Tích cực tìm giải pháp quản lý Tài nguyên và Môi trường biển
VBĐVN.vn - Xây dựng hai quy hoạch nòng cốt cho quản lý Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) biển, hải đảo; hướng dẫn các địa phương thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; xây dựng “Báo cáo hiện trạng môi trường biển giai đoạn 2016-2020”… Đó là những kết quả mà Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức để tổ chức triển khai bài bản, khoa học các nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm 2021.
Quản lý hiệu quả hoạt động khai thác biển và hải đảo
Mặc dù hạn chế về đi lại và thời gian thẩm định hồ sơ song 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã thực hiện thủ tục tiếp nhận, thẩm định, trả lại hồ sơ đề nghị giao khu vực biển đúng quy định, cụ thể đã thông báo trả kết quả hồ sơ cho 04 doanh nghiệp và tiếp nhận 2 hồ sơ mới được gửi thẩm định.
Về xây dựng hai quy hoạch quan trọng làm nòng cốt cho hoạt động quản lý tài nguyên môi trường biển là Quy hoạch không gian biển quốc gia và Lập quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng cục đã xây dựng đề cương chi tiết lập quy hoạch, xây dựng bộ Tiêu chí phân vùng quy hoạch không gian biển, làm căn cứ để xây dựng quy hoạch không gian biển quốc gia; đã tổ chức tuyển chọn tư vấn lập quy hoạch và tổ chức phân công cho các tổ chức, cá nhân thực hiện.
Đối với hoạt động thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển cũng có nhiều chuyển biến tích cực vượt trội, hiện đã có 21/28 địa phương có biển ban hành Quyết định phê duyệt danh mục hành lang bảo vệ bờ biển (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Sóc Trăng; Trà Vinh, Nghệ An, Ninh Thuận, Tiền Giang, Bình Thuận, Khánh Hòa). Trong đó có 10 địa phương đã ban hành Quyết định xác định chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Sóc Trăng, Bến Tre, Nghệ An, Quảng Trị, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Bình); có 3 địa phương đã cắm mốc hành lang bảo vệ bờ biển (Quảng Ngãi, Bình Định, Bến Tre); có 5 địa phương đã có công văn gửi Bộ TNMT lấy ý kiến dự thảo danh mục hành lang bảo vệ bờ biển (Kiên Giang, Cà Mau, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng).
Đồng thời, Tổng cục đã trình và được Bộ trưởng ký ban hành Quyết định công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực biển và hải đảo thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ TN&MT; Quyết định số 836/QĐ-BTNMT sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 2495/QĐ-BTNMT về việc công bố Danh mục các điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều của vùng ven biển Việt Nam và ban hành hướng dẫn kỹ thuật xác định đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm, đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm vùng ven biển Việt Nam làm cơ sở quan trọng để giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân sử dụng vào các mục đích kinh tế khác nhau.
Đồng thời, Tổng cục cũng đã tổ chức kiểm tra thực địa theo Hồ sơ đề nghị giao khu vực biển của một số các dự án trọng điểm như: Kiểm tra và bàn giao khu vực biển phục vụ xây dựng, vận hành các hạng mục công trình của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II, Hà Tĩnh; Kiểm tra khu vực biển phục vụ khai thác khoáng sản tại khu vực biển Đình Vũ, Hải Phòng; kiểm tra khu vực biển phục vụ khai thác năng lượng gió thuộc Nhà máy điện gió Cà Mau 1D; Bbàn giao khu vực biển phục vụ nhận chìm vật, chất nạo vét duy tu luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu,…
Tích cực kiểm soát, bảo vệ môi trường biển và hải đảo
Thực hiện chức năng thanh kiểm tra, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng chuẩn bị đầy đủ các thủ tục để tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển tại các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Quảng Trị, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hoà, Kiên Giang khi hết dịch Covid19.
Đời thời đối với sự việc xảy ra Mũi Né, Bình Thuận, Tổng cục cũng đã kịp thời nắm bắt thông tin, vào cuộc hướng dẫn xử lý và xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường sự cố chìm tàu Bạch Đằng tại vùng biển Mũi Né, tỉnh Bình Thuận.
Mặt khác, Tổng cục đã hoàn thiện và trình Bộ TN&MT dự thảo “Báo cáo hiện trạng môi trường biển giai đoạn 2016-2020”.
Việc cấp giấy phép nhận chìm ở biển cũng đã được Tổng cục thực hiện một cách cẩn trọng và chặt chẽ. 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục đã tiến hành thẩm định 1 Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển của Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh ( hiện đã tổ chức Hội đồng thẩm định, chủ dự án đang chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định).
Bên cạnh đó, đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm ở biển tại Bà Rịa Vũng Tàu, Trà Vinh và Nghệ An; Thông báo chấm dứt hiệu lực của Giấy phép nhận chìm ở biển do hết hạn thời hạn của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn và Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất. Ngoài ra, Tổng cục đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Cục cảnh sát môi trường, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng để triển khai các nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước về biển, hải đảo.
Hùng Nghị (theo monre.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận