Quy định các khu vực không được lấn biển nhằm đảm bảo môi trường sinh thái
VBĐVN.vn - Dự thảo Nghị định quy định hoạt động lấn biển hiện đang được lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học và các bộ, ngành. Trong đó, dự thảo Nghị định liệt kê các khu vực không được thực hiện lấn biển nhằm đảm bảo môi trường sinh thái, quy hoạch đô thị, giao thông, an ninh quốc phòng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định hoạt động lấn biển với quan điểm thống nhất, bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo dựa trên tiếp cận hệ sinh thái; phân tích, đánh giá đầy đủ chi phí lợi ích về kinh tế - xã hội, môi trường nhằm phát triển bền vững; bảo đảm tính khoa học, chặt chẽ, cụ thể, khả thi và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế…
Dự thảo Nghị định sau nhiều lần chỉnh lý, hiện đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học và các bộ, ngành. Dự thảo gồm 4 chương, 19 điều, quy định khu vực lấn biển phải được xác định cụ thể vị trí địa lý, diện tích, ranh giới, tọa độ trên nền bản đồ địa hình đáy biển và phải được điều tra, khảo sát kỹ khi lên phương án lấn biển. Đặc biệt, dự thảo đã liệt kê một loạt các khu vực không được thực hiện lấn biển nhằm đảm bảo môi trường sinh thái, quy hoạch đô thị, giao thông, an ninh quốc phòng.
Bên cạnh đó, dự thảo quy định rõ về thẩm quyền cấp Giấy phép lấn biển. Theo quy định, Bộ TN&MT cấp giấy với dự án lấn biển thuộc thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; dự án lấn biển có phạm vi ranh giới lấn biển thuộc hai hay nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; dự án lấn biển có diện tích lấn biển từ 20 ha trở lên. UBND cấp tỉnh cấp phép lấn biển đối với các dự án lấn biển còn lại.
Một trong những nội dung trọng tâm của Dự thảo Nghị định là các quy định về quản lý, sử dụng đất lấn biển. Về quản lý, dự thảo nghị định quy định UBND cấp tỉnh xác định, chỉ đạo đưa khu vực lấn biển vào phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai trong trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Sau khi khu vực biển đã được đưa vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì việc quản lý, sử dụng đất lấn biển được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Về sử dụng đất lấn biển, dự thảo nghị định quy định rõ, trường hợp giao đất, cho thuê đất lấn biển đối với dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thì UBND cấp tỉnh thực hiện giao đất cho tổ chức được lựa chọn theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đầu tư công để quản lý trong thời gian thực hiện lấn biển, xây dựng công trình hạ tầng công cộng (nếu có). Sau khi hoàn thành lấn biển và được nghiệm thu theo quy định, tổ chức được giao đất quản lý phải bàn giao toàn bộ diện tích đất lấn biển cho UBND cấp tỉnh để thực hiện giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, cá nhân sử dụng vào từng mục đích theo quy định của pháp luật về đất đai.
Được biết, ngày 17-11-2020, Quốc hội đã giao Chính phủ ban hành quy định về hoạt động lấn biển trong năm 2021 tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 của Quốc hội. Hiện nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan đang tập trung nguồn lực hoàn thiện Dự thảo các nội dung quy định trong dự thảo Nghị định. Với tất cả các quy định trên, Dự thảo Nghị định lấn biển được kỳ vọng là cơ sở pháp lý quan trọng, mang tính đầy đủ, thống nhất, đồng bộ để quản lý hiệu quả, bền vững hoạt động lấn biển.
Thảo Nguyên (theo dangcongsan.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận