Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng trong tình hình mới
VBĐVN.vn - Biển Đông - “nút giao” cực kỳ quan trọng trong cạnh tranh địa chính trị toàn cầu đang chứng kiến những thay đổi cơ bản từ việc mất an ninh môi trường biển đến những căng thẳng về chủ quyền biển, đảo phức tạp và khó lường. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) kinh tế biển (KTB), nếu các giải pháp ứng phó của các quốc gia trong khu vực không đạt hiệu quả như mong đợi.
Hiện nay, môi trường biển nước ta tiếp tục bị đầu độc bởi các nguồn thải đổ vào biển chưa qua xử lý, trong đó có rác thải nhựa khó phân hủy và các chất thải công nghiệp độc tính cao, có khả năng phát tán rộng. Diện tích các hệ sinh thái như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn... là nguồn vốn tự nhiên biển quan trọng cho phát triển KTB xanh, bao gồm kinh tế dựa vào bảo tồn biển như nuôi biển thân thiện môi trường, nghề cá giải trí và du lịch sinh thái... đã bị suy giảm đến hơn 50%.
Bên cạnh đó, bài học từ sự cố môi trường biển “Formosa” năm 2016 vẫn còn nguyên giá trị đối với các nhà đầu tư và cơ quan quản lý, và hậu quả tuy đã được khắc phục đáng kể nhưng vẫn diễn ra ở mức độ khác nhau. Trữ lượng nguồn lợi cá biển ở vùng biển nước ta (trừ vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam) có xu hướng suy giảm đến gần 16% so với trước năm 2010. Khai thác quá mức và hủy diệt nguồn lợi hải sản, đánh cá bất hợp pháp (IUU) vẫn chưa được các quốc gia trong khu vực ngăn chặn thành công...
Có thể nói, chất lượng môi trường biển tiếp tục xấu đi, chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, axit hóa đại dương... và cả của những tham vọng chủ quyền biển đảo thiếu thân thiện của con người, gây bất ổn cho an ninh biển, ảnh hưởng đến hòa bình ở Biển Đông và an ninh quốc gia; tác động xấu đến PTBV KTB, đến sinh kế và cuộc sống của người lao động trên biển, trước nhất là ngư dân. Những thay đổi lớn trong Biển Đông như vậy cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, tài nguyên và tình hình an ninh, trật tự trên các vùng biển nước ta.
Sau hơn 12 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và 9 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, KTB (bao gồm vùng ven biển và đảo) nước ta đã có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc dân và công cuộc đổi mới đất nước, tạo nền tảng vững chắc cho tiến trình bảo đảm an ninh, quốc phòng và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, để khắc phục và giải quyết các khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới nói trên, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chiến lược PTBV KTB Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Chiến lược biển 2030).
Theo đó, Ban chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định mục tiêu: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, PTBV, thịnh vượng, an ninh và an toàn; PTBV KTB gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. PTBV KTB Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam”.
PTBV KTB trong tình hình mới phải dựa trên nền tảng “kinh tế biển xanh” mà “chất xúc tác” quan trọng nhất là bảo toàn được nguồn vốn tự nhiên biển, nhất là các hệ sinh thái biển dễ bị tổn thương và bảo vệ tốt môi trường biển. PTBV KTB phải dựa trên cơ sở bảo đảm cân bằng giữa ba mảng phúc lợi: Kinh tế-xã hội-môi trường và bảo đảm công bằng giữa các thế hệ hôm nay và mai sau, như các cụ ta căn dặn: “Làm sao có của ăn, của để”. Đó cũng là trách nhiệm chính trị của Đảng và toàn hệ thống chính trị đối với quá trình phát triển đất nước trên con đường đi lên CNXH. Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Con đường đi lên CNXH ở Việt Nam gắn liền với con đường PTBV đất nước về cả kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và môi trường”.
Trong thực tiễn phát triển, cách tiếp cận phi môi trường, thúc đẩy phát triển bằng mọi giá, không xem môi trường và tài nguyên là một yếu tố bắt buộc phải xem xét, cân nhắc khi lựa chọn phương thức/ dự án phát triển và tiêu dùng đã để lại những hậu quả tai hại cả trước mắt và lâu dài. Điều này liên quan đến tư duy và nhận thức có phần “duy thực” của không ít nền kinh tế đi trước, tiên tiến và theo Tổng Bí thư, đó là: “Hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội”.
Từ lăng kính lý luận, bối cảnh mới ở Biển Đông và thực tiễn phát triển KTB-ven biển nước ta, cần phải định vị lại tọa độ của KTB Việt Nam trong tầm nhìn PTBV gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng. Trong đó, cần xem vấn đề tài nguyên, môi trường và chủ quyền biển, đảo là “ba mặt của một vấn đề” trong quá trình PTBV KTB. Bảo vệ chủ quyền, bảo đảm tốt an ninh, quốc phòng chính là bảo vệ tài nguyên và môi trường, ngược lại, bảo vệ tốt tài nguyên và môi trường làm cơ sở cho PTBV KTB - nền tảng của bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển một cách vững chắc. Nói cách khác, duy trì tính bền vững của KTB, bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển chính là cách “tiếp cận hòa bình” để thực hiện “chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên Biển Đông.
Với thế mạnh của một quốc gia biển, PTBV KTB cần phải lồng ghép các mục tiêu phát triển đất nước ghi trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII ở các mốc chính: Đến năm 2025, 2030 và 2045. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Chúng ta cần sự PTBV, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường”. Như vậy, đẩy mạnh an ninh, quốc phòng không chỉ đảm bảo vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tài nguyên biển và PTBV KTB đất nước.
Và để thực hiện mục tiêu “kép” như vậy, trước hết cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa “môi trường và phát triển”, không chủ quan và đánh đổi môi trường bằng mọi giá. Cần chú ý đánh giá đúng cả mặt lợi và hại của các tác động môi trường của phương án phát triển nào đó, và nhận diện các giải pháp công nghệ can thiệp một cách khả thi tương ứng. Trên cơ sở đó quyết định mức độ đánh đổi có thể chấp nhận được cho cả trước mắt và lâu dài, không để con cháu chúng ta phải trả “món nợ sinh thái” cha ông chúng gây ra từ hôm nay.
Thứ hai, phải tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển, như: Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và tăng cường sự hỗ trợ của Hải quân.
Thứ ba, kết hợp phát triển KTB với bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia; góp phần tăng cường khả năng phòng thủ và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ngược lại, tăng cường tiềm lực quân sự không chỉ tăng khả năng phòng thủ, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia mà còn thúc đẩy KTB phát triển.
Thứ tư, tăng cường khả năng bám biển của ngư dân trên cơ sở tổ chức lại nghề cá, hiện đại hóa và công nghiệp hóa nghề cá, nhất là đánh cá xa bờ, từng bước chuyển từ “nông dân đánh cá” sang “công nhân đánh cá”. Ngư dân ra biển với tâm thế mới, có tổ chức chặt chẽ, liên thông liên lạc, không phải chỉ mưu sinh mà còn là lực lượng không thể thiếu trong bảo đảm an ninh, chủ quyền vùng biển quốc gia.
Cuối cùng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích PTBV KTB; kiểm soát tốt nguồn thải; áp dụng kinh tế tuần hoàn trong giảm thiểu chất thải, bao gồm rác thải nhựa đại dương. Ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ giải quyết “nút thắt” cho phát triển năng lượng biển tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi, cũng như phát triển hệ thống “đô thị biển” theo đúng nghĩa của nó để khẳng định vị thế biển của Việt Nam.
Văn Đoàn (theo bienphong.com.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận