Nữ kỹ sư “tiếp sức” nghề nuôi biển theo hướng hiện đại

16:46 11-11-2021

VBĐVN.vn - Ở Khánh Hòa có một nữ kỹ sư hơn 20 năm qua “ăn sóng, nói gió” với ngư dân để tìm tòi, nghiên cứu ra nhiều giống cá biển có giá trị kinh tế cao, giúp hàng nghìn hộ dân khá giả. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của bà đã đoạt giải cấp tỉnh, cấp quốc gia. Bà được ví như “bà đỡ” cho ngư dân.

Kỹ sư Phượng cho cá giống ăn. Ảnh: Hải Luận

Làm “ngược bài” thầy dạy

Đó là câu chuyện của kỹ sư (KS) Lê Thị Như Phượng, Giám đốc Công ty TNHH Phượng Hải Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Nhiều người sẽ ngỡ ngàng khi chứng kiến KS Phượng tự lái xe ô tô Mercedes đến các đìa cá, mang ủng, đội nón lá, xách xô rải thức ăn cho cá thành thục như một ngư dân.

“Đây là giống cá tai bồ, Phượng mới cho đẻ thành công, mình bán cá giống cho ngư dân 10.000 đồng/con. Bà con chăm sóc thời gian đạt trọng lượng cá thịt bán ở nhà hàng giá 250.000 đồng/kg, với giá này ngư dân “thừa sức” để làm giàu. Trong nuôi trồng thủy sản, chọn được giống cá có giá trị kinh tế cao, ngư dân, doanh nghiệp đã nắm chắc phần thắng” - KS Phượng vừa cho cá ăn, vừa trao đổi với chúng tôi.

KS Phượng dẫn tôi đi tham quan 2 cơ sở ươm cá giống nằm bên bờ đầm Nha Phu, thị xã Ninh Hòa. Cách làm của chị cũng thật “ngược đời” khi thả cá mới nở bằng que tăm ra đìa ươm để nó tự “sàng lọc” ra những lứa giống cá tốt, chịu đựng mọi biến đổi môi trường nuôi.

Chị cố gắng giải thích đơn giản cho tôi dễ hiểu: “Khi công ty của Phượng ra thuê đất đìa ươm cá giống, mấy giáo sư, tiến sĩ ở trường đại học, viện nghiên cứu cho rằng, Phượng sẽ bị thất bại. Lúc học ở trường, chính các thầy dạy cá ấu trùng, cá nhỏ li ti phải nuôi trong bể để theo dõi và kiểm soát chặt nguồn nước hằng ngày; nuôi ở đìa nước biển mênh mông, sóng gió đập tơi tả, sẽ có nhiều biến cố xảy ra. Nhưng công ty của Phượng đã thành công. Chúng tôi hướng dẫn một vài hộ dân cách ươm cá giống tại đìa, rồi nhân rộng ra cả vùng đìa thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích, cùng làm cá giống, trở thành trung tâm sản xuất cá giống nuôi biển lớn nhất tỉnh, cung cấp từ các tỉnh miền Trung đến Cà Mau, Kiên Giang”.

Để chứng minh điều mình nói đúng với thực tiễn, KS Phượng dẫn tôi đến từng đìa nuôi giới thiệu: “Số giống cá bè này đủ tiêu chuẩn giao cho ngư dân nuôi cách đây 2 tháng, do giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, đi lại khó khăn nên tạm dừng. Ngày mai sẽ xuất vào tỉnh Kiên Giang mấy nghìn con, thời điểm này, ở vùng Biển Tây vào vụ thả cá giống nuôi ở bè. Mấy đìa ở đằng kia đang ươm cá nhỏ chuẩn bị cung cấp cho ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ thả nuôi vào dịp gần Tết và sau Tết nguyên đán”.

“Ươm cá giống ở đìa và ươm trong bể, chỗ nào đạt hiệu quả kinh tế cao?” - tôi thắc mắc. KS Phượng trả lời ngay: “Quy trình từ khi cá mẹ đẻ trứng ở bè ngoài biển, mang vào bể ươm và nuôi đạt kích cỡ xuất bán cho ngư dân, chủ trại nuôi phải chi phí trả lương cho KS quản lý, theo dõi, vận hành... khá cao, ngoài ra còn tiền điện, mua sắm nhiều máy móc. Ươm ở đìa không cần đến KS vận hành, công ty của Phượng chỉ cần tuyển phụ nữ trình độ phổ thông tại địa phương vào làm việc, họ có tính tỉ mỉ chăm sóc ấu trùng cá. Khách hàng thừa biết, ươm cá giống ở đìa chịu đựng được mọi khắc nghiệt của thời tiết, khi nuôi ít hao hụt. Ươm ở đìa lãi cao hơn”.

Kiên trì mới thành công

Ngược dòng thời gian, năm 1998, tốt nghiệp KS chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Thủy sản Nha Trang (nay là Đại học Nha Trang), chị Phượng xin vào làm việc ở Công ty thủy sản Hoằng Ký, huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa). Chủ doanh nghiệp là Vương Bắc Luyện (thường gọi A Liên) người Đài Loan (Trung Quốc) chuyên thu mua cá và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dưới dạng tươi sống. Nguồn cá đánh bắt trong tự nhiên dần suy giảm, cộng thêm một số biến cố trong kinh doanh, ông A Liên muốn chuyển sang sản xuất con giống, nhưng ông chủ học chuyên ngành xây dựng “rẽ” sang kinh doanh cá biển.

Kích cỡ cá mú mẹ đủ tiêu chuẩn cho sinh sản nhân tạo. Ảnh: Hải Luận

Năm 2000, doanh nghiệp nhập 1kg trứng cá mú (song) từ Đài Loan vào Việt Nam ấp nở, chỉ một thời gian ngắn bị chết sạch. “Thời điểm đó thủ tục nhập trứng cá rất khó khăn. Sau khi có được giấy phép nhập khẩu trứng cá về đến Khánh Hòa, còn phải đợi các chuyên viên ngành thủy sản xuống kiểm tra cơ sở nuôi đủ điều kiện, rồi đích thân Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang đóng dấu xác nhận đúng trứng cá biển ghi trong giấy phép thì mới được sử dụng. Vòng vèo qua nhiều công đoạn, trứng cá nhập ươm, nuôi khó thành công” - KS Phượng kể lại.

Ông A Liên tuyển chọn được mấy con cá mú bố mẹ lớn đánh bắt tự nhiên, nuôi thuần ở bè, giao cho KS Phượng thực hiện các kỹ thuật cho cá mú đẻ trứng. 5 con cá mẹ đẻ trứng xong lăn ra chết, ông chủ quá đau xót trùm chăn khóc nức nở. 3 tháng sau cho cá đẻ tiếp, chỉ nuôi sống được vài con trong số hàng chục nghìn trứng. Tiếp tục làm, có chút kinh nghiệm, nâng tỉ lệ sống lên 0,1% - 0,5%.

KS Phượng nhớ lại: “Ông A Liên là người rất tích cực và lạc quan, những lần thất bại, ông luôn động viên “em đừng sợ, hãy làm tiếp đi”, suốt thời gian dài làm vẫn chưa có lợi nhuận gì. Sau nhiều lần mò mẫn, làm thử nghiệm, mới hoàn thiện dần quy trình cho cá biển đẻ rất phức tạp. 5 năm sau, Phượng tiến hành các kỹ thuật để cho đẻ được nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp nuôi trồng”.

Sau khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty thủy sản Hoằng Ký, KS Phượng đã tổ chức nhiều công trình nghiên cứu cho sinh sản thành công các giống cá mú, cá bớp (cá giò), gáy biển, bè vẫu, bè vàng, chim, chẽm...

Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Khánh Hòa (nguyên Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Khánh Hòa) hiểu rất rõ nguồn giống cá biển và thực trạng nguyên cứu, sản xuất con giống cho biết: KS Phượng là người tiên phong nghiên cứu khoa học cho sinh sản nhân tạo nhiều giống cá biển có giá trị kinh tế và đoạt nhiều giải thưởng cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và cấp quốc gia. Đến nay, chưa có phụ nữ nào xông pha như bạn ấy. Nghề nuôi biển, con giống là số 1, ngư dân có được giống cá tốt sẽ đem lại lợi nhuận cao.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang