh giới cho phép trên biển theo Quyết định 575/QĐ-TCTS-TTTS ngày 21/10/2019 của Tổng cục Thủy sản.

Hiện nay, bộ phận giám sát tàu cá ở tỉnh Ninh Thuận được đầu tư trang bị cơ bản gồm: màn hình lớn, máy tính và đường truyền internet riêng biệt được đặt tại Chi cục Thủy sản tỉnh. Ngoài ra, hai bộ phận giám sát tàu cá cũng được đặt tại hai văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng cá Cà Ná và Ninh Chử. Qua đó, cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương ven biển cùng truy cập hệ thống giám sát tàu cá trên biển theo chức năng.

Không để xảy ra sai phạm

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, có thể nói sau thời gian tỉnh triển khai các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, thông qua tuyên truyền, ngư dân trong tỉnh đã nhận thức rõ tác hại của việc vi phạm vùng biển nước ngoài và hoạt động khai thác bất hợp pháp.

Ông Nguyễn Xuân Sanh, ngư dân ở xã Cà Ná, huyện Thuận Nam cho biết, tuy Luật Thủy sản đã ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 nhưng thực tế nhận thức của ngư dân có chừng mực, nên việc tuyên truyền Luật Thủy sản cũng như thông tin về các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu đến với ngư dân là rất bổ ích. Từ đó, ngư dân thấy được tác hại của việc vi phạm IUU mà khai thác thủy sản hợp pháp.

Việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng theo các khuyến nghị của EC đã có nhiều tiến bộ. Các tàu đánh bắt xa bờ đều tuân thủ nghiêm túc việc khai báo, nộp sổ nhật ký khai thác khi về cảng.

Ngư dân Ninh Hải chuẩn bị ngư lưới cụ vươn khơi bám biển. Ảnh: V.M (Baoninhthuan.com.vn)

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận khẳng định, việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), kết quả kiểm tra tại cảng cá và đối chiếu với số liệu từ Tổng cục Thủy sản cho thấy, không có tàu cá Ninh Thuận vi phạm. Về chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, đến nay Ninh Thuận cũng chưa có lô hàng thủy sản nào yêu cầu chứng nhận.

Tuy nhiên, ngoài kết quả đạt được, việc triển khai các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp vẫn còn một số tồn tại, đó là nhiều tàu cá mang số đăng ký Ninh Thuận nhưng đã di chuyển gia đình vào các tỉnh miền Nam sinh sống gắn với hoạt động khai thác. Do đó, việc quản lý, tuyên truyền và vận động ngư dân ký cam kết là rất khó khăn.

Ngoài ra, tỉnh cũng còn 47 chiếc tàu nằm trong diện quy định chưa lắp thiết bị giám sát hành trình. Nguyên nhân là có tàu đang làm thủ tục chuyển nhượng; có tàu đang cải hoán, hư hỏng; có chủ tàu gặp khó khăn…

Để giải quyết vấn đề trên, Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh tiếp tục vận động và có những hỗ trợ. Đồng thời, áp dụng chế tài cụ thể để các trường hợp này thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát theo quy định.

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng sẽ phối hợp với các tỉnh, thành ven biển phía Nam chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và có biện pháp hỗ trợ, ngăn chặn tàu cá Ninh Thuận khai thác vi phạm IUU.

Sở NN&PTNT cũng kiến nghị UBND tỉnh giao cho Sở phối hợp cùng với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai nhiệm vụ nghiên cứu cơ sở khoa học nhằm xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản theo Luật Thủy sản.

Song song với đó, UBND tỉnh Ninh Thuận sớm ban hành quy trình xử lý tàu cá mất kết nối trên 10 ngày trên biển, tàu cá vượt ranh giới khai thác trên biển...

Văn Nam (theo TTXVN)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang