Quá trình hình thành UNCLOS

11:00 10-12-2022

VBĐVN.vn - Ngày 10-12-1982, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) chính thức được ký kết. Được ví như bản Hiến pháp của đại dương, trải qua 40 năm, UNCLOS năm 1982 không chỉ là một văn kiện pháp lý quốc tế có giá trị phổ quát, giúp các quốc gia thiết lập được trật tự pháp lý toàn diện, công bằng, hòa bình trên biển, mà còn có giá trị hướng về tương lai, phù hợp mục tiêu phát triển bền vững của nhân loại.

Luật Biển quốc tế được hình thành như thế nào?

Luật Biển (tiếng Anh là The Law of the Sea) là một tập hợp những chế định, quy định pháp lý dùng để điều chỉnh tất cả các quan hệ có liên quan diễn ra trên tất cả các vùng biển; nếu được các chủ thể trong quan hệ quốc tế ký kết, tham gia thì gọi là Luật Biển quốc tế; nếu được một quốc gia ven biển ban hành thì gọi là Luật Biển quốc gia.

Trong lịch sử nhân loại, vấn đề mở rộng và xác định phạm vi các vùng biển thuộc các quyền quốc gia luôn là vấn đề quan trọng, là đề tài phong phú và phức tạp của nhiều diễn đàn, được cả cộng đồng quốc tế quan tâm; có khi còn là nguyên nhân hoặc nguồn gốc của nhiều xung đột, chiến tranh ở những quy mô khác nhau giữa các quốc gia.

Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 tổ chức Phiên họp toàn thể kỷ niệm 40 năm ngày thông qua Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (30/4/1982-30/4/2022) tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York. (Ảnh: TTXVN)

Từ khi quốc gia xuất hiện, các quốc gia ven biển luôn có xu hướng mở rộng quyền lực ra hướng biển. Xu hướng này lại mâu thuẫn với tham vọng muốn duy trì quyền tự do hoạt động trên biển của các cường quốc hàng hải. Trong quá trình đấu tranh giữa 2 xu hướng đó đã xuất hiện các nguyên tắc, chế định, quy định pháp lý nhằm điều chỉnh các mối quan hệ và điều hòa lợi ích giữa các quốc gia. Chính điều đó đã tạo nền móng cho Luật Biển ra đời và phát triển.

Năm 1958, Liên hợp quốc triệu tập Hội nghị quốc tế về Luật Biển lần thứ nhất tại Geneve (Thụy Sĩ) với 86 nước tham dự. Hội nghị này đã thông qua 4 Công ước quốc tế về Luật Biển, gồm: Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải; Công ước về đánh cá và bảo tồn tài nguyên sinh vật; Công ước về thềm lục địa; Công ước về biển cả. Tuy nhiên một số nội dung quan trọng chưa được giải quyết, như chiều rộng lãnh hải, quyền đi qua eo biển quốc tế, giới hạn vùng đánh cá, ranh giới ngoài của thềm lục địa.

Chiến sĩ trên đảo Trường Sa tuần tra bảo vệ vùng biển Tổ quốc. (Ảnh: THANH GIANG)

Năm 1960, cũng tại Geneve, Liên hợp quốc triệu tập Hội nghị Luật Biển lần thứ 2 để giải quyết những tồn tại nói trên, song không đạt thỏa thuận mới nào.

Năm 1973, Liên hợp quốc triệu tập Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 để tiếp tục thảo luận và thông qua Công ước Luật Biển mới. Trải qua 5 năm trù bị (1967-1972), 9 năm thương lượng (1973-1982) và 11 khóa họp, ngày 30-4-1982, Hội nghị của Liên hợp quốc về Luật Biển lần thứ 3 đã thông qua được một Công ước mới, gọi là UNCLOS năm 1982, với tỷ lệ 130 phiếu thuận, 4 phiếu chống, 17 phiếu trắng và 2 nước không tham gia bỏ phiếu. Sau đó, ngày 10/12/1982, tại Vịnh Montego (Jamaica), 117 đoàn đại biểu quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã chính thức ký Công ước. Ngày 16-11-1994, một năm sau khi có đủ 60 quốc gia thành viên phê chuẩn, UNCLOS năm 1982 đã chính thức có hiệu lực.

Nội dung cơ bản của UNCLOS năm 1982 là gì?

UNCLOS năm 1982 bao gồm tất cả mọi khía cạnh liên quan đến Luật Biển và được các quốc gia chấp nhận theo nguyên tắc “nhất trí”. UNCLOS năm 1982 gồm 17 phần với 320 điều khoản, cùng 9 phụ lục với hơn 100 điều khoản và 4 nghị quyết kèm theo, chứa đựng 1.000 quy phạm pháp luật quốc tế.

Tàu cá ngư dân trở về sau chuyến biển tại cảng Hòn Rớ (Khánh Hòa) với cá ngừ đại dương. (Ảnh: DUY LINH)

Đây là một văn kiện pháp lý quốc tế tổng hợp, toàn diện, bao hàm tất cả những nội dung quan trọng nhất trong luật pháp và thực tiễn quốc tế về biển và đại dương thế giới; trong đó quan trọng nhất là thống nhất phương pháp xác định phạm vi không gian của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các nước ven biển, quy định rõ ràng các quyền và nghĩa vụ của mọi quốc gia, có biển và không có biển, phát triển hay đang phát triển, trong nhiều lĩnh vực như an ninh, bảo vệ môi trường, thăm dò khai thác tài nguyên thiên nhiên, giao thông liên lạc, nghiên cứu khoa học và công nghệ… trên các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia, cũng như tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia. UNCLOS năm 1982 cũng định ra trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp trên biển giữa các quốc gia bằng biện pháp hòa bình.

Chiến sĩ Hải quân đảo Nam Yết tuần tra bảo vệ vùng biển Tổ quốc. (Ảnh: DUY LINH)

UNCLOS năm 1982 đã khắc phục những điểm hạn chế của các Công ước năm 1958 và tạo dựng một khuôn khổ pháp lý công bằng, hài hòa lợi ích của các nhóm nước khác nhau, như giữa những nước có biển và không có biển hoặc gặp bất lợi về mặt địa lý, giữa nước phát triển với các nước đang phát triển và kém phát triển.

Lần đầu tiên, UNCLOS năm 1982 đã hoàn chỉnh các quy định về xác định ranh giới các vùng biển từ nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, biển cả và vùng đáy biển quốc tế. Đặc biệt, chế độ vùng đặc quyền kinh tế ra đời là kết quả của việc bảo vệ các đặc quyền về kinh tế của các quốc gia đang phát triển và các quốc gia mới giành được độc lập trong phong trào giải phóng dân tộc vào những năm 60 của thế kỷ XX. Đây là chế định pháp lý lần đầu tiên được quy định có tính tới đặc thù phân bổ tự nhiên của các tài nguyên sinh vật biển trong phạm vi 200 hải lý và thiết lập công bằng cho tất cả quốc gia, loại trừ các quy định dựa trên quyền đánh bắt cá truyền thống, lịch sử do các quốc gia có điều kiện khoa học-kỹ thuật phát triển thiết lập kể từ trước khi Công ước ra đời.

Với thềm lục địa, UNCLOS năm 1982 quy định các tiêu chí xác định ranh giới thềm lục địa dựa trên các tiêu chí khách quan về mặt địa lý trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc đất thống trị biển. Theo đó, thềm lục địa là một khái niệm địa chất, là phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của các quốc gia ven biển. Vì vậy, tối thiểu các quốc gia có thể xác định chiều rộng vùng thềm lục địa pháp lý là 200 hải lý kể từ đường cơ sở. Các quốc gia có thềm lục địa tự nhiên rộng hơn 200 hải lý được phép xác định thềm lục địa pháp lý mở rộng.

Đoàn công tác từ đất liền ra thăm cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Lát, Trường Sa. (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, để bảo đảm yếu tố công bằng, khách quan, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên hợp quốc có thẩm quyền xem xét phương pháp xác định thềm lục địa mở rộng của các quốc gia ven biển và chỉ những ranh giới thềm lục địa mở rộng nào được xác định phù hợp với khuyến nghị của CLCS mới có giá trị ràng buộc và nhận được sự công nhận từ các quốc gia khác.

Quyền lợi của các quốc gia không có biển hoặc gặp bất lợi về mặt địa lý cũng được tính tới khi một loạt quy định về quá cảnh, khai thác lượng đánh bắt cá dư được quy định trong quy chế về vùng đặc quyền kinh tế. Bên cạnh đó, đặc thù của các quốc gia quần đảo cũng lần đầu tiên được xem xét và pháp điển hóa thành quy chế pháp lý của quốc gia quần đảo.

Đặc biệt, bên cạnh việc kế thừa quy định tự do biển cả, UNCLOS năm 1982 lần đầu tiên xây dựng quy chế pháp lý về vùng đáy biển quốc tế với đặc trưng là di sản chung của nhân loại. Trong đó, Cơ quan quyền lực đáy đại dương (ISA) được thành lập để xây dựng quy chế về khai thác tài nguyên tại vùng đáy biển quốc tế và phân bổ lợi ích công bằng tới các quốc gia thành viên. Hiệp định về thực hiện phần XI cũng đã được ký kết vào năm 1994 để bổ sung vào UNCLOS năm 1982 các quy định cụ thể về quản lý và khai thác vùng đáy biển quốc tế.

Theo nhandan.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang