Bóng bay - nguy hại như rác thải nhựa đại dương

14:12 03-02-2020

Trong cuộc đời của mỗi con người chắc chắn ai cũng đã từng sử dụng bóng bay làm đồ chơi hay trang trí. Ngày nay, bóng bay được bán tràn lan ở các khu vui chơi trẻ em, các khu du lịch. Trong các lễ hội như khai trương cửa hàng, khai trương dự án, khai giảng, đám cưới, đám hỏi,... đều sử dụng rất nhiều bóng bay làm trang trí. Có một điều mà ít ai ngờ tới là bóng bay cũng gây nguy hại tới môi trường sống của chúng ta như những loại rác thải khó phân hủy và bóng bay cũng đang ngày càng gây hại tới các loài động vật cả trên cạn lẫn dưới biển.

Cứ lễ hội là sử dụng bóng bay

Hình ảnh mà chúng ta thường thấy khi khai trương một dự án, khai trương cửa hàng hay khai giảng đều sử dụng rất nhiều bóng bay. Bóng bay có những loại bóng bơm hơi thường nhưng cũng có những bóng bơm khí để có thể bay lên trời được như khí hydro hoặc khí hê li. Bóng bay thường nhanh vỡ, một khi đã vỡ, chúng cũng sẽ trở thành rác thải sinh hoạt và một trong số đó có thể kết thúc hành trình ở biển và đại dương. Những gì đi lên phải đi xuống. Đối với bóng bay có bơm khí, khi bay trên bầu trời, chúng dễ dàng bị thổi ra biển và rồi sẽ rơi xuống biển. Năm ngoái, các nhà nghiên cứu trên chiếc tàu điều tra RV của CSRIO (Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung) đã bắt gặp một chùm bóng bay cách bờ biển phía nam New South Wales khoảng 250 km [1].

Chùm bóng bay tìm thấy trên biển cách đất liền khoảng 250 km [1]

Bóng bay thường đa dạng, nhiều kích cỡ khác nhau, nhiều màu sắc rất dễ bắt mắt. Vì vậy mà chúng thường được sử dụng nhiều trong quảng cáo, tiếp thị và sinh hoạt. Thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp những cửa hàng trên phố quảng cáo những hãng điện thoại bằng cách in tên hãng lên những quả bóng bay hay những trung tâm tiếng anh cũng có cách quảng cáo tương tự như vậy. Bóng bay hiện diện ở cổng chào trong các lễ hội cưới, hỏi và sinh nhật.

Bóng bay cũng gây hại tới các sinh vật đại dương như rác thải nhựa đại dương

Một trong số những bóng bay khi bị vỡ hoặc không còn sử dụng đều trở thành rác thải, một trong số đó sẽ có đích đến cuối cùng là đại dương. Nhiều chùm bóng bay còn được buộc chặt các dây nhựa trong đó. Trong môi trường biển, bóng bay cũng nguy hại như rác thải nhựa đại dương. Mảnh vụn của bóng bay trên rừng hay dưới biển đều là mối đe dọa đối với tất cả động vật hoang dã và các loài sinh vật biển, nhiều trong số chúng bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Nghiên cứu của các nhà khoa học đã cho thấy 260 loài trên thế giới bịảnh hưởng bởi mảnh vụn bóng bay [2].

Mảnh vụn bóng bay khi rơi xuống nước, những mảnh vụn của chúng có hình dáng giống với những con sứa biển hoặc các sinh vật biển khác và chúng dễ trở thành mồi tiêu thụ bởi các động vật biển như rùa biển, cá và cá heo. Chúng có thể bị mắc kẹt trong đường tiêu hóa, gây ức chế khả năng ăn thịt động vật và gây ra cái chết từ từ và đau đớn do đói. Các động vật cũng dễ bị mắc bẫy bởi các dây và ruy băng quấn ở đầu quả bóng bay.

Xác một con chim đã chết do vướng vào dây buộc bóng bay [3]

Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học đã cho thấy họ đã tìm thấy bóng bay, dây buộc bóng bay và các mảnh vụn bóng bay trong các dạ dày của các loài cá, chim biển và rùa biển. Tổ chức Ocean Conservancy đã xếp hạng 5 loại rác thải chủ yếu gây nhiều chết chóc đối với sinh vật biển gồm dây câu, túi nilon và ngư cụ, bóng bay, đầu lọc thuốc lá, nắp chai [4]. Điều đó cho thấy mức độ nguy hại của bóng bay đối với sinh vật biển nguy hại đến dường nào.

Roman, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ thuộc Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung, một cơ quan thuộc chính phủ Úc. Cô cùng đồng nghiệp đã kiểm tra bên trong của hơn 1.700 con chim chết từ 51 loài khác nhau mà họ và các tổ chức khác thu thập được. Họ phát hiện ra rằng trong khi chim có khả năng nuốt phải nhựa cứng, nhựa mềm - bao gồm cả bóng bay - nguyên nhân gây ra những cái chết. Các mảnh vụn mềm như những mảnh bóng bay, chỉ chiếm 2% trong số những vật phẩm ăn vào, nhưng chúng rất nguy hiểm đối với những con chim biển đến nỗi một trong năm con chim được tìm thấy với một quả bóng bay trong bụng chúng đã chết vì nó [5].

Với loài rùa biển, chúng thường nhầm lẫn mảnh vụn bóng bay với các loài sứa biển, loài rùa chúng có cấu tạo đặc trưng nên khi nuốt vào thì chúng không có khả năng nôn ra như các loài động vật khác. Các mảnh vụn bóng bay sẽ làm cho rùa biển khó hấp thụ được thức ăn, giảm khả năng lặn của rùa biển và gây ra những cái chết do đau đớn và đói. Theo danh sách đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) thì 6 trong số 7 loài rùa biển trên toàn thế giới đang bị đe dọa. Trong một nghiên cứu năm 2012 từ trường Đại học Queensland, nghiên cứu về tiêu thụ bóng bay đối với rùa biển trên bãi biển Queensland cho thấy, trong số tất cả các thành phần cao su được tìm thấy bên trong rùa biển đã chết có đến 78% là bóng bay hoặc mảnh vỡ bóng bay [6]. Họ kết luận rằng rùa biển đang tiêu thụ bóng bay ở mức độ lớn như vậy là do sự giống nhau về ngoại hình của chúng với các loài sứa biển.

Mảnh vụn và dây buộc bóng bay vướng vào đường tiêu hóa của rùa biển [7]

Hiểu rõ tác động của bóng bay đến môi trường và các động vật hoang dã cũng như sinh vật biển. Nhiều tổ chức đã đứng ra kêu gọi ngừng thả bóng bay trong các lễ hội và sự kiện. Gần đây nhất, không đâu xa, ngay tại Việt Nam chúng ta một học sinh tiểu học em Nguyễn Nguyệt Linh - học sinh lớp 5M2 của Trường Marie Curie (Hà Nội) đã gửi 40 bức thư đến các trường, với mong muốn không thả bóng bay trong ngày khai giảng [8]. Bức thư của em thật là ý nghĩa, nhiều thầy cô hiệu trưởng các trường nhận hay không nhận được bức thư của em cũng bày tỏ sẽ không sử dụng bóng bay trong lễ khai giảng sắp tới. Hành động bảo vệ môi trường của em đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà gửi thư khen ngợi. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng có gửi tặng em Nguyệt Linh món quà nhỏ là chiếc ba lô, một cây bút và một bình đựng nước không làm từ nhựa [9]. Khai giảng không bóng bay cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo ủng hộ.

Bảo vệ môi trường đều đến từ ý thức của mỗi người, không kể người già hay trẻ con. Hành động của em Nguyễn Nguyệt Linh là một minh chứng hùng hồn cho việc bảo vệ môi trường và các loài sinh vật. Vì vậy mỗi hành động như không sử dụng bóng bay, giảm hút thuốc lá hay phân loại rác tại nguồn cũng là những hành động thiết thực bảo vệ môi trường và sinh vật biển đáng yêu của chúng ta.

Nguồn tham khảo

1. https://www.abc.net.au/news/science/2019-03-02/balloons-lethal-to-seabirds/10861022

2. https://oceanconservancy.org/blog/2012/08/29/high-flying-balloons-pose-a-definite-downside-for-ocean-wildlife/

3. https://www.fws.gov/news/blog/index.cfm/2015/8/5/balloons-and-wildlife-please-dont-release-your-balloons

4. https://oceanconservancy.org/blog/2016/01/12/how-dangerous-is-ocean-plastic/

5. https://wildlife.org/balloons-play-an-outsize-role-in-seabird-deaths/

6. https://rubberjellyfishmovie.com/for-press/

7. https://www.thedodo.com/in-the-wild/sea-turtle-balloon

8.https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/hoc-sinh-lop-6-gui-40-buc-thu-mong-khong-tha-bong-bay-them-nhieu-truong-huong-ung-20190727100730377.htm

9. https://moitruong.net.vn/bo-truong-tran-hong-ha-gui-thu-khen-ngoi-hoc-sinh-keu-goi-khai-giang-khong-tha-bong-bay/

Nguồn:vasi.gov.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang