Quảng Trị hướng đến nghề cá hiện đại

10:32 24-05-2022

VBĐVN.vn - Tỉnh Quảng Trị đang tập trung khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền, lắp đặt các trang thiết bị hàng hải hiện đại giúp ngư dân tự tin vươn khơi bám biển.

Đội tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Trị được đóng theo Nghị định 67. CĐ.

Xây dựng đội tàu xa bờ, công suất lớn

Thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị nằm ở cửa biển Cửa Việt, 2 mặt giáp với sông và biển. Nhiều năm qua, các thế hệ ngư dân tại địa phương vẫn đang tiếp tục đầu tư, đưa nghề biển trở thành một nghề kinh tế quan trọng của gia đình và đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Ông Võ Linh Quyền, một ngư dân có thâm niên gần 40 năm gắn bó với nghề biển hồi tưởng, cách đây 30 - 40 năm, ngư dân làm nghề biển như ông khổ trăm bề. Không khổ sao được khi phải ra khơi trên chiếc thuyền nan chèo chống bằng tay.

Muốn đánh được cá phải nhìn sao trời, nhìn sóng biển, hướng chảy của dòng hải lưu để đoán định hướng cá mà thả lưới, thả mồi câu. Trong khi hiện nay, khi điều kiện kinh tế cho phép, đặc biệt với sự hỗ trợ của Nhà nước và các lực lượng chức năng trên biển, nghề khai thác hải sản của ngư dân đang ngày càng thuận lợi hơn nhiều.

Ông Quyền cho biết, vừa qua gia đình ông đã đầu tư gần chục tỷ đồng để đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ vỏ gỗ lớn nhất tỉnh với chiều dài 23 m, chiều rộng 6,5 m, công suất 1.200 CV. Tàu được trang bị nhiều loại máy móc hiện đại như ra đa hàng hải, máy dò ngang, ICOM…

Chức “thuyền trưởng” cũng được ông trao lại cho người con trai trưởng Võ Văn Huynh. Còn ông lùi lại đảm nhận sứ mệnh tiếp lửa, làm điểm tựa cho lớp con cháu vững tay lái, đưa con tàu tiếp tục vươn khơi chinh phục các vùng biển xa, giữ gìn lãnh hải Tổ quốc.

Bốc dỡ hải sản đánh bắt được tại cảng cá Cửa Việt. CĐ.

“Rất nhiều gia đình ở làng biển này đã có kinh tế khá giả từ nghề biển. Thời gian qua mặc dù có gặp khó khăn do Covid-19, giá nhiên liệu tăng cao… nhưng hầu hết ngư dân địa phương vẫn quyết tâm giữ nghề. Chúng tôi kỳ vọng, làng biển sẽ từng ngày thay đổi, trù phú hơn xưa”, ông Quyền khảng khái nói.

Còn tại xã biển Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tranh thủ phút nghỉ ngơi khi đang bốc xếp ngư lưới cụ, ngư dân Nguyễn Quang Hùng, thuyền trưởng tàu cá QT 94522TS tâm sự, trước đây, cũng như nhiều ngư dân, anh ra khơi chỉ với chiếc thuyền nan nhỏ bé lắp máy công suất vài chục CV, đánh bắt quanh quẩn ở vùng lộng.

Sau nhiều năm tích cóp, cộng với sự hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 67, hiện anh đã có trong tay chiếc tàu cá xa bờ công suất hơn 400 CV. Từ ngày được nâng cấp, hầu hết các chuyến biển của anh đều vươn đến tận ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa với các loại hải sản có giá trị cao như cá thu, cá ngừ…“Năm 2021 vừa qua, mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng tàu cá của tôi vẫn khai thác đạt hiệu quả cao, mang lại thu nhập trên 2 tỷ đồng, trừ chi phí 13 bạn thuyền được chia từ 100 – 120 triệu đồng mỗi người”, anh Hùng chia sẻ.

Nhận định về xu hướng phát triển nghề cá trên địa bàn thời gian qua, ông Lê Văn Toàn, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Gio Linh (Quảng Trị) địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất tỉnh cho biết, trong những năm qua, ngư dân trên địa bàn huyện đã đầu tư, nâng cấp tàu cá và các phương tiện đánh bắt theo hướng hiện đại, bám biển dài ngày. Đến nay toàn huyện đã có 939 tàu thuyền cơ giới khai thác và dịch vụ thủy sản. Trong đó, có 154 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên, 18 tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên thường xuyên khai thác trên các vùng biển xa. “Điều đáng nói là các tàu đánh bắt xa bờ này thường xuyên hoạt động, bám biển dài ngày tại các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa, qua đó vừa nâng cao giá trị đánh bắt và thu nhập cho ngư dân, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, ông Toàn nhấn mạnh.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương tỉnh Quảng Trị đã tích cực hỗ trợ ngư dân trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào khai thác hải sản. Qua đó, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng cho sản phẩm thủy sản.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị Nguyễn Hoài Nam thông tin, nếu như trước đây ngư cụ khai thác thủy sản của ngư dân chủ yếu là lưới rê, lưới xăm thì hiện nay đã được trang bị lưới rê hỗn hợp (rê bùng nhùng), lưới chụp, lưới vây rút chì kết hợp ánh sáng, lưới rê ba lớp trên khối tàu khai thác thủy sản ở vùng khơi và vùng lộng; lưới rê ba cao lườn, lưới thanh ba, lưới rê khai thác cá chim... trên khối tàu ven bờ.

Ngoài ra đã chuyển giao thành công một số nghề khai thác như lồng bẫy mực lá, lồng bẫy khai thác ốc hương và lồng bẫy khai thác ghẹ. Trong đó nghề lưới rê hỗn hợp được đánh giá là mô hình mang lại hiệu quả cao và góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững hơn.

Bên cạnh đó, nhằm mục đích cơ giới hóa, giảm sức lao động, hạn chế số người lao động trên tàu để tăng hiệu quả kinh tế, công tác cơ giới hóa trong khai thác hải sản trong thời gian qua đặc biệt quan tâm. Các loại máy móc, thiết bị cơ khí tiếp tục được du nhập, chuyển giao cho tàu cá Quảng Trị như máy tời thủy lực thu lưới rê hỗn hợp, thu lưới vây; máy tời dây giềng trên tàu lưới vây; máy tời thủy lực thu giềng lực đối với nghề lồng bẫy khai thác ghẹ và ốc hương.

Đến nay, hầu hết trên tàu lưới rê hỗn hợp đều sử dụng máy tời thủy lực để thu lưới, đặc biệt trên tàu vỏ thép sử dụng đến 2 máy. Trên tàu lưới vây, tàu khai thác lồng bẫy khai thác ghẹ và ốc hương đều sử dụng máy tời thủy lực để thu dây giềng đã giúp giảm đi sức lao động rất lớn. Đồng thời áp dụng máy tời thủy lực đã cải tiến được vàng lưới cao và dài hơn trước đây; sử dụng được nhiều lồng bẫy, khai thác ở độ sâu lớn hơn.

Các kỹ thuật sử dụng đèn điện tử LED (Light Emitting Diode) thay thế đèn sợi đốt, halogen,... để thu hút cá tập trung, tăng vùng chiếu sáng và tiết kiệm nhiên liệu cũng được triển khai lắp đặt trên tàu hành nghề lưới vây, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Về trang bị thiết bị điện tử hàng hải, đã áp dụng máy định vị vệ tinh trên tàu cá, máy dò cá bằng sóng siêu âm được nâng cấp, cải tiến qua các thế hệ như dò đứng, dò ngang và dò chụp. Đồng thời áp dụng máy ra đa để quản lý lưới, tránh va trên biển. Máy nhận dạng tự động AIS để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động trên biển đã bước đầu đưa vào áp dụng.

Sử dụng máy thông tin liên lạc sóng ngắn HF, máy thông tin liên lạc tầm trung, tầm xa và đến nay đã áp dụng máy thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh. Hầm bảo quản sản phẩm trên tàu sử dụng vật liệu Polyurethane (PU) có khả năng giữ nhiệt tốt đã được sử dụng khá phổ biến trên tàu cá. Giúp bảo quản sản phẩm được dài ngày hơn so với hầm bảo quản truyền thống.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Trị, năm 1992, số tàu thuyền toàn tỉnh chỉ có vài trăm chiếc với tổng công suất trên 7.500 CV, phần lớn là tàu công suất nhỏ phục vụ đánh bắt ven bờ, hoàn toàn không có tàu cá xa bờ công suất trên 50 CV.

Đến hết năm 2021, tổng số tàu cá toàn tỉnh đã là 2.882 chiếc với tổng công suất 142.208 CV; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 241 chiếc, trong đó có 211 tàu cá có chiều dài trên 15m thường xuyên tham gia khai thác ở các vùng biển xa. Đây là tiền đề để địa phương hướng đến nghề cá hiện đại.

Theo nongnghiep.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang