Nỗ lực “vượt rào” của ngành thủy sản. Bài 1: Điều chỉnh, hoàn thiện công cụ pháp lý

16:33 29-05-2024

VBĐVN.vn - Lời tòa soạn: Để gỡ được “thẻ vàng” vào châu Âu, một trong nhóm năm thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, trong năm 2024, đòi hỏi chúng ta phải giải quyết được ba vấn đề cốt lõi. Đó là, không để xảy ra tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài; tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình và giải quyết những đội tàu chưa được đăng ký, đăng kiểm, không giấy phép khai thác. Nhìn xa hơn, những nỗ lực rốt ráo của cả hệ thống chính trị và ngư dân hôm nay có thể mang đến cơ hội phát triển bền vững cho ngành thủy sản khi mà nguồn lợi, môi trường sinh thái, tài nguyên biển đều được bảo vệ cho thế hệ mai sau.

Bài 1: Điều chỉnh, hoàn thiện công cụ pháp lý

Chỉ khi các tàu cá tuân thủ nghiêm quy định về VMS, mục tiêu gỡ được cảnh báo thẻ vàng trong năm 2024 mới trở thành hiện thực. Ảnh: NGUYỄN TRI

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên nhiều phuơng diện, nhất là công tác hoàn thiện khung pháp lý, Việt Nam tự tin sẽ đáp ứng được yêu cầu từ phía Đoàn Thanh tra của EC trong lần kiểm tra thứ năm, dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 9, 10 năm nay.

Tăng mức phạt, tăng tính răn đe

Từ khi bị cảnh báo “thẻ vàng” về khai thác IUU của EC vào hơn sáu năm trước, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các giải pháp nhằm gỡ "thẻ vàng". Đợt thanh tra lần bốn vào tháng 10-2023, Đoàn Thanh tra của EC đánh giá, Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực trong chống khai thác IUU nhưng vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; chưa kiểm soát tốt nguồn gốc thủy sản xuất khẩu và tàu cá; việc thực thi pháp luật, trong đó có xử phạt tình trạng tàu cá mất kết nối còn hạn chế. Bởi vậy, mục tiêu gỡ “thẻ vàng” năm 2023 của ngành thủy sản đã không trở thành hiện thực.

Nhìn cả quá trình, từ năm 2017, Quốc hội đã ban hành Luật Thủy sản; các nghị định liên quan lĩnh vực thủy sản cũng lần lượt được Chính phủ ban hành. Với khung pháp lý được hoàn thiện, trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh việc xử phạt các trường hợp tàu cá vi phạm quy định.

Sau đợt thanh tra lần bốn của EC, lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng, Kiểm ngư các địa phương thường xuyên mở các đợt cao điểm, tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển và xử lý, xử phạt vi phạm hành chính. Trọng tâm là những hành vi liên quan mất kết nối thiết bị giám sát hành trình; điều tra, xác minh, xử lý đến cùng những vụ việc vi phạm vùng biển nước ngoài… Đặc biệt, Kiên Giang là địa phương đầu tiên trên cả nước đưa ra truy tố, xét xử một vụ liên quan môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Trước những đòi hỏi của thực tiễn, ngay trong tháng 4-2024, Chính phủ liên tiếp ban hành hai văn bản dưới luật quan trọng (Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP (thay thế Nghị định 42/2019/NĐ-CP) quy định xử phạt hành chính trong lĩnh thực thủy sản. Theo đó, đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định pháp luật để phù hợp hơn và đáp ứng những yêu cầu khuyến nghị của EC.

Đặc biệt, tại Nghị định số 38/2024/NĐ-CP, các mức phạt đã được sửa đổi và tăng các biện pháp xử phạt, bổ sung tám nhóm hành vi cấm để bảo đảm xử lý được những hành vi gian lận và những hành vi không minh bạch trong việc truy xuất nguồn gốc, kể cả hàng nhập khẩu nguyên liệu vào thị trường Việt Nam.

Xử lý triệt để các tàu cá vi phạm

Thời gian gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan khác như: Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… đã vào cuộc ở tất cả cấp độ để chuẩn bị đón Đoàn thanh tra EC. Đồng thời, coi đây là lần cuối với mong muốn chứng minh được sự cải thiện của Việt Nam qua những điều họ đã khuyến cáo. Nhiều tỉnh, thành phố ven biển, thời gian qua đã ban hành các chương trình hành động và nhiều văn bản để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU gắn với phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển và đã đạt được hiệu quả tích cực.

Cụ thể, tỉnh Kiên Giang vừa ban hành quy định tiêu chí đặc thù về đóng mới, hoán cải, thuê, mua tàu cá trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ nay đến hết năm 2024, Kiên Giang sẽ không cấp phép đóng mới tàu cá.

Tại tỉnh Bình Định, các đơn vị chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát để bảo đảm 100% số tàu cá tuân thủ hoạt động khai thác thủy sản. Trường hợp tàu không đánh dấu, kẻ số đăng ký theo đúng quy định thì không cho xuất bến.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp gỡ “thẻ vàng”, ngày 15-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 49CĐ-TTg về việc tập trung phát hiện, điều tra và xác minh thông tin để xử lý vi phạm quy định về hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS). Công điện nêu rõ, tình trạng tàu cá nước ta đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp. Nếu không xử phạt nghiêm minh các tàu cá vi phạm quy định về VMS, tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, khả năng gỡ được cảnh báo thẻ vàng trong năm 2024 là rất thấp, thậm chí nâng lên thành cảnh báo thẻ đỏ.

Thủ tướng chính phủ giao: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chủ trì, phối hợp các Bộ: Thông tin và Truyền Thông, Tư pháp, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng và các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển: Rà soát lại toàn bộ hệ thống VMS, tiếp tục bổ sung các tính năng quản lý tàu cá nhằm bảo đảm phát hiện ngay, kịp thời các trường hợp tự ý ngắt kết nối, tháo gửi thiết bị VMS sang các tàu khác, hoàn thành trong quý III/2024; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin kịp thời giữa các cơ quan chức năng để các trường hợp tàu cá vi phạm các quy định về VMS được phát hiện nhanh nhất; chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện, tuân thủ các quy định của pháp luật…

Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển, phải tập trung nguồn lực, kinh phí để rà soát bảo đảm 100% số tàu cá trên 15 mét khi tham gia khai thác trên biển phải lắp đặt thiết bị và duy trì kết nối hệ thống VMS theo quy định của Luật Thủy sản và các quy định pháp luật khác có liên quan, hoàn thành trong Quý III/2024; bố trí cán bộ đủ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ thực hiện giám sát từng tàu cá của địa phương trên hệ thống VMS, kịp thời phát hiện, điều tra và xác minh thông tin để xử lý triệt để các trường hợp tàu cá vi phạm quy định về VMS.

Sông La (nhandan.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang