Nỗ lực "vượt rào" của ngành thủy sản. Bài 2: Cơ hội vàng gỡ "thẻ vàng" cảnh báo IUU
VBĐVN.vn - Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, việc thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng Việt Nam theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) chưa bao giờ mạnh mẽ, đồng bộ như thời điểm hiện nay. Đó là khẳng định của Phó Cục trưởng Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Dương Văn Cường khi trao đổi với tòa soạn về vấn đề này.
Phóng viên: Xin ông cho biết, Việt Nam đã và cần chuẩn bị, triển khai những công việc gì khi Đoàn thanh tra của EC sang thanh tra lần thứ năm?
Ông Dương Văn Cường: Theo kế hoạch, từ tháng 9 và 10-2024, Đoàn Thanh tra của EC sang Việt Nam thanh tra lần thứ năm và đi thực tế tại các địa phương cũng như làm việc với các cơ quan quản lý, Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là quãng thời gian tập trung cao điểm để Việt Nam, đặc biệt là chính quyền 28 tỉnh, thành phố ven biển, cũng như lực lượng thực thi pháp luật của Biên phòng, Kiểm ngư và Cảnh sát biển triển khai những nội dung khuyến nghị của EC. Tập trung vào những vấn đề liên quan đến quản lý đội tàu, quản lý truy xuất nguồn gốc, ngăn chặn, giảm dần và chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, công tác chuẩn bị hồ sơ và kịch bản để đón tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC cũng rất quan trọng.
Chúng ta đã hoàn thiện đầy đủ hệ thống cơ sở pháp lý cũng như cơ chế chính sách cho chống khai thác IUU, đã quản lý chặt chẽ đội tàu qua hệ thống VMS, qua việc lắp thiết bị giám sát hành trình. Với công tác truy xuất nguồn gốc, kể cả hàng khai thác trong nước cũng như hàng qua cảng Việt Nam cũng đã được kiểm soát. Và các lô hàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu, tỷ lệ vi phạm IUU bị trả lại rất thấp. Có thể thấy, việc thực thi pháp luật của các lực lượng chưa bao giờ mạnh mẽ, đồng bộ như thời điểm hiện nay. Lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển và các lực lượng khác ở địa phương đã tăng cường tuần tra, xử lý, xử phạt vi phạm hành chính.
Phóng viên: Vậy ông dự báo như thế nào về khả năng gỡ thẻ vàng về chống khai thác IUU của Việt Nam?
Ông Dương Văn Cường: Với lần thanh tra thứ 5 này, chúng ta có cơ sở, có kỳ vọng và có cơ hội về việc EC sẽ gỡ cảnh báo thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam. Hiện nay, còn vướng mắc nhất là tình trạng tàu cá và ngư dân của chúng ta bị nước ngoài bắt giữ, xử lý có giảm nhiều nhưng chưa chấm dứt được. Chúng ta nhất quán quan điểm cương quyết điều tra xác minh, xử lý triệt để, qua đó thể hiện cam kết và quyết tâm không dung túng, không bao che đối với hành vi này. Nếu không phát sinh vụ việc nào nữa, khả năng gỡ cảnh báo thẻ vàng của Việt Nam sẽ khả quan.
EC từng tuyên bố, giảm, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài là điều kiện tiên quyết để gỡ thẻ vàng. Do đó, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, các địa phương liên quan quyết tâm triển khai thực hiện.
Phóng viên: Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, vẫn còn xảy ra tàu cá của Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Vậy đâu là nguyên nhân của những tồn tại này, thưa ông?
Ông Dương Văn Cường: Việc tàu cá và ngư dân của nước ta vi phạm IUU ở vùng biển nước ngoài, bị bắt giữ xử lý là một thách thức lớn đối với cả công tác quản lý tàu thuyền cũng như thực thi pháp luật thủy sản ở trên các vùng biển. Từ đầu năm 2024 đến nay, mặc dù chúng ta đã nỗ lực lớn nhưng vẫn còn diễn ra một số vụ vi phạm, bị các nước chung quanh bắt giữ, xử lý. Về vấn đề này, nguyên nhân đầu tiên, đó là việc đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài mang lại lợi ích cho ngư dân lớn hơn so khai thác ở trong nước. Thứ nữa, còn tồn tại một số ngư dân, chủ tàu mặc dù nhận thức rõ, đây là hành vi cấm, hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng vẫn cố ý, cố tình thực hiện bằng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn đã gây nhiều khó khăn cho các lực lượng thực thi pháp luật như: Kiểm ngư, Biên phòng, Cảnh sát biển.
Mặt khác, ở những vùng biển tiếp giáp, hoặc chưa phân định, hoặc còn chồng lấn với các nước khác, tồn tại những đường dây môi giới, "móc nối" để tổ chức đưa tàu và người của nước ta đi thực hiện hành vi vi phạm này.
Vừa qua, Việt Nam đã khởi tố xét xử một vụ ở Kiên Giang, xử phạt theo quy định pháp luật hình sự. Song để đạt mục tiêu kéo giảm và tiến tới chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn là một thách thức lớn đối với lực lượng chấp pháp như: Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Biên phòng cũng như các cơ quan chức năng dù đã rất quyết liệt trong xử lý vi phạm.
Phóng viên: Những động thái mới đây trong việc hoàn thiện khung pháp lý chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC đã cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ cũng như chủ trương của Đảng. Xin ông cho biết đánh giá của mình về vấn đề này?
Ông Dương Văn Cường: Chính phủ mới ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP).
Một trong những điểm quan trọng là việc Chính phủ đã quy định rõ các nội dung để quản lý hàng thủy sản khai thác được nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam, vào các nhà máy chế biến và xuất khẩu sang các thị trường, trong đó có thị trường châu Âu. Nội dung này đáp ứng rất nghiêm túc đối với các khuyến nghị của EC. Theo đó, Chính phủ quyết tâm phải kiểm soát được hàng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam để bảo đảm rằng, mặt hàng đó vào đến Việt Nam không vi phạm IUU. Sau đó, khi mặt hàng này vào nhà máy, sang các thị trường khác, đã được chứng minh minh bạch nguồn gốc và không phải là hàng vi phạm IUU.
Đây là quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc kiến tạo hành lang pháp lý phù hợp hơn và đáp ứng những yêu cầu khuyến nghị của EC. Và đây cũng là một trong những nội dung mà EC rất quan tâm để bảo đảm rằng, quy định của pháp luật cũng như các chế tài xử phạt phải được thực hiện nghiêm trên thực tế.
Thực tế minh chứng, quy định pháp luật của Việt Nam đã đầy đủ, chế tài xử phạt nghiêm minh, kể cả xử phạt hành chính cũng như xử phạt hình sự, việc thực thi pháp luật thủy sản cũng như chống khai thác IUU của Việt Nam rất nghiêm túc, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của EC trong đợt thanh tra lần thứ năm này.
Đặc biệt, mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển ngành thủy sản bền vững. Đây là một quyết tâm, cam kết chính trị rất lớn của Việt Nam khi coi đó là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu hiện nay, gắn liền với trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các tổ chức đảng, người đứng đầu của chính quyền các cấp, đặc biệt là hệ thống chính quyền của 28 tỉnh, thành phố ven biển với những chỉ đạo mang tính toàn diện, kịp thời, đầy đủ.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Thủy (nhandan.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận