Quyết tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, xây dựng nghề cá bền vững
VBĐVN.vn - Thời gian qua, Việt Nam đã chủ động tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) trong việc thúc đẩy và triển khai có kết quả các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) tại cảnh báo “thẻ vàng” về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài đã giảm dần qua các năm sau khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, trong đó, đã ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm các nước, quốc đảo Thái Bình Dương từ năm 2018 đến nay.
Hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường thực thi pháp luật
Quan điểm nhất quán của Việt Nam là quyết tâm chống khai thác IUU, tiến tới hài hòa quy định quốc tế và phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản. Với sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, với mục tiêu xây dựng nghề cá bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế và trước mắt là gỡ “thẻ vàng” của EC, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Về xây dựng khung pháp lý theo khuyến nghị của EC, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ để nội luật hóa các quy định của EC về chống khai thác IUU và Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Thủy sản vào tháng 11-2017. Chính phủ cũng ban hành 2 Nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành 8 Thông tư hướng dẫn. Đến năm 2019, khung pháp lý cơ bản đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU.
Hiện nay, các bộ, ngành liên quan đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật phù hợp thực tiễn nghề cá Việt Nam và quy định quốc tế theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26-2019/NĐ-CP; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP). Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề nghị của Chính phủ về quy định việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong các hoạt động "khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản" tại Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/ND-CP ngày 16-5-2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chương trình, đề án, quy hoạch để phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế và chống khai thác IUU để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11-3-2021.
Cùng với việc hoàn thiện khung pháp lý, Việt Nam đã tập trung ngăn chặn, xử lý tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Theo đó, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư) tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn, các vùng trọng điểm để ngăn chặn, xử lý tàu cá có hành vi vi phạm. Đến nay, đã cơ bản ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.
Song song với ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác IUU, công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương. Năm 2020, các lực lượng chức năng, trong đó có BĐBP và các địa phương ven biển đã xử phạt trên 2.000 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 61 tỷ đồng. Năm 2021 là gần 1.700 vụ với tổng số trên 21 tỷ đồng. Năm 2022, xử phạt gần 1.000 vụ với tổng số trên 16 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, xử phạt 2.111 vụ với số tiền là hơn 44,4 tỷ đồng.
Tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài đã giảm dần qua các năm sau khi bị cảnh báo “thẻ vàng”. Từ đầu năm 2023 đến ngày 13-9-2023, tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý đã giảm 84,35% so với năm 2016. Các địa phương đã làm tốt công tác ngăn chặn, xử lý tàu cá, giảm đáng kể các vụ việc vi phạm khai thác IUU có thể kể đến: Phú Yên, Tiền Giang. Trong khi đó, một số tỉnh vẫn còn tình trạng vi phạm các quy định trong khai thác hải sản là: Bình Thuận, Bình Định, Khánh Hòa, Bến Tre, Kiên Giang.
Chủ động hợp tác quốc tế chống khai thác IUU
Với quyết tâm mạnh mẽ chống khai thác IUU, chuyển dần từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững, Việt Nam đã chủ động hợp tác với nhiều quốc gia. Trong đó, Việt Nam đã ký kết cấp Chính phủ về: Tuyên bố chung về Hợp tác quốc tế tự nguyện chống khai thác IUU với Indonesia; Biên bản ghi nhớ về sử dụng đường dây nóng chống khai thác IUU với Brunei Darussalam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về chống khai thác IUU và ký kết Bản ghi nhớ với Hoa Kỳ về thực thi pháp luật chống khai thác IUU.
Hiện, Việt Nam đang đàm phán ký kết đường dây nóng chống đánh bắt bất hợp pháp với Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang vận hành có hiệu quả hoạt động của đường dây nóng phòng, chống khai thác IUU giữa Việt Nam - Philippines; triển khai thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thủy sản với Thái Lan, Campuchia, Philippines.
Việt Nam cũng có những cam kết và đóng góp tích cực tại diễn đàn đa phương như: Chủ trì xây dựng Sáng kiến “Xây dựng lộ trình chống khai thác IUU trong ASEAN giai đoạn 2020 - 2025”; tham gia tích cực các cam kết quốc tế, khu vực về chống khai thác IUU; thực hiện đầy đủ trách nhiệm của quốc gia không phải là thành viên nhưng là bên hợp tác của Tổ chức quản lý nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương. Hợp tác với các tổ chức quốc tế như Trung tâm phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC), Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) để triển khai các giải pháp thực hiện các quy định biện pháp quốc gia có cảng, truy xuất nguồn gốc điện tử, chuyển tải trên biển.
Bích Nguyên (bienphong.com.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận