Phát triển "cảng biển xanh" là xu hướng trong tương lai
VBĐVN.vn - Dự kiến đến sau năm 2030, tiêu chí “cảng xanh” trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam được áp dụng bắt buộc.
Trên cơ sở phê duyệt của Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 710/QĐ-CHHVN về kế hoạch thực hiện đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam.
Mục tiêu nhằm phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam theo hướng bền vững, trong đó, bảo vệ môi trường được xem xét như một bộ phận cấu thành không tách rời của quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác cảng biển. Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam trên cơ sở ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, rủi ro môi trường.
Theo lộ trình trong Đề án, từ năm 2021-2022, cơ quan chức năng sẽ tập trung xây dựng và ban hành tiêu chuẩn cơ sở và tiêu chí “cảng xanh”. Từ năm 2023, mô hình “cảng xanh” tại một số cảng biển Việt Nam sẽ bắt đầu được thí điểm và đánh giá kết quả thực hiện.
Giai đoạn 2023-2025, công tác nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng cảng biển, điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển cho phù hợp với các tiêu chí về “cảng xanh” tại Việt Nam cũng sẽ được triển khai.
Trong giai đoạn 2021-2025 sẽ nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp để thực hiện tiến trình phát triển “cảng xanh”; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong hoạt động khai thác cảng biển.
Đến giai đoạn 2025-2030, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu chí “cảng xanh” sẽ được xây dựng và ban hành. Công tác triển khai áp dụng tự nguyện tiêu chí “cảng xanh” ở Việt Nam, tiến tới đề xuất xây dựng, ban hành quy định áp dụng bắt buộc tiêu chí “cảng xanh” cho hệ thống cảng biển Việt Nam cũng sẽ được thực hiện ở giai đoạn này.
Dự kiến đến sau năm 2030, tiêu chí “cảng xanh” trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam được áp dụng bắt buộc.
Được biết, Tân Cảng Cát Lái là cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC. Để đạt được tiêu chí, Cảng đã thay thế thiết bị nâng hạ bằng dầu diesel bằng các thiết bị chạy điện, tiết kiệm 1,5-2 triệu USD phí nhiên liệu/năm; tăng cường vận tải thủy với sức chở cùng lúc được 3.000 Teus, thay thế được khoảng 2.000 xe ô tô chở container; áp dụng chứng từ điện tử giúp thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút còn 6 phút, triệt tiêu văn bản giấy tại cảng khoảng 30.000 - 50.000 tờ/ngày…
Hiểm họa ô nhiễm từ các cảng biển
Theo bà Trần Thị Tú Anh - Phó Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường, Cục Hàng hải Việt Nam, các nguồn gây ô nhiễm trong hoạt động khai thác cảng biển bao gồm: xây dựng cảng biển, bến cảng, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải; các hoạt động trong quá trình kinh doanh, khai thác cảng biển; hoạt động của tàu biển, thiết bị hỗ trợ hoạt động của tàu biển...; hoạt động nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, các khu neo đậu chuyển tải, tránh trú bão, nạo vét thủy diện cầu cảng. Các hoạt động này tác động đến chất lượng không khí, môi trường nước, gây xói lở, bồi tụ và gia tăng các chất thải.
Trong giai đoạn vận hành cảng, khí thải phát sinh từ tàu, sà lan vận chuyển hàng hóa và hoạt động của các máy móc bốc dỡ hàng hóa. Trong đó, máy chính và các máy phát điện trên tàu thường là các động cơ đốt trong chạy bằng nhiên liệu diesel. Khí thải từ các máy này đem theo các khí độc hại như CO2, CO, NO2, CmHn, RCHO và muội than vào môi trường không khí. Theo đó, lượng khí xả có trong các động cơ tàu thủy là nguồn ô nhiễm không khí đáng kể nhất từ vận tải biển.
Đối với quá trình bốc dỡ và vận chuyển các loại hàng hóa, nguyên liệu, nhiên liệu (than đá, xăng, dầu, hóa chất, phân hóa học) từ tàu lên các kho, bãi chứa và từ các bãi chứa xuống tàu sẽ làm phát sinh một lượng lớn bụi và hơi hóa chất, hơi xăng dầu nếu không có biện pháp kiểm soát. Trong các ngày có gió mạnh, bụi từ bãi chứa nguyên liệu, nhiên liệu sẽ gây ra ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động cảng và khu vực xung quanh.
Ngoài ra, tại các cảng biển, hiện tượng ô nhiễm dầu mỡ do các phương tiện để rò rỉ nước la canh, nước dằn tàu, nước buồng máy… Việc cung cấp dầu mỡ, nhiên liệu cho tàu, việc sửa chữa nhỏ và vứt bừa bãi các loại chất thải dính dầu mỡ cũng là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm vùng nước cảng biển.
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, ước tính, những dịch vụ liên quan đến vận tải hành khách và hàng hóa tại cảng biển đang vận chuyển khoảng 20% lượng chất thải trên toàn cầu đổ ra biển. Cảng càng bận rộn, nguy cơ ô nhiễm ở các cảng đó càng cao, tạo ra tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo công bố của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) về phát thải khí nhà kính lần thứ 4 vào tháng 8-2020, lượng phát thải khí nhà kính của ngành vận tải biển (quốc tế, nội địa và đánh bắt cá) đã tăng gần 9,6% trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2018 (từ 977 triệu tấn lên 1.076 triệu tấn). Chỉ tính riêng phát thải khí CO2 đã tăng từ 962 triệu tấn lên 1.056 triệu.
Theo dự báo, đến năm 2050, lượng phát thải khí thải nhà kính của hoạt động vận tải biển sẽ tăng lên tới 50% so với năm 2018, bất chấp các biện pháp hiệu quả năng lượng được áp dụng do nhu cầu vận tải dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Trong đó, châu Á và châu Phi dự báo sẽ có mức tăng phát thải mạnh nhất do lưu lượng cảng tăng trưởng mạnh và các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm rất hạn chế.
Thu Thảo (theo kinhtemoitruong.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận