Tài trí, bản lĩnh chiến sĩ tàu không số Hoàng Thanh Loan

21:12 13-10-2021

VBĐVN.vn - Tròn 5 năm làm nhiệm vụ trên tàu không số, với bản lĩnh, tài trí và sự quyết đoán, Hoàng Thanh Loan cùng đồng đội điều khiển những chuyến tàu đạp sóng dữ, vượt bão tố, vượt qua sự truy đuổi gắt gao của kẻ thù, đưa hàng cập bến an toàn, bổ sung vũ khí cho quân và dân miền Nam đánh Mỹ.

Chân dung Anh hùng LLVT nhân dân-liệt sĩ Hoàng Thanh Loan được người đồng đội Lê Xuân Khảm phác họa sống động qua những câu chuyện chiến đấu dũng cảm, mưu trí, khiến ai cũng khâm phục, trân trọng.

Quả cảm, mưu trí trong chiến đấu

Hoàng Thanh Loan sinh năm 1942, tại thôn Minh Châu, xã Trân Châu, huyện Cát Hải (TP Hải Phòng). Anh nhập ngũ tháng 2-1961 và tháng 9-1964 được điều về Đoàn 125 (Quân chủng Hải quân), là chiến sĩ Tàu 69.

Trong trí nhớ của cựu chiến binh Lê Xuân Khảm, Hoàng Thanh Loan là người thông minh, dí dỏm, khí phách-một trong những người lái tàu cừ khôi của Đoàn tàu không số. Nhờ bản lĩnh, tài trí của anh mà trận hải chiến diễn ra đêm 1-1, rạng sáng 2-1-1967, Tàu 69 không bị rơi vào tay kẻ thù, bảo đảm bí mật con đường chuyên chở vũ khí, hàng hóa, đạn dược trên biển vào miền Nam. Sau khi đổ hàng ở bến Vàm Lũng (Cà Mau), lợi dụng thời điểm địch đang đón Tết dương lịch, buông lỏng kiểm soát, Tàu 69 lên đường về hậu cứ Hải Phòng. Tuy nhiên, địch nắm được kế hoạch ra Bắc của Tàu 69 nên cho tàu chiến ra đón lõng ngoài khơi, cách bến Vàm Lũng khoảng 30 hải lý. Giữa biển trời mênh mông, Tàu 69 bị các tàu chiến, máy bay của địch siết chặt vòng vây và nã đạn uy hiếp. Trước tình huống đó, thuyền trưởng Tàu 69 lệnh cho Hoàng Thanh Loan đưa tàu quay đầu vào bờ.

Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Hoàng Thanh Loan (ở giữa) ngày mới nhập ngũ. Ảnh do cựu chiến binh Lê Xuân Khảm cung cấp

Để tránh đạn pháo của địch, Hoàng Thanh Loan tăng tốc tối đa, chạy dích dắc, còn cán bộ, chiến sĩ dùng súng B40, DKZ, súng máy phòng không 12,7mm nã đạn vào đội hình của địch, tiêu diệt 2 tàu chiến của chúng và làm tàu còn lại bị hỏng nặng. Bị ta gây thiệt hại lớn nên chúng càng điên cuồng tấn công, tập trung tất cả hỏa lực tấn công lại Tàu 69 của ta, khiến tàu bị cháy ở phần đuôi. Nhiều đồng chí trên tàu bị thương, trong đó có báo vụ Phan Hải Hồ, khi bị trúng đạn ở bàn chân, anh đề nghị đồng đội cắt bỏ cho đỡ vướng rồi tiếp tục chiến đấu.

Có một điểm đáng chú ý là, Tàu 69 đã được cải dạng trước đó nên súng máy phòng không 12,7mm được đặt sát ca-bin tàu. Khi địch tấn công, Lê Xuân Khảm dùng súng máy phòng không 12,7mm đánh trả quyết liệt, đây có thể là nguyên nhân làm cho la bàn trong ca-bin không bắt được hướng. Khi thuyền trưởng lệnh cho chuyển hướng liên tục, dù không có la bàn, không có hải đồ, trong đêm tối mịt mù nhưng Hoàng Thanh Loan vẫn lái con tàu từ ngoài khơi 30 hải lý vào bờ; lách qua cửa sông, cửa lạch rất hẹp để vào Vàm Lũng, thoát khỏi sự truy đuổi của kẻ thù. Hơn 3 giờ chiến đấu kiên cường, dũng cảm, 1 đồng chí hy sinh, 8 cán bộ, chiến sĩ bị thương được đưa đi điều trị tại Bệnh xá Đoàn 962, con tàu bị hư hỏng nặng, phải nằm lại sâu trong bến Vàm Lũng. Sau trận hải chiến, đồng chí Hoàng Thanh Loan vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Quyết bảo vệ con đường biển chiến lược

Sau khi Tàu 69 quay trở lại Vàm Lũng và được cất giấu kín đáo, Mỹ-ngụy tiến hành rải chất độc hóa học trên quy mô lớn phá hủy những cánh rừng nguyên sinh và cho tàu chiến, máy bay lùng sục tìm kiếm con tàu trong thời gian dài. Ngày 11-9-1969, địch cho tốp trực thăng đổ quân xuống một khoảng trống gần khu vực ta cất giấu con tàu. Tổ trực chiến của Tàu 69 lúc này chỉ có 3 đồng chí, gồm: Hoàng Thanh Loan, Phùng Văn Quý và Lưu Kim Nhật. Lực lượng địch đông, trang bị vũ khí hiện đại, trong khi ta chỉ có 1 khẩu B40, 1 khẩu AK và vài quả mìn định hướng.

Địch tấn công, Hoàng Thanh Loan dùng mìn định hướng để tiêu diệt địch, nhưng mìn không nổ. Cả 3 người chạy đi 3 hướng ngược với nơi cất giấu Tàu 69 để phân tán lực lượng của địch. Bị truy đuổi gắt gao, Hoàng Thanh Loan trong tay không có vũ khí, lại trúng đạn nên đã bị địch bắt.

Sau khi địch rút khỏi trận địa, đồng đội quay lại thì thấy Hoàng Thanh Loan đã hy sinh ở tư thế nằm ngửa, đôi mắt vẫn mở, như đang nhìn trừng trừng vào kẻ thù. Kiểm tra thi thể của anh chỉ thấy một vết thương bên vai phải. Với vết thương này thì Hoàng Thanh Loan không thể hy sinh. Qua đó, có thể khẳng định rằng, địch đã bắt, tra tấn và sát hại dã man Hoàng Thanh Loan vì anh không khai ra vị trí cất giấu Tàu 69. "Năm 2014, chúng tôi làm hồ sơ báo cáo các cấp xét duyệt và đề nghị Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đối với liệt sĩ Hoàng Thanh Loan. Đây là sự ghi nhận xứng đáng với tài trí, bản lĩnh, sự hy sinh anh dũng của một chiến sĩ Đoàn tàu không số"-cựu chiến binh Lê Xuân Khảm tự hào kể về người đồng đội của mình.

Sơn Bình (qdnd.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang