Rác thải xâm chiếm các đảo miền Trung: Bài 1: Rác chiếm đảo

09:49 08-08-2024

VBĐVN.vn - Những ngày tháng 5 cháy nắng, chúng tôi theo chân các đoàn khách du lịch thực hiện nhiều hành trình ra thăm các đảo, huyện đảo thuộc các tỉnh, thành phố dọc biển miền Trung. Có đi và tận mắt chứng kiến cuộc sống ở đảo, từ các đảo ở Thanh Hóa, Nghệ An, Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), đến Cù Lao Xanh (Bình Định), Bình Ba (Khánh Hòa)… mới thấy thực trạng chung đáng báo động: Rác thải đang “xâm chiếm” đảo!

Việt Nam có 3.260km đường bờ biển chạy dọc 28 tỉnh, thành phố, có vùng biển rộng hơn 1 triệu km2, trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa, Trường Sa với khoảng 1.000 bãi đá ngầm. Các đảo và quần đảo có diện tích khoảng 1.700 km2, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế biển và bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia.

Vùng biển rộng cùng các đảo, quần đảo xinh đẹp đã mang lại nguồn lợi rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, biển, đảo cũng đang chịu áp lực rất lớn từ rác. Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Trong đó, có 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn thải ra biển - chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới. Đáng quan ngại hơn, chỉ 27% lượng rác thải nêu trên được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.

Nhập chú thích
Nhập chú thích

Thực tế cho thấy, dọc duyên hải miền Trung với chiều dài bờ biển hơn 1 nghìn km; cùng 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ và các đảo, xã đảo thuộc các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, tình trạng rác thải nhựa đang tồn tại tràn lan không những gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nếu có dịp đi dọc nhiều khu vực ven biển, đặt chân đến nhiều đảo, quần đảo ở nước ta, không khó để bắt gặp hình ảnh tràn lan rác thải nhựa. Các chuyên gia về môi trường cảnh báo, nếu các quốc gia không sớm có những giải pháp quyết liệt và hiệu quả để xử lý chất thải nhựa thì viễn cảnh xảy ra một “thảm họa môi trường” là khó tránh khỏi.

Nhập chú thích

Trong khi đó, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong suốt nhiều năm qua là: Việt Nam luôn coi bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu; “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá”.

Tại Việt Nam, hành lang pháp lý cho việc hạn chế sử dụng cũng như xử lý rác thải nhựa đã có. Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định rõ: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương. Ngoài ra, chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý.

Quy định là vậy, nhưng thực tế, việc triển khai thực hiện tại nhiều đảo, huyện đảo của nước ta chưa hiệu quả. Nguyên nhân được nhắc đến nhiều hơn cả là do ý thức của người dân và du khách chưa cao; nguồn lực đầu tư cho công tác tuyên truyền, xử lý còn hạn chế… Với tất cả các lý do đó, rác thải ngày một nhiều lên, tồn tại song hành và âm thầm gây hại cho công cuộc phát triển kinh tế, cho cuộc sống và sức khỏe của người dân.

Để bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, phóng viên đã có chuyến khảo sát, ghi nhận thực tế tại nhiều đảo dọc các tỉnh duyên hải miền Trung. Trên hành trình của mình, các phóng viên đã có dịp gặp gỡ, trao đổi với nhiều nhân chứng là những ngư dân, người dân sống trên đảo, là người lái tàu đưa đón du khách, lãnh đạo chính quyền các cấp, các chuyên gia, các nhà khoa học tâm huyết với môi trường biển đảo quê hương…

Nhập chú thích

Chuyến đi với mong muốn tái hiện lại một cách toàn diện nhất bức tranh thực trạng vấn nạn rác thải đang tồn tại trên các đảo thuộc miền Trung Việt Nam hiện nay, cách mà chính quyền và người dân đang ứng xử với nó và cao hơn là biểu dương những mô hình xử lý rác hiệu quả, từ đó nhân rộng trên phạm vi cả nước, chung tay giữ gìn biển đảo ngày một thêm “xanh”.

Thiên đường xanh "ngập rác"

Điểm đầu tiên trong chuyến hành trình của chúng tôi là huyện đảo Cồn Cỏ. Đây là đơn vị hành chính thứ 10 trực thuộc tỉnh Quảng Trị, được thành lập bởi Nghị định số 174/2004/NĐ-CP ngày 1/10/2004 của Chính phủ. Đảo có diện tích 229,84 ha, nằm cách biển Cửa Việt khoảng 31km.

Trong bản đồ địa chính trị, Cồn Cỏ có vai trò hết sức quan trọng trong công tác phòng thủ lãnh hải, lãnh thổ và phát triển kinh tế xã hội của hệ thống đảo và hải đảo Việt Nam. Trước năm 2002, trên đảo chỉ có lực lượng vũ trang đóng quân, không có dân cư sinh sống. Cho đến năm 2004, huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập, khu dân cư Thanh Niên ra đời với 15 nhà bê tông cốt thép kiên cố được chính quyền địa phương đầu tư, cung cấp cho người dân lên đảo sinh sống. Đến nay, số hộ trên đảo là 24 hộ. Dân cư trên đảo được chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để ổn định cuộc sống.

Lê Nhật Hải đứng giữa 1 “bãi rác” ven biển Cồn Cỏ. Ảnh: Thanh Tùng

Theo ông Lê Nhật Hải, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Xã hội huyện đảo Cồn Đảo, do cư dân sinh sống trên đảo ít nên nguồn phát sinh rác thải sinh hoạt như thực phẩm thừa, túi nilon, giấy vụn, chai, lon, vỏ hoa quả không đáng kể. Tuy nhiên, những năm qua, số lượng du khách ra đảo tham quan ngày càng nhiều, khiến lượng rác tăng cao. Trung bình hiện nay, mỗi năm đảo đón trên 10.000 du khách và đang có xu hướng tiếp tục tăng lên.

“Để xử lý lượng rác này, huyện đã tổ chức đội vệ sinh môi trường gồm 3 người để quét dọn, thu gom rác từ các hộ gia đình và đem đốt tại lò đốt rác trên đảo. Đối với lượng rác thải nhựa phát sinh từ du khách, huyện đã bố trí nhiều thùng rác và yêu cầu các tàu du lịch đưa khách ra đảo tuyên truyền, vận động du khách sử dụng vật liệu thay thế, thân thiện với môi trường”, ông Hải cho biết.

Chai nhựa, túi nhựa ni lông, thùng xốp… đang trở thành vấn nạn nghiêm trọng về môi trường tại Cồn Cỏ. Ảnh: Thanh Tùng

Trưa tháng 5, trời Cồn Cỏ nắng gắt và vắng lặng. Nhiệt độ ngoài trời có cảm giác lên tới hơn 40 độ C dù được bao phủ bởi hơi nước và bao quanh bởi cây xanh. Nắng nóng khiến du khách đến đảo sau bữa ăn trưa đều trốn vào phòng nghỉ mát. Mùa này, mọi hoạt động ngoài trời được khuyến cáo diễn ra sau 15 giờ.

Có thể nói, Cồn Cỏ có hệ sinh thái rất phong phú, cây cối quanh năm xanh mướt. Hoa dại bìa rừng và hoa trồng dọc các con đường, trong khuôn viên các cơ quan huyện bung nở rực rỡ trong nắng. Đảo Cồn Cỏ có bãi tắm chất lượng tốt, nước biển trong xanh, cảnh quan đẹp, là lợi thế hình thành sản phẩm du lịch gắn liền với biển như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch thể thao biển.

Các ngư cụ hỏng là loại rác thải đại đương phổ biến ở Cồn Cỏ. Ảnh: Thanh Tùng

Tuy nhiên, trái với cảnh nước biển trong xanh, hút du khách, Cồn Cỏ thực sự đang bị rác thải nhựa trôi dạt từ biển “xâm chiếm” ở mức rất nghiêm trọng. Đi dọc bờ kè từ bến Sông Hương đến khu vực Hầm Quân Y dài khoảng 2km, có thể bắt gặp vô số rác thải nhựa vứt ngổn ngang. Rác tràn lan khắp bờ kè, len lỏi trong các kẽ đá sát mặt nước. Các loại rác thải phổ biến có thể nhìn thấy ở bất cứ đâu như: chai nhựa, mảnh nhựa mềm, lưới đánh cá hỏng, túi nhựa ni lông, thùng xốp, các thanh gỗ, dép cao su, chai thủy tinh,… trôi dập dờn theo nhịp sóng. Rác theo thủy triều tiến sâu vào đất liền, mắc kẹt trong các hốc đá bờ kè và ở lại đó. Có đoạn, mặt biển trắng xóa thùng xốp, chai nhựa nổi lềnh bềnh, rất mất mỹ quan.

Đáng lo ngại hơn, theo quan sát của phóng viên, ngoài đoạn đê kè từ bến Sông Hương đến khu vực Hầm Quân Y được “thi thoảng” dọn dẹp vệ sinh, trên đảo Cồn Cỏ còn khoảng 6-7km bờ biển người dân khó tiếp cận nên công tác dọn dẹp rác thải nhựa đại dương chưa được thực hiện. Thực tế là ở đoạn bờ biển này cũng đang bị ô nhiễm rác thải rất nghiêm trọng!

Chưa có một báo cáo thống kê đầy đủ về lượng rác thải sinh hoạt và rác thải đại dương đang tồn tại và đã được xử lý hàng năm trên đảo Cồn Cỏ. Nhưng khi được hỏi đánh giá về mức độ ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại đây, ông Lê Nhật Hải buồn rầu thừa nhận: “Nghiêm trọng!”.

Nỗi lo "đảo ngọc" thành "đảo rác"

Sau Cồn Cỏ, điểm đến tiếp theo trong chuyến hành trình của chúng tôi là đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Lý Sơn là đảo tiền tiêu của Tổ quốc, là quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa hào hùng xa xưa. Trước đây, để ra được Lý Sơn là điều không dễ, vì phương tiện đi lại còn nhiều khó khăn. Giờ đây, làm một tour du lịch biển đảo Lý Sơn đã dễ dàng hơn nhiều. Từ thành phố Quảng Ngãi đi theo quốc lộ 24B về cảng Sa Kỳ, mất gần hai giờ đồng hồ bằng tàu cao tốc vượt 15 hải lý đường biển (khoảng 24 km) là đến.

Vì vậy mà vài năm trở lại đây, huyện đảo Lý Sơn chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ khi du khách đến đây ngày càng nhiều. Từ 36.000 lượt khách năm 2014, đến nay là gần 300.000 lượt khách mỗi năm. Đây là lợi thế vô cùng lớn để phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, lượng khách càng tăng thì áp lực về môi trường càng lớn.

Thùng Xốp, chai nhựa là những loại rác thải dễ nhìn thấy trên mặt biển Lý Sơn. Ảnh: Lan Anh

Tính toán của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lý Sơn cho thấy, với hơn 2,2 vạn dân trên đảo cùng với lượng khách du lịch “khổng lồ”, số lượng rác thu gom trung bình mỗi ngày lên đến 25 tấn. Lượng rác này bao gồm cả rác thải sinh hoạt và rác trôi dạt vào bờ biển, thời điểm cao nhất có thể đạt 26 - 30 tấn/ngày vào các tháng cao điểm mùa du lịch.

Theo ghi nhận của phóng viên, so với những năm trước, huyện Lý Sơn cũng đã thay đổi rất nhiều. Rác đã được thu gom mang đi xử lý. Tuy vậy, với đặc thù là một huyện đảo phải “gánh” một lượng lớn rác thải từ ngoài biển tấp vào, cộng thêm việc vứt rác bừa bãi của người dân, du khách làm cho lượng rác thải ở đây ngày càng dày đặc. Trong khi đó, công tác thu gom xử lý, phân loại rác tại nguồn tại huyện đảo chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được thực trạng do nguồn kinh phí hạn hẹp.

Các công nhân vệ sinh đang thu dọn rác trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Lan Anh

Tại nhiều vị trí bờ kè, khu vực cầu cảng hay thậm chí là ngay ở những dãy đá nham thạch sần sùi Hang Câu hay trên bậc thềm chùa Hang cũng có thể nhìn thấy rác. Từ các loại chai lọ nhựa, hộp xốp, bao nilon đến ngư cụ đánh bắt của ngư dân… rất khó phân hủy và tồn lưu trong môi trường. Lượng rác nhựa hiện có không chỉ làm cho cảnh quan của thiên đường xanh Lý Sơn xấu đi rất nhiều trong mắt du khách mà còn có thể dẫn đến môi trường sinh thái biển bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nuôi trồng thủy sản ven biển.

Áp lực rất lớn từ rác

Cùng với Cồn Cỏ và Lý Sơn, Nhơn Châu (thuộc thành phố Quy Nhơn, Bình Định) cũng đang đối mặt với áp lực rất lớn từ lượng rác ngày càng gia tăng. Nhơn Châu còn có tên gọi là Cù Lao Xanh, là xã đảo tiền tiêu của Tổ quốc, xung quanh biển bao bọc, chu vi quanh đảo khoảng 15km. Xã nằm cách đất liền thành phố Quy Nhơn 24km về phía Đông Nam và cách bờ biển tỉnh Phú Yên 12km về phía Đông Bắc.

Nhơn Châu có điều kiện tự nhiên hết sức khắc nghiệt, luôn chịu ảnh hưởng của mưa bão, triều cường. Giao thông đi lại, ra vào đất liền bằng đường biển, phương tiện di chuyển bằng thuyền gỗ (tàu cá) hoặc cano. Vào mùa mưa, gió bão, việc đi lại, vận chuyển từ xã vào đất liền hầu như rất hạn chế, hoặc không hoạt động.

Diện tích tự nhiên của Nhơn Châu là 362,14 ha, có 596 hộ dân, 2.145 nhân khẩu, được chia thành 3 thôn: thôn Tây, thôn Trung và thôn Đông. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác thủy sản ven bờ, chiếm 75% tổng số hộ và 25% làm các loại nghề buôn bán nhỏ, một phần nhỏ người dân làm dịch vụ du lịch. Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định cho biết, khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn xã Nhơn Châu được thu gom khoảng 34,894 tấn/tháng, công tác thu gom, vận chuyển rác do 6 hộ dân tại 3 thôn thực hiện với tần suất 7 lần/tuần.

Tuy nhiên, lượng du khách đến đảo Nhơn Châu ngày càng tăng lên. Thống kê cho thấy, hiện nay bình quân du khách đến với đảo từ 50 - 100 người/ngày, thời điểm mùa du lịch thì khoảng 200 - 300 người/ngày. Dự kiến, lượng khách du lịch đến xã trong tương lai sẽ tăng lên khoảng 500 - 1.000 người/ngày. Điều này một mặt sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của xã đảo, nhưng mặt khác cũng tạo thêm áp lực cho công tác xử lý rác thải đang ngày một nhiều lên. Đây là điều đáng lo ngại mà Nhơn Châu đang phải đối mặt.

Đảo Cù Lao Xanh nhìn từ trên cao

“Rác thải đang ngày một nhiều lên” là tình cảnh chung ở hầu khắp tất cả các đảo dọc biển miền Trung mà chúng tôi đã có dịp tận mắt chứng kiến hoặc xác nhận thông tin qua cơ quan chức năng sở tại. Từ các đảo quân sự như Đảo Mê, Đảo Nẹ (Thanh Hóa), đến các đảo có người sinh sống và đang đón lượng khách du lịch ngày một nhiều lên như Hòn NgưHòn Ngư (Nghệ An), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cù Lao Xanh (Bình Định), Điệp Sơn, Bình Hưng (Khánh Hòa), San Hô (Ninh Thuận)…

Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin, các đảo miền Trung như Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Hòn Mun và Hòn Cau đều đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Khối lượng chất thải nhựa tại các bãi biển của các đảo này đều lớn hơn tổng khối lượng rác thải trên bờ biển. Chất thải nhựa tại các đảo chủ yếu là các vật dụng liên quan đến hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và buôn bán thủy sản như phao xốp, dây thừng, lưới nhỏ, phao nhựa và dây câu, chiếm 44% về số lượng và 48% về khối lượng. Các loại nhựa dùng một lần chiếm 21% về số lượng và 12% về khối lượng. Các kết quả điều tra cho thấy, chỉ số bờ biển sạch (CCI) tại các bãi biển và đảo ngoài khơi được xếp ở mức ô nhiễm chất thải nhựa từ trung bình đến rất ô nhiễm.

Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị quyết số 36-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng đã đề ra các quy định cụ thể để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. Các biện pháp này bao gồm việc tăng cường quản lý và xử lý rác thải, khuyến khích tái chế và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhiều chương trình và dự án bảo vệ môi trường biển đã được triển khai nhằm thu gom, xử lý rác thải nhựa và nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa. Dù đã đạt được một số thành quả nhất định, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều thách thức lớn cần phải vượt qua.

Nhập chú thích

Có thể thấy, sự tấn công của rác đang đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân và du khách ở những nơi xưa nay vẫn được gọi với cái tên đẹp đẽ là “thiên đường xanh”, “đảo ngọc”…

Nguyễn Dũng – Thanh Tùng – Lan Anh – Đỗ Vương (baotainguyenmoitruong.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang