Quảng Nam: Hiện đại hóa quy trình khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản

18:44 08-07-2021

VBĐVN.vn - Nhằm từng bước phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa cả 3 khâu gồm: Khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng và đưa vào sử dụng các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Từ nhiều năm nay, khu neo đậu kết hợp cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá Hồng Triều, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên luôn được ngư dân địa phương kỳ vọng sẽ là nơi neo đậu tránh trú bão an toàn, là nơi cung cấp các dịch vụ hậu cần thiết yếu để vươn khơi bám biển và tiêu thụ sản phẩm sau mỗi chuyến biển. Tuy nhiên, suốt thời gian dài những mục tiêu thiết thực này cũng vẫn là niềm mơ ước chưa thành hiện thực vì vướng mặt bằng, nút thắt vào cảng cá.

Ảnh minh họa. (TTXVN)

Khắc phục tình trạng này, ngoài việc nâng thêm mức bồi thường kết hợp với tuyên truyền vận động, đến nay các hộ gia đình có quyền lợi liên quan đã đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Nhờ đó, hạng mục cuối cùng của dự án Khu neo đậu tàu thuyền Hồng Triều đang được gấp rút thi công. Theo kế hoạch, đoạn đường dẫn này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng sau một tháng thi công. Ngoài tuyến đường dẫn, đến thời điểm này, toàn bộ các hạng mục chính như: kè chắn sóng, cửa ra vào âu thuyền, nạo vét âu thuyền và các hạng mục kỹ thuật hỗ trợ cho khu neo đậu tàu thuyền và các dịch vụ hậu cần đã được hoàn thiện.

Mùa mưa bão năm nay, ngư dân ở các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Hội An của tỉnh Quảng Nam và các địa phương lân cận sẽ yên tâm khi đưa hơn 600 phương tiện tàu thuyền vào đây để tránh trú bão.

Ông Nguyễn Bụi, ngư dân xã Duy Nghĩa chia sẻ, khu neo đậu tàu thuyền đã có từ lâu, song chỉ là khu neo đậu tự nhiên, không đáp ứng được nhu cầu an toàn cho tàu thuyền khi vào neo đậu trong mùa mưa bão. Vì vậy, khi khu neo đậu kết hợp cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá, ngư dân không riêng xã Duy Nghĩa mà cả vùng đông huyện Duy Xuyên, Thăng Bình và các địa phương lân cận đều phấn khởi.

Mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Tam Kỳ. Ảnh: THANH THẮNG/ Báo Quảng Nam

Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa Diệp Tấn Lực cho biết, khu neo đậu tàu thuyền kết hợp cảng cá Hồng Triều nằm trong quy hoạch hậu cần nghề cá vùng đông, là nơi tập trung lớn số lượng tàu thuyền. Phát huy lợi thế này, địa phương đã có kế hoạch từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống dịch vụ, kết nối hệ thống hậu cần nghề cá, vừa làm cung cấp vật tư, nhiên liệu vừa làm nơi thu mua, trung chuyển sản phẩm. Từ đó, đáp ứng nhu cầu vươn khơi bám biển dài ngày của ngư dân và nâng cao giá trị kinh tế của mỗi chuyến biển.

Cùng với âu thuyền kết hợp cảng cá Hồng Triều, cảng cá Tam Quang, huyện Núi Thành, có vốn đầu tư hơn 122 tỷ đồng, được xây dựng theo dạng bến liền bờ, được UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu đến cuối năm 2021 phải hoàn thành dự án.

Cảng cá Tam Quang có khả năng cho tàu cá có công suất trên 1.000CV ra vào tiêu thụ sản phẩm và tiếp vật tư, nhiên liệu, hậu cần nghề cá. Cùng với đó, các hạng mục như kho sơ chế, kho cấp đông, chợ đầu mối, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, khu sửa chữa tàu cá và sản xuất, cung cấp ngư lưới cụ đã xây dựng hoàn thiện.

Ảnh minh họa. (snnptnt.quangnam.gov.vn)

Cảng có khả năng khai thác đạt trên 16.000 tấn/năm. Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Nam trong việc xây dựng hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, đáp ứng nhu cầu vươn khơi bám biển dài ngày.

Ông Nguyễn Hồng Lam, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án nông nghiệp Quảng Nam cho biết, tuy cảng cá Tam Quang đã được đưa vào sử dụng, song đến thời điểm này, một đoạn kè kết hợp bến cảng số 1 dài 54m, chạy dọc theo bờ sông vẫn chưa có mặt bằng để thi công.

Để triển khai thi công đồng bộ và phát huy hiệu quả của cảng cá, Ban Quản lý đề nghị địa phương và các ngành chức năng của tỉnh tập trung chỉ đạo, làm dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng để Ban Quản lý thi công hoàn thành dự án như yêu cầu của lãnh đạo tỉnh.

Ảnh minh họa. (taichinhdoanhnghiep.net.vn)

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho hay, tỉnh Quảng Nam đã và đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá; trong đó, khu neo đậu tránh bão kết hợp cảng cá Hồng Triều, cảng cá Tam Quang, khu neo đậu tàu thuyền An Hòa, các bến cá ở Tam Kỳ, Hội An là những dự án tiêu biểu.

Trong năm 2020 tuy chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, song sản lượng khái thác hải sản của tỉnh Quảng Nam vẫn đạt 94.500 tấn. Với đội tàu hiện có, tỉnh Quảng Nam đảm bảo sản lượng khai thác hàng năm đạt từ 94.000 - 100.000 tấn hải sản các loại.

Ngọc Lân (theo TTXVN)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang