Quy định về đường cơ sở theo Công ước Luật biển
VBĐVN.vn - Chế định về đường cơ sở là căn cứ xác định các vùng biển cùng với đó là quy chế pháp lý khác nhau. Cảnh sát Biển cũng như các lực lượng chức năng khác cũng sẽ căn cứ vào những vùng biển để có những hoạt động áp dụng pháp luật khác nhau...
Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của các quốc gia ven biển
Công ước Luật Biển 1982 đã qui định khá chi tiết về phương pháp thiết lập hệ thống đường cơ sở dùng để tình chiều rộng lãnh hải của quốc gia ven biển. Tuy vậy, có một số tiêu chuẩn để xác dịnh các điểm cơ sở dùng để nối các đoạn cơ sở thẳng vẫn còn chung chung, không được qui định cụ thể, rõ ràng. Những quy chuẩn chung chung này đã được chúng tôi lưu ý bằng ký hiệu chữ in nghiêng trong Điều 7 nêu ở dưới đây; ví dụ: “chuỗi các đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển…
Vì vậy, các quốc gia ven biển đã tìm mọi cách giải thích, vận dụng để xác định phạm vi và ranh giới các vùng biển và thềm lục địa có lợi nhất cho mình. Các quốc gia ven biển nằm đối diện hay kế cận nhau, khi xác định phạm vi các cùng biển và thềm lục địa theo quy định của Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã tạo ra vùng nội thủy chồng lấn, vùng lãnh hải chồng lấn, vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn và vùng thềm lục địa chồng lấn cần được tiến hành đàm phán phân định.
Đây là loại tranh chấp được hình thành trong xu hướng thay đổi có tính chất cách mạng về địa - chính trị, địa - kinh tế trên phạm vi toàn thế giới, với việc khoảng 36% diện tích biển và đại dương thế giới đã được đặt dưới chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển kể từ khi Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 ra đời.
Kết quả là trên thế giới còn khoảng 416 tranh chấp về ranh giới biển, thềm lục địa cần được hoạch định, trong đó khu vực Đông Nam châu Á có khoảng 15 tranh chấp. Tất nhiên người ta không tính đến tranh chấp được tạo thành bởi yêu sách không dựa vào các quy định của Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển 1982 hoặc cố tình giải thích và áp dụng sai Công ước này. Chẳng hạn, đường biên giới “lưỡi bò” của Trung Quốc là yêu sách đã bị lên án và bác bỏ bởi hầu hết các quốc gia trong khu vực và quốc tế, do tính chất phản khoa học và hoàn toàn đi ngược lại các tiêu chuẩn của Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Thực chất đây chính là tham vọng độc chiếm Biển Đông, biến “vùng biển không tranh chấp thành vùng biển tranh chấp”, từng bước hiện thực hóa yêu sách đường “lưỡi bò” bao lấy trên 90% diện tích Biển Đông, vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia xung quanh Biển Đông.
Đường cơ sở ven bờ lục địa
Có 2 phương pháp thiết lập hệ thống đường cơ sở: Đường cơ sở đoạn thẳng và Đường có sở theo ngấn nước thủy triều thấp nhất ven bờ lục địa.
Điều 7, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, đã quy định: Ở nơi nào bờ biển bị khoét sâu hay lồi lõm hoặc có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chay dọc theo bờ biển, phương pháp đường cơ sở thẳng nối liền các điểm thích hợp có thể dược sử dụng để kẻ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Ở nơi nào bờ biển cực kỳ không ổn định do có một châu thổ và đặc điểm tự nhiên khác, các điểm thích hợp có thể được lựa chọn theo ngấn nước triều thấp nhất nhô ra xa nhất, và ngay cả trong trường hợp về sau, ngấn nước triều thấp nhất có chuyển dịch vào bờ, các đường cơ sở đã được vạch ra vẫn có hiệu lực cho tới khi các quốc gia ven biển sửa đổi đúng theo Công ước. Tuyến đường cơ sở không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển, và các vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải găn liền với đất liền đủ đến mức được đặt dưới chế độ nội thuỷ. Các đường cơ sở thẳng không được kéo đến hoặc xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, trừ trường hợp ở đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước hoặc việc vạch các đường cơ sở thẳng đó đã được sự thừa nhận chung của quốc tế.
Trong trường hợp mà phương pháp kẻ đường cơ sở thẳng được áp dụng theo khoản 1, khi ấn định một số đoạn đường cơ sở có thể tính đến những lợi ích kinh tế riêng biệt của khu vực đó mà thực tế và tầm quan trọng của nó đã được một quá trình sử dụng lâu dài chứng minh rõ ràng. Phương pháp đường cơ sở thẳng do một quốc gia áp dụng không được làm cho lãnh hải của một quốc gia khác bị tách khỏi biển cả hoăc một vùng đặc quyền về kinh tế.
Điều 8, Luật Biển Việt Nam 2012, quy định: “Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường cơ sở sau khi được Uỷ ban thường vụ Quôc hội phê chuẩn”.Theo quy định này thì Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ngày 12 tháng 11 năm 1982 vẫn còn hiệu lực. Theo đó, “đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam là đường thẳng gẫy khúc nối liền các điểm có toạ độ ghi trong phụ lục kèm theo Tuyên bố này”.
Đường cơ sở của quốc gia quần đảo và các thực thể địa lý ở giữa biển
Phần IV, Điều 46, UNCLOS1982, đã định nghĩa: “Quốc gia quần đảo” (Etat Archipel) là một quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có khi bởi một số hòn đảo khác nữa. “Quần đảo” (Archipel) là một tổng thể các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử.
Điều 47 đã quy định: Một quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước đó với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỷ lệ số 1/1 và 9/1…
Phần IV, không có Điều khoản nào quy định phương pháp vạch đường cơ sở quần đảo không phải là quốc gia quần đảo. Vì vậy, quốc gia lục địa có chủ quyền chỉ có thể vạch đường cơ sở cho từng thực thể địa lý của quần đảo để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa cho từng thực thể địa lý đó.
Tuy vậy, Trung Quốc đã tuyên bố hệ thống đường cơ sở thẳng tại quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) năm 1996 (15-5-1996), vận dụng theo phương pháp thiết lập hệ thống đường cơ sở quốc gia quần đảo. Như vậy, Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai các quy định của Phần IV, UNCLOS1982 trong việc xác lập hệ thống đường cơ sở đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trung Quốc cũng đang tính đến việc xác lập hệ thống đường có sở ở quần đảo Trường Sa, của Việt Nam, mà họ gọi là Nam Sa, sau khi họ đã chiếm đóng được tại các thực thể là các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của các quốc gia xung quanh Biển Đông. Từ cách xác lập hệ thống đường cơ sở sai trái đó, Trung Quốc khẳng định họ có quyền xác định các “vùng biển liên quan” 200 hải lý xung quanh các quần đảo ở giữa Biển Đông. Như vậy, Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai các quy định của Phần IV, UNCLOS1982 trong việc xác lập hệ thống đường cơ sở đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
(theo thoidai.com.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận