Phú Quốc phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch
Huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái gắn với dịch vụ, du lịch nhằm tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch phục vụ du khách từ nay đến năm 2025, định hướng năm 2030.
Ông Huỳnh Thanh Minh - Trưởng Phòng Kinh tế Phú Quốc cho biết, xây dựng các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với dịch vụ, du lịch phát triển đồng bộ, bền vững phục vụ du khách, huyện quy hoạch, đầu tư sản xuất phù hợp, quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp nông nghiệp, nông hộ và tổ chức du lịch lữ hành trong quá trình hoạt động. Đồng thời, tăng cường truyền thông, xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch nông nghiệp, những điểm du lịch nông nghiệp trên đảo đến du khách.
Theo đó, huyện giao đơn vị chức năng, cơ quan chuyên môn phối hợp xây dựng kế hoạch chi tiết phát triển nông nghiệp sinh thái trong thực hiện quy hoạch, tái cơ cấu nông nghiệp Phú Quốc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Ngành chức năng lựa chọn ký kết hợp đồng liên kết dài hạn với các doanh nghiệp, nhà đầu tư tâm huyết, có kinh nghiệm chuyên môn, năng lực tài chính đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao gắn với điểm tham quan, du lịch, học tập, chuyển giao mô hình nông nghiệp, thực nghiệm cho học sinh, sinh viên, phục vụ nghiên cứu đề tài, dự án về nông nghiệp…
Cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn, xây dựng mô hình homestay cho các hộ dân có diện tích đất nông nghiệp đang canh thác gắn với các hoạt động du lịch, tạo điểm nhấn cho du khách khi tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm trên đảo.
Mặt khác, huyện tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã được phê duyệt chủ trương đầu tư triển khai thực hiện dự án ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng nhà lưu trú, farm stay để du khách tìm hiểu về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tìm hiểu bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.
Cùng đó, huyện xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp, phát huy sự liên kết giữa “4 nhà” dưới sự hỗ trợ của Nhà nước để gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững; liên kết với các tour du lịch lữ hành đưa khách tham quan tại các khu du lịch nông nghiệp do doanh nghiệp, nông dân thực hiện; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Theo ông Huỳnh Thanh Minh, xây dựng các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với dịch vụ, du lịch cần có sự tham gia của cộng đồng mang lại lợi ích kinh tế gắn với lợi ích về xã hội và môi trường. Phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với dịch vụ, du lịch sẽ là động lực thúc đẩy cho sự phát triển nông nghiệp Phú Quốc với tốc độ nhanh, bền vững; tác động tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bảo tồn những giá trị văn hóa gốc của nông thôn và giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù của đảo ngọc Phú Quốc.
Thời gian qua, đã có 21 mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản với gần 60 điểm như: nuôi gà nòi lai thương phẩm an toàn sinh học, sản xuất giống gà ri vàng, nuôi cá bóp lồng bè, nuôi cá chim vây vàng, nuôi cá mú trân châu và cá khế vằn lồng bè, trồng rau thủy canh, rau ăn lá và rau ăn trái nhà lưới, trồng sầu riêng, măng cụt, măng tây, dừa xiêm lùn, mãng cầu ta (quả na), nấm linh chi trong nhà kính…
Nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư công nghệ chế biến các sản phẩm từ các loài cây trồng nhiều ở Phú Quốc như hồ tiêu, sim rừng… thành sản phẩm đặc trưng của đất đảo phục vụ khách du lịch.
Một số mô hình nông nghiệp nhà vườn, các cơ sở sản xuất kinh doanh kết hợp tham quan du lịch, ăn uống bước đầu được người dân quan tâm đầu tư, phát triển và nhân rộng, tạo thêm sản phẩm du lịch cho đảo Phú Quốc. Cụ thể như: Vườn du lịch sinh thái hồ tiêu, vườn du lịch sinh thái sim rừng, tham quan và trải nghiệm trồng rau trong nhà màng, trồng rau thủy canh, tham quan và trải nghiệm nuôi cá lồng bè trên biển…
Tuy nhiên, theo Phòng Kinh tế Phú Quốc, việc phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái này còn nhiều hạn chế và kém xa so với các loại hình du lịch khác. Nguyên nhân chủ yếu là hoạt động du lịch nông thôn còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, chưa có sự liên kết, đầu tư đúng mức tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận