Chuyện tình thủy thủ tàu không số

17:05 12-10-2021

VBĐVN.vn - Chuyện về các thủy thủ tàu không số không chỉ là câu chuyện về những chiến công trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển mà còn về tình yêu thủy chung, son sắt nhuốm màu thời gian của họ...

Nên duyên nhờ mai mối

Có nhiều người gặng hỏi, nhưng chưa bao giờ cựu chiến binh (CCB) Vũ Tấn Ích kể về tình yêu của mình. Nể tôi vốn cũng là lính biển nên ông chiếu cố “phá lệ”. Bên ấm trà tỏa hương, câu chuyện ông kể giúp tôi phần nào hiểu được tình yêu nồng nàn, giản dị thời chiến.

Cựu chiến binh Vũ Tấn Ích nâng niu những dòng nhật ký năm xưa của vợ.

Người vợ quá cố của nguyên Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích tên là Cao Xuân Lan, quê ở Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), là người tập kết ra Bắc. Năm 1963, chàng trai xứ Quảng Vũ Tấn Ích đã là sĩ quan Đoàn 759 (Đoàn tàu không số). Hồi ấy, Lan là nữ sinh Trường Kinh tế Trung ương. Chàng sĩ quan hải quân và cô nữ sinh nên duyên nhờ cô bạn Cao Thị Nhung công tác ở Bộ Ngoại giao mai mối. Biết Vũ Tấn Ích quê miền Nam, lại chưa vợ, nên Nhung “bố trí” cho gặp Lan. Lần ấy, gặp mặt cô nữ sinh duyên dáng, chàng sĩ quan hải quân “kết” ngay, vì Lan được mệnh danh là hoa khôi, gương mặt thanh tú, tóc dài, da trắng, giọng nói dễ thương. Và rồi, sự gần gũi về quê hương chính là cầu nối cho tình yêu. Quen nhau được một thời gian ngắn thì đơn vị của Vũ Tấn Ích chuyển về Hải Phòng. Kể từ đó, ông lênh đênh trên biển cùng những con tàu không số chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam đánh giặc.

Thắp nén nhang lên bàn thờ vợ, một thoáng nhìn xa xăm, đôi mắt ông Vũ Tấn Ích bỗng sáng lên, giọng ông rành rọt: “Người ta vẫn thường nói “xa mặt cách lòng”, nhưng tình yêu giữa chúng tôi thì không như thế. Bao tình thương và nỗi nhớ, chúng tôi trao nhau qua những cánh thư!...”. Ông kể, có lần, ông từ Hải Phòng lên Hà Nội thăm Lan. Mùa đông Hà Nội trời rét căm căm, gió rít từng cơn, hai người đèo nhau trên chiếc xe đạp cà tàng. Phút chia tay tại ga Hàng Cỏ, Lan vội vàng dúi vào tay ông gói cốm Vòng và chiếc khăn mùi soa thơm nồng. Tàu từ từ chuyển bánh, Lan đứng trên sân ga kín đáo lau vội dòng nước mắt. Thời gian đầu, thỉnh thoảng ông còn tranh thủ lên thăm người yêu hoặc gửi thư, nhưng về sau thì biệt tăm. Nhiệm vụ của những thủy thủ tàu không số hồi đó yêu cầu hết sức giữ bí mật cho mỗi chuyến đi. Vậy là những lời dị nghị của mọi người rộ lên, khiến Lan hoang mang, lo lắng. Nhưng tình yêu đích thực đã giúp Lan vượt qua tất cả...

Sau giải phóng, vợ chồng ông sống hạnh phúc bên nhau, cho đến năm 1998 thì bà Cao Xuân Lan mất vì một cơn bạo bệnh. Hơn 23 năm trôi qua kể từ ngày vợ mất, những kỷ vật của vợ vẫn được ông Vũ Tấn Ích lưu giữ cẩn thận. Tình yêu của vị thuyền trưởng 9 lần vượt biển trên con tàu không số chở hàng chi viện cho chiến trường miền Nam không chỉ thể hiện qua lời nói mà bằng những việc làm cụ thể. Giờ đây, ở tuổi 91, trước mỗi bữa ăn hằng ngày, CCB Vũ Tấn Ích vẫn đơm thêm một bát cơm, vài quả cà, cọng rau (những thứ mà hồi còn sống vợ ông thích), rồi mời bà cùng ăn. Chiếc gối, kẹp tóc, cái lược của bà, ông vẫn để đầu giường... Với ông, những kỷ vật của bà quá đỗi thân thương và tình yêu ông dành cho bà vẫn còn mãi mãi..

Phải lòng người con gái Huế

Nha Trang thời đại dịch Covid-19 chưa bùng phát, những trận mưa khiến phố biển thêm an lành và mát mẻ. Tôi được CCB Phan Nhạn-nguyên Máy trưởng các tàu: 41, 43, 56 của Đoàn tàu không số năm xưa kể về câu chuyện tình yêu của ông. Ngắm mãi bức chân dung người phụ nữ phúc hậu trên bàn thờ, giọng CCB Phan Nhạn nghèn nghẹn: “Vợ chồng sống với nhau chẳng được là bao! Từ ngày bà ấy đi xa, nhiều lúc tôi tưởng mình không thể vượt qua được!”.

Tôi hiểu nỗi buồn trong mắt người cựu binh tàu không số, bởi chuyện tình của ông rất đẹp nhưng cũng đầy vất vả, truân chuyên... Năm 1969, sau lần vượt biển trở về, ông nghỉ ngơi, học tập tại Đồ Sơn (Hải Phòng). Trai xứ Quảng chưa vợ, lại to cao, đẹp trai, vậy mà ông vẫn “lính phòng không” vì mỗi lần tiếp xúc với con gái là lúng túng như gà mắc tóc. Mãi cho tới khi bạn bè giới thiệu, ông mới chịu làm quen người con gái xứ Huế có mái tóc dài óng ả, giọng nói dễ thương. Hồi ấy, bà Hoàng Thị Khâm là công nhân Xí nghiệp Giày da Hải Phòng. Yêu nhau chưa đầy một năm thì họ nên duyên chồng vợ. Đám cưới giản dị, ấm nồng trong vòng tay bạn bè của cô dâu và đồng đội của chú rể. Cưới xong, Máy trưởng Phan Nhạn lại cùng đồng đội gắn bó với biển cả và những con tàu. Chấp nhận làm vợ lính biển thời chiến nên bà Khâm hăng say công tác đoàn thể. Đêm về, bà lặng lẽ ôm con, lặng lẽ đợi chờ chồng...

Đất nước thống nhất, ông chuyển gia đình vào Nha Trang (Khánh Hòa) công tác. Thành phố sau ngày giải phóng với bao nỗi bộn bề, người dân gồng mình khắc phục, hàn gắn vết thương chiến tranh. Vợ chồng ông cùng 3 đứa con tá túc trong căn phòng tập thể chật chội. Tiền lương hai người gộp lại chưa đủ mua chiếc lốp xe đạp. Bà bị bệnh tim bẩm sinh nên đau ốm liên miên. Ông xoay xở đủ nghề, kiếm tiền chữa bệnh cho vợ. Dẫu cuộc sống còn vất vả nhưng gia đình ông đầy ắp tiếng cười. Niềm vui ấy cũng chỉ được một thời gian, bởi năm 1991, bà Khâm qua đời, để lại cho ông 3 đứa con thơ dại. Thời điểm này, ông Nhạn xin về hưu sớm để chăm sóc, nuôi con ăn học. Phần đau buồn vì người vợ thân yêu về cõi vĩnh hằng, phần vì vết thương cũ tái phát, có những lúc ông Nhạn tưởng chừng không qua khỏi. Nhưng nhớ lời trăng trối của vợ trước lúc đi xa, ông gắng gượng sống để nuôi các con.

Ở tuổi 93, ông mới sửa sang được ngôi nhà cũ nát từ hồi bà Khâm còn sống. Có hai thứ mà ông luôn nâng niu, đó là bức chân dung người vợ và danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trang trọng lồng trong khung kính...

Mê “ông cán bộ” từ khẩu súng ngắn

Đến thăm tổ ấm của vợ chồng ông Hồ Thăng Nhuận (nguyên Phó thuyền trưởng thuộc Đoàn tàu không số) và bà Nguyễn Thị Diễn, ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (Đà Nẵng), tôi thấy mọi thứ trưng bày trong nhà đều gắn với những kỷ niệm một thời chiến tranh. Cái bình tông, tấm khăn rằn, mảnh hải đồ, chiếc la bàn đi biển, chiếc lược làm bằng đuyra... tất cả đều được sắp đặt ngay ngắn trong tủ kính.

Vợ chồng ông Hồ Thăng Nhuận và con trai Hồ Thăng Long.

Sau khi rót nước mời tôi, bà Diễn vào chuyện rất tự nhiên và hài hước: “Ngày ấy, tôi mê nhất khẩu súng ngắn và cái đài National của ông ấy!”. Câu chuyện tình bắt đầu từ khi “ông cán bộ miền Nam” về làng quê ven biển phá bom từ trường. Ngày ấy, ông là thủy thủ, còn bà là hoa khôi của vùng quê Thái Thụy, Thái Bình. Vì cảm mến đức tính gan dạ, dũng cảm, thật thà, chất phác của chàng sĩ quan hơn mình một “con giáp” nên cô Xã đội phó xã Thái Thịnh ban đầu thì cảm thấy kính trọng, về sau thì yêu thật... Vốn là hoa khôi của xã nên bà Diễn được nhiều người con trai để ý, nhưng bà vẫn “làm ngơ”... Chuyện bà gặp ông Nhuận cũng thật tình cờ. Hôm đó, khi hướng dẫn dân quân phá bom từ trường, ông dặn dò rất tỉ mỉ, nhưng do sơ sểnh, một quả bom bất ngờ phát nổ khiến cô xã đội phó bị sức ép đến ngất lịm. Bà được “ông cán bộ hải quân” chăm sóc chu đáo, nhưng khi vừa tỉnh thì bị ông mắng tơi tả. Đường đường là một xã đội phó, bị mắng, bà tức lắm, nhưng chẳng làm được gì vì thấy mình có lỗi. Ông Nhuận biết vậy, nhưng cũng chỉ tủm tỉm cười. Ban đầu, bà ghét cay ghét đắng, lâu dần lại thấy yêu. Bà yêu ông bởi đức tính hiền lành, chất phác. Với lại thời ấy, những chàng trai miền Nam tập kết tay đeo đồng hồ Poljot, khẩu súng lục ngạo nghễ bên hông, vai mang theo đài National là thần tượng của bao cô gái đất Bắc... Thế là bà nhận lời yêu ông. Họ cưới nhau chừng vài tháng thì xa nhau biền biệt. Ngày ấy, ông âm thầm, lặng lẽ ra đi cùng với con tàu chở vũ khí vào Nam, còn bà mỏi mòn đợi chờ chồng trong nỗi nhớ thương đến khắc khoải, cháy lòng....

Vì nhiệm vụ tuyệt mật, những thủy thủ tàu không số ngày ấy ra đi mà chẳng hẹn ngày về. Tin tưởng vào sự đảm đang, chung thủy của người vợ trẻ, chàng trai Đà Nẵng dồn cả tâm lực cho nghĩa lớn. Trong khoảng thời gian kể từ ngày thành lập Đoàn tàu không số đến năm 1968, ông Hồ Thăng Nhuận đã có 8 chuyến vượt biển. Có những chuyến đi gặp phải sự phong tỏa gắt gao của địch, nhưng với cương vị phó thuyền trưởng, ông đã cùng đồng đội mưu trí, dũng cảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Câu chuyện tình của ông Hồ Thăng Nhuận và bà Nguyễn Thị Diễn sau 50 năm vẫn sáng trong như ngọc. Giờ đây, dù đã ở tuổi 91 nhưng ông vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Còn bà, gương mặt phúc hậu vẫn ngời lên nét đẹp của cô xã đội phó vùng chiêm trũng ngày nào.

Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang