Khuyến khích nuôi biển quy mô công nghiệp bền vững

10:38 28-05-2021

Với tổng diện tích nuôi biển tăng trưởng bình quân lên tới 23,3% năm, Việt Nam đang từng bước hình thành các khu nuôi biển tập trung ven bờ, đảo gần bờ và thí điểm các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp xa bờ.

Một trong những quyết tâm mở rộng ngành hàng mũi nhọn này là mới đây, Bộ Công Thương và Thủy sản Na Uy cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã ký kết Ý định thư về Tăng cường và phát triển hợp tác trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên biển. Na Uy sẽ chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về thế mạnh nổi bật trong ngành nuôi biển cá hồi quy mô công nghiệp. Hai bên cũng tăng cường hợp tác nghiên cứu, tăng cường năng lực, thúc đẩy thương mại, hợp tác đầu tư của khu vực tư nhân về nuôi biển.

Chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến với chủ đề phát triển ngành nuôi biển quy mô công nghiệp của Việt Nam được tổ chức sau lễ ký kết, TS. Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho biết, giai đoạn 2010 - 2020 đã cho thấy bước phát triển nhanh của nghề nuôi biển. Qua 10 năm, tổng diện tích nuôi biển tăng từ 38.800ha lên hơn 256.000ha, với tốc độ tăng trưởng bình quân 23,3%/năm. Sản lượng cũng tăng gần gấp 4 lần, đạt 610.000 tấn vào năm 2020.

Tăng cường và phát triển hợp tác trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên biển. Ảnh: MH

Hiện, đã có 12 vùng nuôi nhuyễn thể an toàn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hàng năm xuất khẩu đạt kim ngạch khoảng 100 triệu USD, trong đó vào thị trường chính là EU (chiếm 64,2%), còn lại là các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN… Bên cạnh khía cạnh kinh tế, phát huy tiềm năng, lợi thế quốc gia ven biển, nuôi biển còn mang ý nghĩa quan trọng đối với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của Việt Nam.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, ngành nuôi biển của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Vấn đề lớn nhất là hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho nuôi biển, nhất là nuôi biển công nghiệp còn hạn chế, chưa được đầu tư. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách phát triển nuôi biển chưa đủ mạnh để kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, nhất là các doanh nghiệp lớn có năng lực đầu tư đồng bộ. Khoa học công nghệ trong sản xuất giống còn hạn chế; nhỏ lẻ, manh mún trong khi công nghệ nuôi, hệ thống lồng bè, công nghệ phụ trợ cho nuôi biển phù hợp với thời tiết Việt Nam chưa phát triển, nhất là phục vụ nuôi ở các vùng biển xa...

Để mở đường cho nuôi biển quy mô công nghiệp, Chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 3-2021 đã đề ra một số mục tiêu, trong đó có giảm bớt cường lực khai thác nguồn lực tự nhiên trên biển và tăng cường nuôi biển ở những khu vực phù hợp.

Công nghiệp nuôi biển ở Việt Nam đặt ra mục tiêu trở thành bộ phận chính của kinh tế biển, phấn đấu đưa Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển trong khối ASEAN và châu Á. Cụ thể, sản lượng nuôi biển dự kiến đạt 3 triệu tấn/năm; giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỷ USD vào năm 2045, đứng top 5 thế giới.

"Những bài học thực tế như áp dụng công nghệ cao, đầu tư nuôi biển của doanh nghiệp Na Uy sẽ rất hữu ích cho việc phát triển bền vững nuôi biển quy mô công nghiệp của Việt Nam" - ông Trần Đình Luân khẳng định.

Theo ông Arne-Kjetil Lian, Tham tán Thương mại Na Uy, Giám đốc Innovation Norway, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển bền vững ngành nuôi biển quy mô công nghiệp, nhưng điều này đòi hỏi tư duy công nghệ và các giải pháp xanh và yếu tố rất quan trọng là nguồn nhân lực có trình độ, kỹ thuật. Họ cần tư duy chuyên nghiệp hóa các khâu nuôi trồng, làm chủ công nghệ 4.0 và máy móc đặc thù của ngành. Chính bởi vậy, phía Na Uy đã cùng với VCCI triển khai một chương trình đào tạo nguồn nhân lực đầu tiên cho ngành nuôi biển công nghiệp từ cách đây 2 năm, nhằm tạo lực lượng tiên phong cho ngành.

Nhằm thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh, theo Tổng cục Thủy sản, tới đây, Nhà nước sẽ thiết kế hàng loạt chính sách. Cụ thể như chính sách miễn, giảm thuế đất, mặt nước, miễn giảm các loại thuế phí cho các thành phần kinh tế đầu tư vào nuôi biển công nghiệp tại Việt Nam. Để tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để nhập công nghệ, vật tư, thiết bị phục vụ nuôi biển, Nhà nước sẽ giao quyền sử dụng đất đai, mặt nước lâu dài để doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi biển ổn định và cho phép chuyển đổi diện tích hoạt động các ngành kinh tế khác sang phát triển nuôi biển.

Với ven bờ, đảo gần bờ, sẽ từng bước hình thành và phát triển các khu nuôi biển tập trung với cơ cấu và tổ chức sản xuất hợp lý; gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp sức tải môi trường; xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị cho từng nhóm sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc.

Với nuôi biển xa bờ, xây dựng và áp dụng thí điểm các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp. Hình thành và phát triển các cộng đồng doanh nghiệp lớn tham gia nuôi biển tại các tỉnh trọng điểm như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương có lợi thế.

Nguồn:baotainguyenmoitruong.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang