Sắc xanh trên quần đảo Trường Sa
VBĐVN.vn - Sau hải trình dài vượt sóng, đoàn công tác chúng tôi đến với đảo Song Tử Tây (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Khác với hình dung ban đầu về những hòn đảo hoang sơ, cằn cỗi, khi tàu còn cách đảo khoảng 1,5 hải lý, chúng tôi đã nhìn thấy một màu xanh mướt mát phủ kín đảo. Càng đến gần, nhiều người càng trầm trồ, ngạc nhiên khi thấy giữa mênh mông biển khơi, nắng cháy mà đảo có rất nhiều cây xanh đang đâm chồi, nảy lộc.
Vừa đặt chân lên đảo Song Tử Tây, chúng tôi được Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo đón ngay từ cầu cảng và dẫn vào trung tâm xã đảo. Anh giới thiệu: “Để có được hòn đảo xanh, đẹp như hiện nay là sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân xã đảo và có sự chung tay, góp sức của người dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài. Những năm gần đây, Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” do Quân chủng Hải quân chủ trì tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn của chính quyền, người dân trong cả nước, đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần quan trọng trong việc cải thiện, làm thay đổi môi trường sống trên đảo”.
Sải bước trên con đường nội bộ được trải bê tông phẳng lì dưới tán cây xanh rợp mát, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nghe anh Khương kể, 2 năm trước, hòn đảo này phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão Rai gây ra, gió bão tàn phá hầu hết cây trên đảo. Nhưng với ý chí quyết tâm vượt khó, quân và dân trên đảo đã đồng lòng, sát cánh, nhanh chóng khắc phục, trồng lại cây, phủ xanh hòn đảo. Trên đường vào xã đảo, tôi thấy có nhiều cây to, mỗi cây có dáng đẹp riêng, lạ mắt, được tạo bởi những đợt gió bão mà bàn tay nghệ nhân khó tạo ra được. Nhìn ngắm những hàng cây ấy mới thấy, mỗi gốc cây, luống hoa, thảm cỏ ở đây đều thấm đẫm nắng gió Trường Sa và công sức chăm sóc của bao thế hệ.
Cũng giống như Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn thường xuyên chịu ảnh hưởng của nắng, gió, bão biển, đất trồng trên đảo chủ yếu là cát san hô trắng. Nhưng đi tham quan xung quanh đảo, chúng tôi thấy rất nhiều loại cây đang đâm chồi, nảy lộc. Được biết, ngoài giống cây, phân bón được vận chuyển từ đất liền, bộ đội và nhân dân trên đảo Sinh Tồn đã có nhiều cách làm sáng tạo để cải tạo đất, chăm sóc cây xanh. Dẫn chúng tôi đến vườn ươm cây, Trung tá Phạm Sỹ Thoại, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn cho biết: “Chúng tôi thực hiện nhiều biện pháp để thích ứng, khắc chế với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt trên đảo, tích cực tự ươm và trồng nhiều cây xanh. Năm 2023, quân và dân trên đảo tự chiết được khoảng 1.000 cây xanh các loại như bàng quả vuông, tra, phong ba, mù u... Ngoài những cây bóng mát, bộ đội và nhân dân trên đảo còn trồng rất nhiều loài cây ăn quả như chuối, đu đủ, na, dừa...”.
Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ trên đảo, tôi được nghe các anh chia sẻ: Trồng cây đã khó, trồng rau ở Trường Sa còn vất vả hơn nhiều. Trên các đảo nổi như Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông... có nhiều đất nền và được cải tạo nên bộ đội và nhân dân quy hoạch, xây dựng thành những vườn rau quy mô lớn, trồng đa dạng nhiều loại cây, tự túc được phần lớn nhu cầu rau xanh trong bữa ăn. Đối với các đảo chìm, diện tích nhỏ hẹp, đất trồng rau hạn chế nên cán bộ, chiến sĩ làm thành những vườn rau nhỏ. Được sự quan tâm của các cấp và nhân dân cả nước, những năm gần đây, trên các đảo chìm được đầu tư xây dựng vườn rau chắc chắn, có máy lọc nước biển thành nước lợ và bể chứa nước ngầm thể tích lớn nên nước tưới rau không còn khó khăn như trước đây. Hiện trên các đảo chìm đều có vườn rau rộng khoảng 40m2, bên trong có hệ thống thùng làm bằng nhựa Composite để trồng các loại rau.
Ở nơi mà mỗi năm có hơn 300 ngày nắng nóng, khí hậu khắc nghiệt, gió bão mang theo nước biển mặn tạt vào, vậy mà màu xanh của cây và rau vẫn phủ kín cả đảo nổi, đảo chìm. Để có được sự kỳ diệu ấy là cả quá trình đầy gian nan, vất vả của bộ đội và nhân dân nơi đảo xa. Nhờ sự nỗ lực không ngừng mà quân, dân trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa đã chủ động phần lớn rau xanh trong bữa ăn, qua đó, góp phần nâng cao đời sống, sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
TRẦN QUỲNH
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận