Phát triển nghề nuôi hàu bền vững ở Vân Đồn

10:15 19-08-2022

VBĐVN.vn - Cùng với du lịch, nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi hàu đang mang lại thu nhập chính cho người dân huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Định hướng của địa phương này là phát triển nghề nuôi hàu bền vững song hành với bảo vệ môi trường.

Với diện tích mặt nước lớn, độ PH thích hợp, dòng nước sạch, nhiều sinh vật phù du, vùng biển, đảo Vân Đồn có tiềm năng lớn phát triển nghề nuôi hàu bền vững. Ảnh: Bích Nguyên

Bỏ nghề khai thác sang nuôi hàu

Anh Kiều Văn Tùng, xã Bản Sen, huyện Vân Đồn cho biết, nuôi hàu bỏ chi phí không lớn, kỹ thuật nuôi đơn giản, chủ yếu bỏ công lao động chăm sóc, đầu ra ổn định, mang lại lợi ích kinh tế cao. Mấy năm gần đây, ngày càng có nhiều người dân đầu tư mở rộng diện tích nuôi hàu.

Huyện Vân Đồn có diện tích mặt nước biển rất lớn, môi trường phù hợp cho hàu phát triển. Xét ở yếu tố kinh tế, nguồn thu nhập mang lại, nhiều hộ dân ở Vân Đồn đã chuyển đổi từ nghề khai thác thủy sản sang nuôi hàu.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Bùi Thị Thường, thôn Tân Phong, xã đảo Quan Lạn, là một trong những hộ nuôi nhiều hàu ở xã và có thu nhập ổn định từ nghề này cho biết: “Nuôi hàu không cần cho ăn, thức ăn của hàu chủ yếu là các loại sinh vật phù du như tảo, người nuôi chỉ cần kiểm tra và vệ sinh để hạn chế bị các sinh vật, đất bùn bám vào làm hàu chết hoặc chậm phát triển. Chúng tôi chỉ cần đầu tư hệ thống giàn nuôi trong năm đầu tiên, những năm sau chỉ phải bỏ tiền mua con giống. Sau khi thả 7-8 tháng thì được thu hoạch”.

Chị Thường nuôi hàu từ cách đây 4 năm. Năm đầu tiên, chị thả 3-4 vạn giống. Từ lợi nhuận thu được của mỗi vụ, chị Thường mở rộng diện tích nuôi hàu qua mỗi năm. Hiện giờ, gia đình chị nuôi 60 dây hàu, mỗi dây 1 vạn con giống.

Theo chị Thường, nuôi hàu được, mất phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên và giá cả thị trường nên cũng có năm được, năm mất, thế nhưng, thu nhập của nghề này dù sao vẫn ổn định hơn nuôi trồng các con khác. Hiện đang vào vụ thu hoạch hàu, chị Thường thuê 12 nhân công làm việc.

“Mỗi ngày, tôi thu hoạch được 6-7 tấn hàu. Giá cả tùy thuộc vào độ béo của hàu. Hiện, giá hàu đang phục hồi, tôi bán được 7.000 đồng/kg ngay tại bè”. Tuy giá bán năm nay thấp hơn so với mức giá năm 2021, khoảng 8.000-9.000 đồng/kg, nhưng chị Thường vẫn hài lòng. “Mỗi ngày, tôi xuất bán được khoảng 40-50 triệu đồng. Sau khi trừ tiền công, chi phí giống, tôi thu được khoảng hơn chục triệu đồng” - chị Thường cho biết.

Chúng tôi tới nhà anh Phạm Văn Quân, khi anh chuẩn bị ra giàn hàu. Anh Quân là hộ nuôi nhiều hàu nhất, nhì xã Quan Lạn với số lượng gần 100 vạn con giống. Trước đây, anh Quân làm nghề khai thác thủy sản. Sau khi nhận thấy nghề nuôi hàu có tiềm năng hơn, anh bỏ nghề khai thác, chuyển sang nuôi loại con dễ tính này. Quá trình khởi nghiệp với con hàu, anh Quân cũng gặp không ít khó khăn. Năm 2013, anh đầu tư nuôi hàu bè, nhưng con hàu phát triển chậm, phải dừng lại mấy năm. Đến năm 2020, anh mới nuôi hàu trở lại.

Chuyển đổi từ hình thức nuôi hàu bè sang nuôi hàu dây, anh Quân liên tiếp thành công. Năm 2021, anh thu được gần 100 tấn hàu. Năm 2022, con số này là khoảng 200 tấn. Anh Quân cho hay: “Thời điểm tôi thu hoạch, giá hàu vẫn còn thấp, chỉ 5.000-5.500 đồng/kg. Mấy năm trước, giá hàu cao, có năm lên tới 10.000 đồng, thậm chí 20.000 đồng/kg. Người nuôi hàu thắng lớn”.

Anh Quân phấn khởi cho biết thêm: “Năm nay, bãi nuôi mới cho sản lượng rất cao, 10 tấn hàu/dây. Được như vậy là do tôi mua được con giống tốt, thả giống vào tháng không có thiên tai”. Anh tính toán: “10 tấn hàu bán với giá 5.000 đồng/kg sẽ thu được khoảng 50 triệu đồng, sau khi trừ tiền thuê nhân công, thuê tàu chở vào xưởng thu mua, vốn đầu tư con giống, chỉ còn lãi khoảng 13 triệu đồng”.

Bằng kinh nghiệm của mình, anh Quân chia sẻ: “Với con hàu này, nếu tính toán không chuẩn sẽ hỏng ăn ngay. Ví như, mình thả không đúng thời gian, hoặc gặp thiên tai thì sẽ bị ảnh hưởng tới năng suất. Thường thường, 6 tháng có thể thu hoạch hàu, nhưng nếu mặt nước không tốt, phải 1 năm mới thu hoạch được, thậm chí hàu chết nhiều”.

Phát triển vùng nuôi bền vững

Nhu cầu tiêu thụ của thị trường cao nên diện tích nuôi hàu sữa ở Vân Đồn không ngừng được mở rộng. Đến nay, toàn huyện có khoảng 3.800ha mặt nước được sử dụng để nuôi loài nhuyễn thể này. Sản lượng hàu thương phẩm của Vân Đồn có thể đáp ứng nguyên liệu cho ngành chế biến hàu quy mô công nghiệp. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, nghề nuôi hàu tạo ra nhiều công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực và sự phát triển kinh tế-xã hội của các xã ven biển.

Tàu chở hàu từ xã đảo Quan Lạn vào bán cho cơ sở chế biến tại cảng Vân Đồn. Ảnh: Bích Nguyên

Hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi hàu bền vững, hài hòa lợi ích giữa phát triển nuôi trồng thủy sản với bảo vệ môi trường biển, huyện Vân Đồn đang tích cực thực hiện chuyển đổi toàn bộ phao xốp hiện có trong nuôi trồng thủy sản sang phao nổi nhựa HDPE - loại vật liệu thân thiện với môi trường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, về cơ bản, người nuôi hàu chấp hành chủ trương trên và đang chuyển đổi dần sang phao nhựa. Tuy nhiên, người dân vẫn còn một số băn khoăn xuất phát từ thực tế sử dụng phao nhựa.

Anh Phạm Văn Quân cho biết: “Thực hiện chủ trương của chính quyền địa phương là chuyển đổi sang dùng phao nhựa nuôi hàu để đảm bảo vệ sinh môi trường biển, gia đình tôi đã mua 2.000 phao nhựa để chuyển đổi dần số phao xốp, thùng phuy đang dùng, tuy nhiên, cũng rất băn khoăn vì độ chịu tải của phao nhựa không bằng phao xốp, tỉ lệ con hà bám quá nhiều, trong khi phao xốp không thấy có hà bám. Tôi theo dõi thì thấy trong 1 năm có quả phao bị ngấm khoảng nửa lít nước biển”.

Cũng chung ý kiến với anh Quân, chị Thường cho biết: “Việc nuôi hàu trên phao nhựa không đảm bảo độ nổi bằng phao xốp. Trong khi đó, phao xốp dễ sử dụng hơn, không bị hà bám. Hơn thế, giá thành đầu tư phao nhựa quá cao, 85.000 đồng/quả phao so với 37.000 đồng/phao xốp”.

Thiết nghĩ, để phát huy tiềm năng, phát triển bền vững chuỗi giá trị hàu, huyện Vân Đồn cần có các giải pháp khép kín chuỗi liên kết trong sản xuất hàu, đầu tư cơ sở hạ tầng trong ươm dưỡng, phát triển con giống. Bên cạnh đó, kiểm soát tốt quy hoạch vùng nuôi hàu, kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường tại vùng nuôi. Phát triển thêm nhiều sản phẩm từ hàu để gia tăng giá trị của con hàu. Cùng với đó, cần đẩy mạnh cấp mã số vùng nuôi, để đáp ứng về quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan và các thị trường khác.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang