Quan điểm giải quyết vấn đề phân định biển của Việt Nam (Phần I)

07:33 07-12-2023

VBĐVN.vn - Trong số các nước xung quanh Biển Đông, Việt Nam là quốc gia có vùng biển tiếp giáp với hầu hết các nước xung quanh và cũng là quốc gia có nhiều vùng biển chồng lấn cần đàm phán để giải quyết.

Các chiến sỹ thực hiện nghi lễ thượng cờ trên đảo Trường Sa lớn. (Nguồn: TTXVN)

Ngoài việc phải đàm phán giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam còn phải giải quyết phân định ranh giới biển và vùng chồng lấn trên biển với nhiều quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Philippines, Brunei, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia.

Tiếp tục thành quả đạt được, Việt Nam quán triệt chủ trương giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo thông qua thương lượng hòa bình, tránh đối đầu vũ trang, bảo đảm quá trình hợp tác phát triển, ổn định và hòa bình ở khu vực.

Việt Nam tiếp tục mở các cuộc đàm phán song phương, đa phương giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển, nhằm sớm ký các hiệp định phân định ranh giới biển giữa Việt Nam với các quốc gia hữu quan, đồng thời xây dựng các bản thỏa thuận thực hiện cam kết chung trên các vùng biển chồng lấn.

Phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc

Giữa Việt Nam và Trung Quốc tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển. Ngoài vấn đề chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, còn liên quan đến khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ.

Trải qua nhiều vòng đàm phán, năm 2000 Việt Nam và Trung Quốc đã ký hai hiệp định quan trọng đó là Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong khu vực vịnh Bắc Bộ vào ngày 25-12-2000. Việc ký kết thành công các hiệp định liên quan đến vịnh Bắc Bộ có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam và Trung Quốc.

Vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn trong vịnh Bắc Bộ được giải quyết một cách triệt để, tình hình vịnh Bắc Bộ sau khi 2 hiệp định được ký kết đã ổn định hơn trước.

Giải quyết vùng chồng lấn trên biển giữa Việt Nam và Malaysia

Giữa Việt Nam và Malaysia tồn tại vùng chồng lấn rộng 2.800 km2, do vậy cả hai nước đều có nhu cầu đàm phán phân định ranh giới rõ ràng. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, hai nước đã tiến hành nhiều cuộc hội đàm, tiếp xúc nhằm giải quyết tình trạng chồng lấn. Tháng 5-1992, Việt Nam và Malaysia đã ký kết Thỏa thuận hợp tác thăm dò khai thác chung ở vùng chồng lấn.

Tuy nhiên do vùng biển của hai quốc gia còn liên quan đến một số nước khác, nên vấn đề ký kết một hiệp định có tính chất phân định ranh giới trên biển còn hết sức phức tạp.

Từ năm 1986 đến 2021, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam vẫn duy trì đàm phán, thực hiện các cuộc đàm phán song phương, đa phương và phối hợp cùng với Thái Lan, Campuchia để giải quyết các khu vực chồng lấn này.

Giải quyết vùng chồng lấn và tranh chấp trên biển với Thái Lan

Giữa Việt Nam và Thái Lan có một vùng chồng lấn trên biển rộng khoảng 6.000 km2, được hình thành từ ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam do Chính quyền Việt Nam Cộng hòa công bố năm 1971 và đường ranh giới thềm lục địa của Thái Lan công bố năm 1973.

Ngày 09-8-1997, tại Bangkok, Việt Nam và Thái Lan đã ký kết Hiệp định phân định biên giới trên biển giữa hai nước. Theo hiệp định này, 32,5% diện tích vùng chồng lấn thuộc Việt Nam, đường ranh giới phân chia vùng chồng lấn đồng thời cũng được xem là ranh giới thềm lục địa và ranh giới vùng đặc quyền kinh tế trên biển giữa Việt Nam và Thái Lan.

Trong thời gian qua, hai nước vẫn chủ động tiến hành đàm phán song phương, đa phương, phối hợp với cùng các nước có liên quan, đặc biệt là Campuchia và Malaysia giải quyết các vấn đề tồn tại, hướng tới một giải pháp triệt để đảm bảo hòa bình, ổn định cho khu vực vịnh Thái Lan và khu vực ngoài khơi vịnh Thái Lan.

Giải quyết chồng lấn và tranh chấp trên biển với Indonesia

Trên vùng biển tiếp giáp giữa Việt Nam và Indonesia, theo quy định của luật biển quốc tế hình thành một vùng chồng lấn rộng khoảng 42.000 km2. Từ năm 1979 đến năm 1991, Việt Nam và Indonesia đã tiến hành nhiều vòng đàm phán cấp chuyên viên và cấp chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan đến vùng biển chồng lấn. Thông qua các vòng đàm phán, đã thu hẹp vùng chồng lấn xuống còn 4.500 km2.

Từ năm 2001 đến 2022, tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, Việt Nam và Indonesia vẫn duy trì các cuộc đàm phán cấp chuyên viên và cấp chính phủ với hy vọng đạt được thỏa thuận chung để hướng tới một giải phá hữu hiệu để giải quyết dứt điểm tranh chấp thông qua một hiệp định được ký kết chính thức giữa chính phủ hai nước với nhau.

Bằng sự nỗ lực, cố gắng của cả hai nước, vào ngày 23-6-2003, Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia đã được hai nước ký kết. Như vậy, sau 25 năm kể từ năm 1978, khi Việt Nam và Indonesia mở cuộc đàm phán đầu tiên để giải quyết những tranh chấp về chủ quyền trên biển liên quan đến lợi ích trực tiếp của hai nước, một hiệp định chính thức về phân chia ranh giới trên biển đã được ký kết. Đây cũng được xem là thắng lợi lớn đối với hai nước.

Riêng đối với Việt Nam, ngoài ý nghĩa đã ký được với Indonesia, bản hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa trên biển giữa hai nước còn có một ý nghĩa khác, đó là Việt Nam có thêm cơ sở, tạo hậu thuẫn thuận lợi trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Năm 2022, trong chuyến thăm Indonesia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Joko Widodo thông báo Việt Nam và Indonesia đã hoàn tất đàm phán phân định Vùng đặc quyền kinh tế phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Thượng tá, TS. Nguyễn Thanh Minh

(Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam)

(baoquocte.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang