Nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE thích ứng với biến đổi khí hậu
VBĐVN.vn - Ứng dụng công nghệ lồng nuôi HDPE (kiểu Na Uy) nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nông dân Khánh Hòa có thể nuôi cá tại các vùng biển xa bờ, chịu được sóng gió lớn cấp 12, giảm thiệt hại thấp nhất khi xảy ra bão lũ.
Lồng tròn bằng nhựa HDPE đặc chủng, bao gồm khung lồng, túi lưới và dụng cụ neo. Lồng tròn đặc điểm tách riêng biệt với lồng khác, không kết lại thành bè với hàng chục ô như lồng gỗ truyền thống. Điều này giúp cho lồng nuôi thông thoáng, nhờ đó tỷ lệ cá sống cao hơn, ít bệnh, phát triển khỏe mạnh.
Anh Trần Ngọc Sĩ, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, cho biết, ngoài bè gỗ nuôi truyền thống, năm 2021 anh đã áp dụng nuôi cá ở lồng tròn HDPE với khoảng 1.000 con cá giò (cá bớp). Lồng nuôi này được anh thực hiện theo Dự án "Xây dựng mô hình nuôi cá giò giai đoạn 2020-2022", do Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa hỗ trợ.
Anh Sĩ cho biết, khác với lồng bè truyền thống có kích thước bề mặt 4x4m và cao từ 5-10m; còn lồng HDPE tròn, đường kính 10m, thể tích lồng 500m3 do Việt Nam sản xuất, giá khoảng 180 triệu đồng, giá thấp hơn một nửa so với lồng Na Uy nhập khẩu và có thể thả khoảng 1.000 con giống/ lồng.
Sau 7 tháng thả nuôi, tỷ lệ cá sống đạt từ 80-90%, cao hơn so với lồng truyền thống và đạt trọng lượng khoảng 5kg/con. Tuy nhiên, hiện tại do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá cá thấp nên anh Sĩ vẫn đang tiếp tục nuôi để chờ giá tăng cao trong dịp cuối năm. Hơn nữa, việc nuôi cá biển trong lồng tròn HPDE quy trình chăm sóc không khác với lồng truyền thống, chỉ cần 2 người là có thể vận hành tùy ý.
"Từ lúc nuôi lồng HDPE, tôi đỡ sợ hơn khi nghe tin có bão về; mặt khác với hiệu quả trước mắt như thế này, tôi sẽ tiếp tục vay mượn tiền để đầu tư thêm để nuôi tôm hùm, có giá trị kinh tế cao hơn". Anh Sĩ cho hay.
Còn ông Nguyễn Xuân Hòa, với 21 năm nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong cho biết, năm 2017, gia đình ông mất trắng 250 lồng nuôi, thiệt hại gần 20 tỷ đồng. Trong khi đó, lồng nhựa HDPE của doanh nghiệp nước ngoài trên vịnh vẫn chống chọi qua cơn bão này. Vì vậy, mô hình lồng nhựa HDPE được đưa về triển khai tại địa phương, ông Nguyễn Xuân Hòa đã đầu tư nuôi thử nghiệm 1 lồng. "Từ năm 2020 nuôi theo mô hình mới này, cá ít dịch bệnh, năng suất cao hơn, đặc biệt là an toàn khi mùa mưa bão về. Do đó, tôi hy vọng bà con nuôi trồng của mình nếu có điều kiện thì nên chuyển đổi mô hình này để nuôi trồng thủy sản, giá cả đầu tư ban đầu hơi đắt nhưng sử dụng được lâu dài", ông Hòa chia sẻ.
Ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh hòa cho biết, cơn bão 12 năm 2017 đổ bộ vào Khánh Hòa gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản; trong đó, có nuôi cá, tôm hùm trên biển thuộc vịnh Vân Phong. Vì vậy, Trung tâm đã nghiên cứu và đặt vấn đề với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và được hỗ trợ thực hiện Dự án "Xây dựng mô hình nuôi cá giò giai đoạn 2020-2022", với 6 lồng nuôi với kinh phí 4,75 tỷ đồng; trong đó, kinh phí khuyến nông hỗ trợ 3 tỷ đồng.
Quá trình thực hiện dự án, trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật xây dựng mô hình, nhân rộng mô hình. Sau gần 2 năm triển triển khai dự án, do thấy hiệu quả mô hình mang lại nên bà con nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong đã học tập và làm theo, nhân rộng lên đến trên 100 lồng HDPE. Cùng với đó, hiện một số công ty ở các địa phương khác cũng về đây đầu tư, chuyển hệ thống nuôi bằng lồng gỗ sang lồng HDPE.
Từ năm 2020 đến nay, dự án đã hỗ trợ nông dân 3 lồng tròn HDPE, tính đến năm 2021 người dân tham gia dự án đối ứng vốn khoảng 1,3 tỷ đồng. Người dân tham gia dự án thu lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, trong năm 2020 một lồng nuôi HPDE với 900 con cá giò của nông dân thu hoạch được 4,2 tấn, giá bán bình quân từ 125 -140 nghìn đồng/kg, lợi nhuận thu được khoảng 88 triệu đồng.
"Quan trọng nhất về hiệu quả môi trường, mô hình này góp phần từng bước chuyển đổi phương thức nuôi trồng bằng bè gỗ truyền thống sang vật liệu nhựa sẽ thay thế vật liệu gỗ, việc việc khai thác rừng lấy gỗ để làm lồng gỗ truyền thống sẽ được giảm dần, góp phần bảo vệ môi trường", ông Khánh nói.
Cũng theo ông Khánh, đây là định hướng của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cũng như định hướng của tỉnh Khánh Hòa trong việc chuyển hình thức nuôi từ lồng gỗ sang lồng HDPE trong thời gian tới. Theo đó, đến năm 2030, toàn bộ lồng nuôi bằng gỗ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ được chuyển sang lồng HDPE. Để thực hiện được, ngành nông nghiệp Khánh Hòa cần xây dựng chính sách hỗ trợ thay đổi lồng nuôi nhằm tạo cảnh quan môi trường, kết hợp với du lịch và tiến tới nuôi biển xa bờ.
Ông Nguyễn Ngọc Ý, Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, toàn huyện có khoảng 1.200 hộ, gần 40.000 lồng nuôi tôm hùm, nuôi cá biển. Việc chuyển đổi từ lồng gỗ sang lồng nhựa là xu hướng phù hợp với tình hình, nhất là đang biến đổi khí hậu như hiện nay. Tuy nhiên, để người dân thay đổi thói quen, Nhà nước cũng cần có thêm nhiều mô hình nuôi cũng như chính sách hỗ trợ.
"Lồng HDPE giá thành vẫn còn khá đắt. Mỗi lồng đường kính 10m là 180 triệu đồng, bà con cũng ngại đầu tư. Do đó, để người dân chủ động nuôi trồng bằng lồng nhựa HDPE cần có một chính sách hỗ trợ vốn vay hay lãi suất. Điều này cũng phù hợp với điều kiện hiện tại, ứng phó với biến đổi khí hậu", ông Nguyễn Ngọc Ý cho biết.
Trong chuyến kiểm tra thực tế nuôi cá giò trong lồng tròn HPDE kiểu Na Uy tại xã Vịnh Vân Phong, Khánh Hòa ngày 16/11, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, mô hình nuôi trên lồng nhựa HDPE có hiệu quả thực tế, người dân vào cuộc nuôi theo mô hình này khá là bền vững và cần được nhân rộng ở các địa phương nuôi biển. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức các diễn đàn để giúp nhiều bà con có thể tiếp cận kỹ thuật nuôi này, kiến nghị với các cấp để có chủ trương chính sách giúp đỡ cho người nuôi Khánh Hòa.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa tăng cường các lớp đào tạo, huấn luyện, đưa bà con ngư dân những nơi chưa tiếp cận kỹ thuật này đến tham quan trực tiếp. Từ đó, những ngư dân nơi đây sẽ chuyển giao công nghệ tại chỗ cho những ngư dân khác.
Được biết, hiện nay Việt Nam có tiềm năng nuôi biển khoảng 500.000 ha. Năm 2010, sản lượng nuôi biển chỉ đạt hơn 156.000 tấn, đến năm 2019 đạt gần 598.000 tấn, với tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm. Ngành nuôi trồng thủy sản trên biển được đánh giá là ngành tiềm năng phát triển kinh tế cao trong tương lai.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận