Quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống khai thác thủy sản trái phép
Ngày 23-10-2017, EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với các sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) với lý do chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của EC về chống khai thác IUU. EC đưa ra 9 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần phải thực hiện để gỡ “thẻ vàng”. Nếu không giải quyết được các vấn đề về chống khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Trường hợp bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU.
Xuất khẩu thủy sản vào EU giảm 35%
Tại cuộc họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU ngày 13-7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, việc EC cảnh báo “thẻ vàng” đã ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU, sản lượng giảm 35% so với năm 2017. Ngoài ra, việc bị cảnh báo “thẻ vàng” cũng như việc khắc phục “thẻ vàng” chậm, không hiệu quả sẽ làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, vị thế, quan hệ ngoại giao của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng trên các diễn đàn khu vực và thế giới. Đến nay, phía EC đã tổ chức 2 đợt kiểm tra thực tế tại Việt Nam vào tháng 5-2018 và tháng 11-2019 và rút xuống còn 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện.
Trong nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC để được gỡ “thẻ vàng”, Việt Nam đã ban hành gần 100 văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện văn bản chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, quy định của Luật Thủy sản, các quy định về chống khai thác IUU. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đoàn công tác kiểm tra tại địa phương.
Bộ NN&PTNT đề xuất tập trung thực hiện ngay các biện pháp mạnh, đồng bộ, quyết liệt để ngay trong năm 2021 giảm ít nhất 40% số tàu cá vi phạm hiện nay. Mục tiêu là đến tháng 10-2022 chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tính đến nay, có gần 27.000 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt 87,45%. Hệ thống giám sát tàu cá, cơ sở dữ liệu giám sát tàu cá đã được kết nối, chia sẻ, được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đồng thời phân quyền truy cập cho các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan của Bộ Quốc phòng để thực hiện nhiệm vụ được giao, bước đầu đã đạt được kết quả trong theo dõi, quản lý tàu cá hoạt động trên biển. Số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định là trên 85.000 tàu, đạt 90,53%. Cả nước có 59 cảng được chỉ định đủ điều kiện cho công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác cho tàu cá Việt Nam cập cảng bốc dỡ thủy sản.
Nhờ các nỗ lực đó, đến nay, Việt Nam đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Tình hình tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Malaysia... giảm so với trước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sau gần 4 năm triển khai thực hiện, phía EC đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Đồng thời, khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang đi đúng hướng.
Quyết liệt hơn nữa để được gỡ “thẻ vàng”
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, việc EC đưa cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam gây ảnh hưởng đến ngành thủy sản Việt Nam và đời sống của ngư dân; ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. Vì vậy, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo để từng bước chúng ta gỡ “thẻ vàng” và tuyệt đối không để nguy cơ bị “thẻ đỏ”.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu tăng cường công tác thông tin, giải thích pháp luật, vận động ngư dân thay đổi thói quen, nhận thức rõ các hành vi vi phạm, tuyệt đối tuân thủ các quy định về khai thác thuỷ sản. Cùng với đó là rà soát, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo phòng chống khai thác IUU một cách hiệu quả.
Theo Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành, UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển phải quyết liệt hơn nữa, sâu sát hơn nữa để công tác phòng, chống khai thác IUU đạt kết quả cao, sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” vào năm 2022.
Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương có liên quan mở đợt cao điểm trong năm 2021 để tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực vùng biển chồng lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước. Đồng thời, nghiên cứu, sử dụng các công cụ hỗ trợ như máy bay không người lái... để nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát hoạt động của tàu cá trên các vùng biển có nguy cơ cao dẫn đến hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài, qua đó, kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Cùng với đó, các địa phương ven biển kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến; kiên quyết không cho tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển nếu không đảm bảo theo quy định.
Song song với công tác tuyên truyền, giám sát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, cũng cần tăng cường công tác điều tra, khởi tố hình sự các đường dây môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Thu Hằng (theo bienphong.com.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận