Thay đổi từ hành động nhỏ

22:51 17-06-2021

VBĐVN.vn - Mỗi năm, toàn cầu có đến 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường và hơn một nửa số đó là những sản phẩm nhựa dùng một lần. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi ni lông.

Sau khi đem lại tiện ích trong ít phút, những chiếc túi ni lông, chai, cốc nhựa... sẽ bị vứt bỏ ra môi trường và phải mất từ hàng trăm năm mới có thể phân hủy. Thế nhưng, hiện, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi ni lông mỗi tháng. Hơn 80% số chúng đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần và đích đến cuối cùng phổ biến của chúng là biển và đại dương.

Ô nhiễm rác thải nhựa trên biển đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. (Ảnh Wired)

Rõ ràng, rác thải nhựa, trong đó có túi ni lông tấn công môi trường biển, không còn là mối đe dọa, mà đã thực sự gây ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác.

Theo các chuyên gia môi trường, với ưu điểm tiện dụng và giá thành thấp, túi ni lông và các sản phẩm bằng nhựa đã gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân, được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi.

Không thể thay thế, nhưng chúng ta có thể thay đổi. Phương châm này đang được nhiều quốc gia kêu gọi người dân hạn chế việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi ni lông; thay thế chúng bằng các vật liệu thân thiện với môi trường như: Túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần...

Cùng chung nỗ lực với thế giới, từ năm 2018, Việt Nam đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”; ngày 4-12-2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để quản lý, hạn chế, giảm thiểu, xử lý rác thải nhựa đại dương.

Các bộ, ngành, địa phương đã hiện thức hóa chủ trương, chính sách bằng nhiều chương trình, dự án giảm thiểu, nói “không” với rác thải nhựa..., hướng đến mục tiêu chung: Toàn cầu không có rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.

Một con cua bị mắc kẹt trong nhựa ở đảo Passage, thành phố Batangas, Philippines. Ảnh: Noel Guevara / Greenpeace / EPA

Sau 3 năm hành động chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc đã góp phần thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức nhiều người về bảo vệ, cải thiện, làm sạch môi trường. Dễ nhìn thấy nhất là tại các công sở, trường học, siêu thị, nhà hàng, chợ... trên cả nước đã và đang kiên trì loại bỏ túi ni lông, chai nhựa chuyển sang sử dụng các sản phẩm hữu cơ, dễ phân hủy hoặc sử dụng nhiều lần.

Tuy nhiên, hơn 8 triệu tấn nhựa mà dân cư toàn thế giới đổ ra đại dương mỗi năm, nếu không có những biện pháp cấp bách kịp thời, sự tồn tại của chất thải nhựa trong tự nhiên sẽ tác động nghiêm trọng tới môi trường cũng như sức khỏe con người.

Cùng chung nỗi lo với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm và suy thoái đa dạng sinh học với tốc độ rất nhanh. Điển hình là hệ sinh thái biển và ven biển, lượng san hô cứng đang giảm dần với độ che phủ dưới 25% (63,5% rạn san hô đang trong tình trạng xấu); số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh...

Với chủ đề “Phục hồi hệ sinh thái”, Ngày Môi trường thế giới năm 2021 đưa ra thông điệp về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên.

Ngăn chặn sự suy thoái của các hệ sinh thái chỉ đạt được kết quả khi cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chung tay vào cuộc xử lý triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải, rác thải; đồng thời thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phục hồi hệ sinh thái như Đề án trồng mới 1 tỷ cây xanh của Chính phủ; phục hồi thảm thực vật trên các vùng đất ngập nước; bảo vệ môi trường biển và quản lý rừng bền vững...

Mỗi người dân hoàn toàn có thể giảm bớt gánh nặng cho thiên nhiên bằng cách từ chối, giảm thiểu sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi ni lông.

Văn Đoàn (theo bienphong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang