Sóc Trăng: Cải hoán tàu cá giữ an toàn cho ngư dân

09:41 06-08-2024

VBĐVN.vn - Để bảo đảm an toàn cho ngư dân và tàu thuyền vươn khơi, bám biển dài ngày, việc tuân thủ các quy định về tu bổ, sửa chữa, cải hoán tàu cá là cần thiết.

Thực hiện đúng các quy định về cải hoán tàu cá là điều kiện cần thiết bảo vệ an toàn cho ngư dân và phương tiện khi hoạt động trên biển. Ảnh: Văn Vũ.

Công suất sửa chữa, cải hoán tàu cá còn hạn chế

Nghề đánh bắt, khai thác hải sản ở Sóc Trăng những năm qua có bước phát triển lớn mạnh, với sản lượng khai thác hằng năm trên 60.000 tấn. Số lượng tàu có công suất lớn tăng nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu hoạt động của ngư dân.

Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích mang lại từ ngư trường khai thác rộng lớn ở khu vực biển Đông, hoạt động khai thác, đánh bắt của ngư dân luôn tiềm ẩn những rủi ro do tác động từ thời tiết, khí hậu.

Bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở các chủ tàu trang bị các thiết bị cứu hộ, cứu nạn. Công tác tuyên truyền các quy định về cải hoán tàu cá luôn được tỉnh Sóc Trăng quan tâm, nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển.

Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 801 tàu đánh bắt thủy hải sản đã đăng ký, với tổng công suất trên 204.500CV. Trong đó, tàu khai thác xa bờ có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 344 tàu.

Do tàu cá hoạt động thường xuyên, quanh năm, nhất là với tàu khai thác xa bờ, sử dụng máy có công suất lớn. Do đó, để đảm bảo an toàn vươn khơi, bám biển dài ngày hơn, nâng cao sản lượng khai thác, vấn đề tu bổ, sửa chữa, cải hoán tàu là điều cần thiết.

Ngư dân Nguyễn Văn Thơ ở thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề nhiều năm gắn bó với nghề đi biển, ông đánh giá việc cải hoán tàu cá rất quan trọng. Bởi với những tàu công suất nhỏ, một khi bị yếu, nếu không được sửa chữa kịp thời, bản thân ông khó an lòng khi ra khơi, do không đảm bảo an toàn.

Hiện nay, phần lớn các tàu cá ở huyện Trần Đề có thiết kế vỏ gỗ, luồn lách làm từ xi măng. Trong khi đó, các thiết bị máy móc ngày càng tân tiến với công suất lớn, khiến tàu cá chịu tác động lực đẩy và tiêu hao nhiều năng lượng.

Thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, trung bình mỗi năm, địa phương có gần 20 tàu cá có nhu cầu sửa chữa, cải hoán hoặc đóng mới. Thế nhưng, toàn tỉnh chỉ có 1 cơ sở đủ điều kiện thực hiện các công việc này, đặt tại Cảng cá Trần Đề (huyện Trần Đề), với công suất hạn chế, từ 10-12 tàu. Do đó, chưa đáp ứng được nhu cầu và tiến độ sửa chữa của bà con ngư dân.

Tỉnh Sóc Trăng có 801 tàu cá đã đăng ký, trong đó số lượng tàu được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia VnFishbase là 324 tàu. Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh đó, đặc thù hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân trong tỉnh theo hình thức “cha truyền con nối”, tình trạng chủ tàu cá tự phát sửa chữa, cải hoán các loại máy móc không báo cáo, không thực hiện theo đúng quy định vẫn còn diễn ra.

Điều này đặt ra thách thức cho nghề khai thác hải sản, khi ngư dân vươn khơi bám biển dài ngày, nếu chất lượng tàu cá không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi tham gia sản xuất trên biển.

Ông Lư Tấn Hòa, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết, theo quy định, bà con ngư dân khi muốn thực hiện sửa chữa, cải hoán tàu cá, phải liên hệ với đơn vị chuyên thiết kế, cải hoán tàu.

Sau khi có hồ sơ thiết kế và được cơ sở đăng kiểm phê duyệt theo quy định, ngư dân tiếp tục liên hệ với Trung tâm hành chính công của tỉnh để thực hiện thủ tục là gửi đơn yêu cầu sửa chữa, cải hoán đến Chi cục Thủy sản.

Sau khi nhận được đơn yêu cầu, Chi cục Thủy sản sẽ xem xét, hỗ trợ ngư dân trong thời gian sớm nhất để ngư dân có đủ điều kiện cải hoán.

Ông Hòa cũng lưu ý, mọi hoạt động sửa chữa, cải hoán tàu cá phải được thực hiện tại những cơ sở đã được công nhận đủ điều kiện. Nhất là thực hiện đúng quy trình khai báo khi có nhu cầu, đảm bảo tàu đạt chất lượng thiết kế, an toàn.

Việc sửa chữa, cải hoán tàu cá đi vào nề nếp

Hiện nay, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã ban hành nhiều Nghị định, Thông tư, hướng dẫn thực hiện việc cải hoán đóng mới tàu cá. Điển hình, Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có quy định 3 loại cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá.

Hiện nay, đã có nhiều Nghị định, Thông tư, hướng dẫn giúp ngư dân thực hiện việc cải hoán, đóng mới tàu cá một cách an toàn, chất lượng. Ảnh: Văn Vũ.

Tại Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT có hiệu lực ngày 1/1/2019 của Bộ NN-PTNT, quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá. Trong đó cũng đưa ra những quy định chủ tàu cần thực hiện trước khi thi công đóng mới, cải hoán, sửa chữa phục hồi tàu cá.

Bên cạnh đó, tại Điều 63, Luật Thủy sản 2017 đã quy định rõ, các điều kiện đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá. Theo đó, cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá khi đáp ứng các điều kiện như: cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp; có phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với chủng loại, kích cỡ tàu cá được đóng mới, cải hoán; có nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh; có hệ thống quản lý chất lượng, quy trình công nghệ đáp ứng yêu cầu...

Các văn bản trên được đưa ra nhằm giúp tàu cá thực hiện đúng quy định về cải hoán, đóng mới. Đảm bảo các tàu cá được sửa chữa, đóng mới một cách an toàn, chất lượng.

Đến nay, nhận thức của ngư dân trong việc chấp hành các quy định về đóng mới, sửa chữa, cải hoán tàu cá đã được nâng cao đáng kể. Đa số bà con đều báo cáo đầy đủ đến cơ quan có thẩm quyền khi di chuyển tàu đến ụ tàu hoặc nhờ cơ quan chuyên môn tiến hành thẩm định về thiết kế kỹ thuật, các loại máy móc được trang bị.

Các đội tàu khai thác xa bờ thường xuyên thực hiện hoạt động sửa chữa, cải hoán, theo hướng sử dụng vật liệu chất lượng, công nghệ nhẹ, ít tiêu hao nhiên liệu. Ảnh: Kim Anh.

Mặc dù cơ sở sửa chữa, cải hoán tàu cá còn hạn chế về công suất, tuy nhiên do đặt tại huyện Trần Đề, cửa ngỏ vươn ra biển. Khu vực này tập trung hầu hết tàu thuyền hoạt động khai thác vùng khơi cũng như ven bờ. Nhờ đó, công tác sửa chữa, cải hoán tàu cá được kịp thời, cũng như thực hiện đúng quy định, đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển.

Theo quy trình, mỗi khi muốn đưa tàu cá lên bờ sửa chữa hay thay đổi máy móc do hao mòn, hư hỏng, ông Phạm Văn Út Anh ở thị trấn Trần Đề đều liên hệ Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan. Đồng thời, sau khi hoàn thành việc sửa chữa, trước khi tàu được đưa xuống ụ tàu, ông tiếp tục báo cáo chi cục để kiểm tra các yêu cầu kỹ thuật, thực hiện tái đăng kiểm.

Hằng năm, các đội tàu khai thác xa bờ thường xuyên thực hiện hoạt động sửa chữa, cải hoán, theo hướng sử dụng vật liệu chất lượng, công nghệ nhẹ, ít tiêu hao nhiên liệu. Đến nay, hoạt động này từng bước đi vào nề nếp, đúng quy định, đảm bảo mỗi chuyến vươn khơi mang lại hiệu quả cao nhất.

Kim Anh - Văn Vũ (nongnghiep.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang