Phối hợp chặt chẽ để sớm gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu
VBĐVN.vn - Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã triển khai nhiều giải pháp để gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam liên quan đến việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) thông qua các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân; tăng cường hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát người, tàu cá; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Luật Thủy sản năm 2017... Tuy nhiên, BĐBP vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh BĐBP.
Phóng viên: Thời gian qua, BĐBP cùng các lực lượng chức năng đã thực hiện nhiều đợt tuần tra kiểm tra, kiểm soát trên biển. Đề nghị Thiếu tướng cho biết, thực trạng về hoạt động khai thác hải sản của tàu cá nước ta hiện nay?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện: Qua các chuyến kiểm tra thực tế cho thấy, cơ bản ngư dân ta chấp hành tốt các quy định của pháp luật, khai thác hải sản kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, làm giàu cho Tổ quốc. Tuy nhiên, còn một bộ phận ngư dân khai thác hải sản không theo quy định và mang tính tận diệt như: Sai vùng, ngành nghề khai thác, sử dụng thuốc nổ, xung điện, ngư lưới cụ trái phép... Đặc biệt, vì lợi ích kinh tế, một số chủ tàu, thuyền trưởng cố tình đưa tàu cá sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Phóng viên: Hiện nay, tại các địa phương, đặc biệt là tại các cảng cá, tàu thuyền ra vào cảng được lực lượng BĐBP kiểm soát như thế nào, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện: Công tác quản lý, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến là một trong những biện pháp cơ bản, quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả công tác chống khai thác IUU. Thời gian qua, BĐBP đã tổ chức kiểm tra, kiểm soát và phối hợp chặt chẽ với lực lượng liên ngành tại các cảng cá, bến cá tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ 100% tàu cá, ngư dân xuất, nhập cảng, bến, cửa sông, cửa lạch... theo đúng quy định của pháp luật.
Các trạm kiểm soát Biên phòng tuyến biển kiên quyết không cho tàu cá xuất bến nếu không đảm bảo các yêu cầu về hoạt động khai thác hải sản hoặc không có đầy đủ giấy tờ, trang thiết bị an toàn kỹ thuật theo quy định. Ví dụ: Đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; tất cả các loại tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên phải được lập hồ sơ, danh sách quản lý, theo dõi; đặc biệt là nhóm tàu cá “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài.
Cùng với đó, các đơn vị BĐBP bảo đảm ưu tiên bố trí, sắp xếp cán bộ đúng chuyên ngành cho các trạm Biên phòng cửa khẩu cảng, trạm kiểm soát Biên phòng, Văn phòng kiểm soát tàu cá tại các cảng cá để thực hiện tốt công tác xuất, nhập bến đối với tàu cá; thống nhất quy trình công tác tuần tra trên biển, hệ thống sổ đăng ký xuất, nhập bến đối với các trạm kiểm soát Biên phòng theo Quyết định số 4968/QyĐ-BĐBP ngày 22-12-2021 và Quy định số 3256/QyĐ-BĐBP ngày 8-8-2022 của Bộ Tư lệnh BĐBP.
Phóng viên: Thiếu tướng đánh giá như thế nào về việc triển khai kế hoạch hành động 180 ngày tháo gỡ “thẻ vàng” mà các địa phương đang tập trung thực hiện?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện: Nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương vào cuộc quyết liệt và đã ban hành khung pháp lý tương đối hoàn thiện về phòng, chống khai thác IUU. Ngày 13/2/2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 81/QĐ-TTg về ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4” (gọi tắt là Kế hoạch hành động 180 ngày tháo gỡ “thẻ vàng”). Tôi nhận thấy rằng, các địa phương đã tích cực triển khai rất quyết liệt, quyết tâm đưa ra nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam.
Thực hiện Kế hoạch hành động 180 ngày tháo gỡ “thẻ vàng”, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tuyến biển triển khai nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống khai thác IUU, gắn trách nhiệm người chỉ huy với công tác đấu tranh, phòng, chống khai thác IUU. Trong đó, BĐBP xác định việc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan và chính quyền địa phương là một trong những nội dung, biện pháp quan trọng cần được tăng cường và nâng cao hiệu quả hơn nữa.
Đồng thời, xác định rõ nội dung, biện pháp, chỉ tiêu, thời gian hoàn thành cụ thể cho các đơn vị; tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý tàu cá, nhất là loại tàu từ 15m trở lên; công tác phát hiện, xử lý vi phạm IUU, đấu tranh, triệt phá đường dây đưa, đón người, phương tiện ra nước ngoài hoạt động trái phép; công tác tuyên truyền, vận động ngư dân và các biện pháp công tác khác nhằm phấn đấu đạt mục đích giảm dần và đi đến chấm dứt các vụ việc tàu cá ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Phóng viên: Thời gian qua, một số địa phương vẫn còn để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Qua tổng hợp các vụ việc mà BĐBP xử lý, đề nghị Thiếu tướng chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện: Từ năm 2017 đến nay, các đơn vị BĐBP đã phát hiện, trực tiếp xử lý và tham mưu cho địa phương xử lý vi phạm hành chính 1.879 vụ với 2.370 phương tiện. Có 2.578 đối tượng bị xử phạt, với tổng số tiền phạt trên 78 tỷ đồng. Quá trình xử lý, các cơ quan chức năng đã tịch thu 728 kg thuốc nổ, 884 bộ kích điện, tước bằng thuyền trưởng đối với 92 trường hợp. Mặc dù “mạnh tay” như vậy, nhưng cho đến nay, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm về khai thác IUU vẫn còn xảy ra, do một số nguyên nhân.
Trong đó, nguyên nhân khách quan là do nguồn lợi hải sản trong nước suy giảm, cạn kiệt, không đủ đáp ứng nhu cầu khai thác; đời sống nhân dân khó khăn, vì lợi ích kinh tế, đã xuất hiện đường dây móc nối đưa tàu cá sang vùng biển nước ngoài khai thác; giá xăng, dầu tăng cao, chi phí cho một chuyến đi biển lớn, khai thác trong nước lợi nhuận thấp. Nguyên nhân chủ quan là do công tác tuyên truyền, vận động ngư dân hiệu quả chưa cao, chưa thay đổi được nhận thức của người dân; ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận ngư dân chưa nghiêm túc.
Bên cạnh đó, công tác xử lý vi phạm của địa phương và các lực lượng chức năng chưa quyết liệt, còn nương nhẹ, hạn chế khả năng răn đe, ngăn chặn; công tác kiểm tra, kiểm soát có lúc, có nơi còn lỏng lẻo, sơ hở, sót lọt, chưa nắm chắc, nắm sâu và chưa phân loại được số đối tượng có nguy cơ và nguy cơ cao vi phạm IUU để chủ động có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Công tác nắm tình hình, phối hợp chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng trên biển có lúc chưa kịp thời. Sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương các cấp chưa thực sự quyết liệt, biện pháp xử lý thiếu kiên quyết. Ngoài ra, vì lợi ích kinh tế, một số ngư dân cố tình vi phạm và tái phạm về khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Phóng viên: Việc ghi chép nhật ký khai thác không rõ ràng làm ảnh hưởng như thế nào đến việc truy xuất nguồn gốc, gây trở ngại đến quá trình gỡ “thẻ vàng” của các cơ quan chức năng, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện: Trong hoạt động khai thác hải sản xa bờ, việc ghi chép nhật ký mỗi chuyến biển là quy định bắt buộc, làm cơ sở để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho ngư dân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, ngư dân ghi chép không rõ ràng hoặc thực hiện theo kiểu đối phó. Điều này gây trở ngại lớn cho lực lượng chức năng thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản theo khuyến nghị của EC; gây khó khăn cho việc xem xét hỗ trợ ngư dân theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác thủy sản trên các vùng biển xa. Đặc biệt, việc ghi chép không rõ ràng tiềm ẩn nguy cơ ngư dân khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, làm ảnh hưởng đến nỗ lực phòng, chống khai thác IUU.
- Tình trạng ngư dân nước ta vi phạm pháp luật, vi phạm vùng biển nước ngoài khi đánh bắt trên biển nếu tiếp tục tiếp diễn sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kết quả kiểm tra của EC, thưa Thiếu tướng?
- Như khuyến cáo của EC, dù chỉ còn 1 phương tiện vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, EC cũng không gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản Việt Nam. Nếu không khẩn trương tiến hành các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm IUU để gỡ “thẻ vàng” thì nguy cơ bị áp “thẻ đỏ” đối với ngành thủy sản Việt Nam là rất lớn. Việc này đồng nghĩa với việc EC cấm nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế của ngư dân và uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra lần tiếp theo của EC.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Trần Đức (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận