Thủ tướng Hà Lan dự Hội thảo bàn tròn "Luật pháp quốc tế và trật tự trên biển"
VBĐVN.vn - Ngày 2-11, nhân chuyến thăm chính thức tới Việt Nam (1 đến 2-11), Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã đến thăm Học viện Ngoại giao và phát biểu trong khuôn khổ Hội thảo bàn tròn “Luật pháp quốc tế và trật tự trên biển” do Học viện Ngoại giao phối hợp Học viện Clingendael (Hà Lan) tổ chức. Thủ tướng Mark Rutte cũng thực hiện trao chứng chỉ cho các học viên khoá học Luật biển do Học viện Ngoại giao Việt Nam và Học viện Clingendael Hà Lan đồng tổ chức.
Thủ tướng Mark Rutte nhấn mạnh tầm quan trọng của thượng tôn pháp luật, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và khẳng định rằng Hà Lan, với vai trò “thủ phủ của Luật quốc tế” luôn tuân thủ và ủng hộ luật pháp quốc tế. Thủ tướng đánh giá cao triển vọng hợp tác Việt Nam-Hà Lan, khẳng định sẽ tiếp tục duy trì các hợp tác sẵn có và mở rộng tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực khác.
Thủ tướng cũng chúc mừng các học viên Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc Khóa học Luật biển Clingendael lần thứ 2, đồng thời nhận định khóa học đã cho thấy nỗ lực hợp tác Việt Nam-Hà Lan vượt qua khác biệt và thể hiện cam kết của cả hai nước đối với trật tự pháp luật quốc tế.
Khóa học Luật biển Clingendael lần thứ 2 do Học viện Ngoại giao và Học viện Clingendael đồng tổ chức diễn ra từ ngày 30-10 đến 2-11 tại Học viện Ngoại giao.
Khóa học nằm trong Chương trình hợp tác nâng cao năng lực ngoại giao “Train the Trainer” giữa hai Học viện. Khóa học là một minh chứng cho mối quan hệ hợp tác lâu dài Hà Lan-Việt Nam nói chung, cũng như giữa Học viện Clingendael và Học viện Ngoại giao nói riêng. Ông Adriaan Zondag, Đại diện Học viện Clingendael nhận định các khóa đào tạo năng lực Học viện Clingendael dành cho các quốc gia ASEAN thể hiện cam kết bền chặt của Hà Lan trong việc thúc đẩy hiểu biết về pháp luật quốc tế trong khu vực.
Trình bày tại Hội thảo, Thẩm phán Horinouchi Hidehisa, Tòa án Luật biển Quốc tế (ITLOS) khẳng định UNCLOS là “Hiến pháp của đại dương” do đó các vấn đề về luật biển đều phải phát triển phù hợp UNCLOS.
Ông Horinouchi cũng nhắc đến các thách thức mới không thể lường trước khi soạn thảo và thông qua UNCLOS, đặc biệt là các vấn đề liên quan tiến bộ công nghệ và biến đổi khí hậu như nước biển dâng và bảo tồn dạng sinh học biển tại các vùng ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ).
UNCLOS là “Hiến pháp của đại dương” do đó các vấn đề về luật biển đều phải phát triển phù hợp UNCLOS.
Thẩm phán Horinouchi Hidehisa
Thẩm phán đánh giá cao tầm quan trọng của “Hiệp ước Biển cả” về BBNJ và khả năng của ngoại giao đa phương trước các thách thức khó khăn.
Về triển vọng trong tương lai, Thẩm phán cho biết cần phải mở rộng phạm vi của Luật biển ra những “chân trời mới” như công nghệ mới (các phương tiện không người lái), khai thác hợp lý và hiệu quả khu vực đáy biển chưa được khám phá, đồng thời vẫn cần tiếp tục hoàn thiện luật pháp để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực truyền thống khác.
Cùng dự và phát biểu tại Hội thảo có Giáo sư Alfred H. A. Soons, Đại học Utrecht (Hà Lan). GS Alfred nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế giải quyết tranh chấp trong UNCLOS, cũng như các nước cần tiếp tục phát triển và làm rõ các quy định của UNCLOS trong bối cảnh phát triển công nghệ, kinh tế và xã hội. Giáo sư khẳng định luật pháp quốc tế áp dụng bình đẳng cho các quốc gia không kể lớn nhỏ và do đó góp phần đạt được trật tự công bằng và bình đẳng trên biển.
GS Alfred cũng cho biết UNCLOS hiện đang đối mặt với việc bổ sung các quy định hoặc thay đổi cách diễn giải một số quy định hiện hành do tình hình thế giới nhiều biến động. Tuy nhiên, Luật pháp quốc tế có những cách thức linh hoạt hơn để thay đổi mà không cần thiết lập các hiệp định mới.
Tiến sĩ Seline Trevisanut, Đại học Utrecht (Hà Lan) trong bài trình bày sau đó đề cập đến khía cạnh biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu tới luật pháp quốc tế và trật tự trên biển.
Trong đó, Tiến sĩ Seline nhắc tới các vấn đề giữa khí hậu và sử dụng đại dương, khí hậu và quyền con người và di cư khí hậu. Tiến sĩ Seline khẳng định UNCLOS và ý kiến của ITLOS là “chìa khóa” để quản lý và hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa khí hậu và đại dương này.
Tiếp sau, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS, cơ chế giải quyết tranh chấp trong UNCLOS và khẳng định UNCLOS là cơ sở pháp lý duy nhất cho các quyền và yêu sách biển. Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, UNCLOS vẫn là một “văn kiện sống” có thể tiếp tục được hoàn thiện và là một khuôn khổ pháp lý toàn diện để quản lý các hoạt động trên biển.
Hội thảo bàn tròn nhằm nhấn mạnh và tạo diễn đàn trao đổi về vai trò của luật biển quốc tế và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đối với hoà bình và ổn định tại khu vực Biển Đông.
Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ trật tự trên biển được xác lập kể từ khi có UNCLOS và đề cao tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế.
TS. Phạm Lan Dung đánh giá cao các bước tiến mới của luật pháp quốc tế nhằm giải quyết các thách thức mới nổi và các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, đồng thời cũng cho rằng vẫn còn nhiều trường hợp coi thường luật biển, đe dọa an ninh trên biển và làm tăng nguy cơ xung đột như tình hình Biển Đông gần đây.
Do đó, Hội thảo không chỉ tái khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và trật tự trên biển vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông mà còn là cơ hội để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia luật biển hàng đầu thế giới về cách luật pháp quốc tế ứng phó với các thách thức trên biển hiện nay.
TS. Phạm Lan Dung cũng chúc mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hà Lan và bày tỏ hy vọng mối quan hệ hai nước sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp trong tương lai.
Hội thảo vinh dự có sự tham dự của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato' Tan Yang Thai, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya và Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Huỳnh Minh Chính.
Ngoài ra, còn có hơn 140 khách mời đến từ các đơn vị trong Bộ Ngoại giao, một số bộ, ban, ngành và viện nghiên cứu liên quan, đại diện một số Ngoại giao đoàn, một số chuyên gia trong nước và quốc tế, giảng viên và học viên khoá học Luật biển do Học viện Ngoại giao phối hợp Học viện Clingendael tổ chức và hơn 200 sinh viên Học viện ngoại giao tham gia tiếp đón Thủ tướng Hà Lan.
Bên lề Hội thảo, Học viện Ngoại giao tổ chức triển lãm Bộ sưu tập bản đồ về Việt Nam và các nước Đông Nam Á có niên đại khoảng thế kỷ 16-17 do phía Đại sứ quán Hà Lan trao tặng.
(nhandan.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận