Rác thải xâm chiếm các đảo miền Trung: Bài 6: Xử lý vấn nạn rác thải nhựa: Quản lý hiệu quả từ đầu nguồn thải theo hướng 3T
VBĐVN.vn - “Các khu vực biển đảo trong điều kiện thực tế còn một số khó khăn về cơ sở hạ tầng xử lý chất thải rắn. Do đó, hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt của địa phương cần bám sát nguyên tắc quản lý hiệu quả từ đầu nguồn thải theo hướng 3T: Tiết giảm, Tái sử dụng và Tái chế” - Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh - Quản lý Dự án, Hợp phần Thủy sản và Khu Bảo tồn Biển, Chương trình Giảm Nhựa (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam) là người đã có nhiều năm gắn bó tâm huyết với “cuộc chiến” chống rác thải nhựa tại Việt Nam.
Để có cái nhìn tổng quan về hiện trạng, thách thức cũng như những giải pháp xử lý vấn nạn này phù hợp với điều kiện thực tế ở các đảo, huyện đảo của Việt Nam, mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung cuộc trao đổi dưới đây.
PV: Thưa bà, như chúng ta đã biết, rác thải nhựa đại dương đang trở thành vấn nạn đáng báo động tại Việt Nam. Xin bà cho biết về thực trạng này?
Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh:
Trong những năm qua, sự gia tăng nhanh dân số, sự phát triển về đời sống kinh tế - xã hội và sự phát triển của khoa học - công nghệ với những vật liệu mới tiện dụng hơn đã làm khối lượng các sản phẩm nhựa sử dụng hàng năm tại Việt Nam tăng từ 3,8 kg/người vào năm 1990 lên 41,3 kg/người vào năm 2018 và vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng phát sinh khối lượng lớn chất thải nhựa, bao gồm nilon che phủ và làm nhà kính, bao bì phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật, bạt lót đáy ao, lưới phao,... Các hoạt động du lịch - dịch vụ ở một số nơi có sự phát triển mạnh, gia tăng nhanh số lượng du khách đã làm phát sinh khối lượng lớn chất thải nhựa.
Mặt khác, với hệ thống sông ngòi chằng chịt và khí hậu gió mùa đặc trưng, Việt Nam cũng chịu nhiều rủi ro từ chất thải nhựa thất thoát ra biển, cũng như chất thải nhựa từ đại dương tấp vào các khu vực bờ biển, ven đảo. Việc thu gom, xử lý chất thải nhựa không triệt để sẽ gây phát tán vào môi trường và tích tụ trong môi trường nước, môi trường đất và môi trường trầm tích làm mất mỹ quan, suy thoái hệ sinh thái và gây nên tình trạng ô nhiễm nhựa.
Nghiêm trọng hơn, chất thải nhựa có thể gây tác động đến sức khỏe con người thông qua các quá trình hô hấp do hít phải các khí độc từ hoạt động đốt rác tự phát và quá trình tiêu hóa nguồn thức ăn, nước uống có chứa vi nhựa. Bên cạnh đó, ô nhiễm rác thải nhựa cũng là nguyên nhân trực tiếp gây tác động tới các loài sinh vật, gây suy giảm đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái biển như rạn san hô, cỏ biển và rừng ngập mặn.
PV: Được biết, WWF Việt Nam đã có nhiều dự án nghiên cứu chuyên sâu về công tác quản lý rác thải nhựa đại dương tại các đảo, huyện đảo tại Việt Nam. Bà nhận định ra sao về thực trạng rác thải nhựa đang tồn tại trên các đảo, huyện đảo của Việt Nam?
Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh:
Với sự hỗ trợ và đồng hành của nhiều đối tác tại Trung ương cũng như địa phương, chúng tôi đã thực hiện một số nghiên cứu và khảo sát về hiện trạng hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói chung và chất thải nhựa nói riêng để xác định mức tham chiếu về lượng chất thải nhựa bị thất thoát ra môi trường tại một số đảo, huyện đảo của Việt Nam.
Đây là những số liệu cơ sở quan trọng để chính quyền địa phương xác định rõ các mục tiêu cụ thể và đưa ra các giải pháp can thiệp cần thiết nhằm hướng tới mục tiêu không còn rác nhựa trong thiên nhiên trong tương lai.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận là do đặc thù nằm giữa biển và cách xa đất liền, cũng như cơ sở vật chất còn hạn chế nên hầu như các đảo, huyện đảo còn đang quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa bằng các biện pháp và giải pháp hạn chế. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, lượng rác thải ngày càng lớn và gia tăng tỉ lệ thuận theo số lượng du khách. Điều này đã gây ra hiện tượng rác bị chất đống với nhiều rủi ro bị thất thoát ra môi trường. Đặc biệt hơn nữa, một số địa phương còn hứng chịu lượng rác đại dương không nhỏ theo sóng biển và gió mùa từ khắp nơi tấp vào bờ.
Mặc dù nhiều địa phương đã rất nỗ lực với các giải pháp như sử dụng kè hay lưới chắn rác, tổ chức dọn rác thường xuyên hay định kỳ,… nhưng vẫn chưa thực sự giải quyết được tận gốc rễ vấn đề này.
Ví dụ như tại thành phố Phú Quốc, khảo sát của chúng tôi cho thấy ước tính tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh năm 2020 là 51.683 tấn, trong đó có 8.786 tấn chất thải nhựa, chiếm 17%. Mặc dù tỷ lệ thu gom chất thải của Phú Quốc là 90%, trong đó 80% được thu gom bởi hệ thống dịch vụ công cộng, 10% được thu gom qua các đơn vị, cá nhân thu mua và nhặt phế liệu, nhưng cũng chỉ có khoảng 16,5% lượng chất thải nhựa phát sinh là được thu gom tái chế chủ yếu nhờ vào hoạt động của hệ thống thu gom phi chính thức, bao gồm cả lượng rác thu gom từ các bãi lưu giữ tập trung.
Đặc biệt, tại các đảo xa như Côn Đảo, thậm chí rác thải nhựa chất lượng cao cũng không được thu gom do chi phí vận chuyển vào bờ để tái chế quá cao.
PV: Từ thực tế triển khai các dự án, bà có thể cho biết, rác thải nhựa xuất hiện tại các đảo, huyện đảo tại Việt Nam đến từ những nguồn nào? Nó đang gây nên những nguy hại gì cho môi trường và quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các đảo, quần đảo của Việt Nam?
Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh:
Để theo dõi và đánh giá tình hình ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam, WWF Việt Nam, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) đã phối hợp với 11 khu bảo tồn biển triển khai Chương trình giám sát và đánh giá rác thải nhựa bãi biển và rạn san hô trong 5 năm liên tiếp, từ 2019 đến 2023.
Theo báo cáo kết quả chương trình giám sát và đánh giá rác thải nhựa trên bãi biển và rạn san hô giai đoạn 2019 - 2022, các loại rác thải nhựa có nguồn gốc từ hoạt động thủy sản chiếm phần lớn trong tổng số rác thải nhựa trên bãi biển. Nhựa thủy sản như: phao xốp, dây thừng, lưới nhỏ, phao nhựa, dây câu chiếm 47% về số lượng và 46% về khối lượng rác thải nhựa.
Tại các rạn san hô được khảo sát năm 2022, rác thải nhựa chiếm trung bình 77.48% về số lượng và 55.45% về khối lượng, các loại rác thải khác như kim loại, thủy tinh, cao su, gỗ/giấy, vải và rác thải khác có số lượng không đáng kể. Rác nhựa có nguồn từ hoạt động khai thác thủy sản (lưới, dây câu, dây thừng) chiếm trung bình 50.81% về số lượng và 65.81% về khối lượng.
Từ kết quả của chương trình giám sát cho thấy, các hoạt động liên quan tới khai thác, nuôi trồng, buôn bán thủy sản là nguồn gây ô nhiễm rác thải nhựa nhiều nhất trên các bãi biển của các đảo, kể cả về số lượng và khối lượng. Do đó, cần mở rộng các chương trình quản lý, giám sát nguồn gây ô nhiễm rác thải nhựa này.
PV: Xin bà cho biết, tại các đảo, huyện đảo Việt Nam mà WWF đã và đang triển khai các dự án về quản lý rác thải nhựa, mô hình, sáng kiến xử lý tại các đảo, huyện đảo nào mang lại hiệu quả thiết thực nhất? Xin bà nói chi tiết về một mô hình, sáng kiến hiệu quả đó?
Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh:
Tại các địa phương mà WWF triển khai dự án về quản lý rác thải nhựa, chúng tôi không áp dụng rập khuôn cùng một bộ giải pháp mà khuyến khích mỗi địa phương học tập và ứng dụng các giải pháp một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế về hiện trạng, nguồn lực, cơ sở hạ tầng và văn hóa địa phương.
Cùng là các hoạt động giáo dục trong trường học, xóa bỏ điểm nóng thay thế bằng các công trình xanh, vận động doanh nghiệp chung tay giảm nhựa, hay vận động ngư dân mang rác về bờ,… tại mỗi địa phương cách triển khai sẽ khác nhau, sao cho phù hợp với quy mô hoạt động, đối tác, văn hoá địa phương. Do đó, việc đánh giá một mô hình, sáng kiến có hiệu quả nhất luôn gắn liền với bối cảnh địa phương.
Lấy ví dụ như mô hình trường học giảm nhựa, mặc dù dựa trên các nguyên tắc chung nhưng chúng tôi luôn xây dựng các giải pháp và kế hoạch hành động dựa trên điều kiện và nguồn lực cụ thể của từng trường. Với mô hình này, năm 2023 Dự án của WWF đã phối hợp với các trường học tại Cù Lao Chàm, Phú Quốc và Côn Đảo để xây dựng kế hoạch hành động với mục tiêu giảm thiểu ít nhất 30% lượng rác nhựa phát sinh trong trường học.
Kết quả sau một năm học, mô hình triển khai thí điểm đạt kết quả rất tích cực. Việc đẩy mạnh tuyên truyền và thực thi các quy định về hạn chế nhựa dùng 1 lần, phân loại rác thải, kết hợp với vận hành căn-tin xanh tại các trường bước đầu đã ghi nhận được những kết quả đáng khích lệ.
Điển hình như với trường THCS Lê Hồng Phong (huyện Côn Đảo) đã giảm hơn 70,95% tương ứng 12.97 kg nhóm rác thải nhựa ăn uống, theo kết quả so sánh từ 2 đợt kiểm toán rác thải đầu và cuối chương trình. Trong đó, ghi nhận loại bỏ gần như hoàn toàn các loại dụng cụ ăn uống một lần làm từ ND1L. Năm học 2024, các trường học tiếp tục duy trì và thực hiện mô hình.
Mô hình trường học giảm nhựa tại trường học ở Cù Lao Chàm đã góp phần hạn chế hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần từ hoạt động ăn uống trong trường học. Nhà trường còn thành lập được Câu lạc bộ “Em yêu biển đảo quê em” với các hoạt động sinh hoạt định kỳ hàng tháng với các chủ đề về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải, tham gia các hoạt động tương tác truyền thông giảm thiểu rác thải nhựa cho cộng đồng.
Từ những kết quả trên cho thấy, mô hình này đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần quản lý hiệu quả và giảm thiểu rác thải nhựa trong trường học, đồng thời mô hình cũng có ý nghĩa về mặt giáo dục cho các thế hệ tương lai, duy trì sự bền vững của mô hình nói riêng, và đóng góp hiệu quả cho mục tiêu chung về quản lý rác thải của địa phương.
PV: Một cách tổng quát, để biển đảo Việt Nam thêm xanh, theo WWF Việt Nam, đâu là các giải pháp bền vững nhất trong việc xử lý vấn nạn rác thải nhựa đại dương đang tồn tại trên các đảo, quần đảo tại Việt Nam, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh:
Như đã đề cập, các khu vực biển đảo trong điều kiện thực tế còn một số khó khăn về cơ sở hạ tầng xử lý chất thải rắn. Do đó, hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt của địa phương cần bám sát nguyên tắc quản lý hiệu quả từ đầu nguồn thải theo hướng 3T (Tiết giảm, Tái sử dụng và Tái chế). Một số quy chế đặc thù về việc hạn chế mang các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilong khó phân hủy sinh học cần được khuyến khích áp dụng để giảm thiểu tối đa lượng rác phát sinh.
Đồng thời, cần thúc đẩy các giải pháp nhằm phân loại và xử lý các loại rác thải tại nguồn nhằm tái sử dụng và tái chế rác thải, xây dựng chu trình tuần hoàn tài nguyên từ rác thải ngay tại địa phương.
Rác thải nhựa phát thải từ tất các cả hoạt động trên và xung quanh các đảo, vì vậy việc giảm thiểu rác nhựa sẽ cần sự tham gia, chung tay của tất cả các bên liên quan, từ chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp hoạt động trên đảo, gần đảo và khách du lịch đến đảo,…
Đối với vấn nạn rác thải nhựa đại dương, để giảm thiểu lượng rác nhựa đại dương tồn đọng trong môi trường, các địa phương biển đảo cần xây dựng các chương trình truyền thông và phong trào trong cộng đồng nhằm huy động và đa dạng hóa các nguồn lực xã hội để đầu tư thực hiện định kỳ hoạt động thu gom làm sạch bãi biển và hệ sinh thái biển.
Đồng thời với các hoạt động vệ sinh định kỳ, các đảo cần chú trọng công tác tuyên truyền và hỗ trợ thu gom rác thải nhựa từ các hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, và hoạt động tham quan du lịch để giảm thiểu nguồn rác nhựa phát sinh từ các hoạt động trên biển.
Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng hiện nay, đặc biệt là các khu vực ven biển và hải đảo, việc đầu tư trang thiết bị, hiện đại hóa trong xử lý rác thải là không thể thiếu, đáp ứng tốc độ gia tăng rác thải trên đảo cũng như xử lý rác thải từ đại dương tấp vào đảo, bảo vệ hệ sinh thái biển, đảm bảo môi trường biển đảo sạch đẹp, vì sức khỏe và sinh kế của cộng đồng, tương lai kinh doanh bền vững của các doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn bà!
Thực hiện: Nguyễn Dũng – Thanh Tùng – Lan Anh – Đỗ Vương (baotainguyenmoitruong.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận