“Thủy thủ phù hiệu đỏ”
VBĐVN.vn - Với chức năng vận tải đường thủy chiến lược, nhiều năm qua, Lữ đoàn 649 đã thực hiện tốt phương châm “Hàng nào cũng chở, vùng biển nào cũng đến, nhanh chóng, an toàn, hiệu quả”. Từ thực tế nhiệm vụ, trong mỗi con tàu ở Lữ đoàn 649 (Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần) đều chứa đựng những câu chuyện ít người biết tới.
Những người sống với... dầu
Chiều muộn, khi mặt trời đã dần sà xuống, tạm xa sự sôi động trên sân bóng chuyền hơi, tôi cùng Thượng tá Vũ Văn Công, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 649 ra sân cảng kề sát mép sông Vân Dương, nơi những con tàu của lữ đoàn đang neo đậu chờ lệnh.
Vừa đi, Thượng tá Vũ Văn Công vừa thủ thỉ đủ chuyện, trong đó có những chi tiết khiến tôi nhớ mãi. Anh bảo, mặc dù mang quân phục bộ binh, không có quân phục đặc trưng của biển như bộ đội hải quân, nhưng cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 649 lại là những thủy thủ thực sự. Họ đã đi đến nhiều vùng biển của Tổ quốc. Nhiều người gọi họ là “thủy thủ phù hiệu đỏ”. Hiện nay, Lữ đoàn 649 có vài chục con tàu trọng tải lớn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ vận tải chiến lược đường thủy.
Câu chuyện của anh Công đưa chúng tôi đến cảng tàu dầu lúc nào chẳng hay. Bước chưa hết mặt boong Tàu 51-11-82, tôi hắt hơi liên tục bởi mùi lạ khá đậm đặc xộc vào mũi. Đó không phải là mùi tanh nồng từ mặt sông Vân Dương hắt lên mà là mùi dầu hôi, hắc, khuếch tán trong không khí. Phải mất tới gần 5 phút, cái mũi cực kỳ mẫn cảm của tôi mới quen dần. Anh Công động viên, do chưa thích nghi với môi trường đấy thôi!
Thuyền trưởng, Thiếu tá QNCN Vũ Thế Hùng và cán bộ chỉ huy tàu đưa chúng tôi vào phòng khách chật hẹp sau khi tôi đã qua cơn hắt hơi ngoài ý muốn. Anh Hùng tếu táo, thủy thủ của tàu ăn trong dầu, ngủ trong dầu, làm việc trong dầu đã thành quen, đến vợ cũng bị "nghiện" mùi dầu.
- Chắc anh nói quá. Ai lại ăn trong dầu và ngủ trong dầu bao giờ? - Tôi thắc mắc.
- Đúng đấy anh ạ! Mùi dầu này ám, bám dính vào quần áo, da thịt hơn cả các vật liệu khác. Nhiều người được điều động đi làm nhiệm vụ xa tàu mà vẫn ám mùi dầu. Việc cai mùi dầu là có thật đấy! - Hùng thổ lộ.
- Tàu 82 đi thực hiện nhiệm vụ từ tháng 11-2019, tính đến nay, có đồng chí làm nhiệm vụ 8 tháng chưa về thăm nhà - Anh Công giải thích về trăn trở có phần hài hước của Thuyền trưởng Hùng.
- Nghe nói làm nhiệm vụ ở tàu dầu nhàn lắm phải không anh?
Như chạm đúng tâm can, Thuyền trưởng Hùng dốc bầu tâm sự:
- Nhàn và vất vả, biết nói thế nào cho đúng hả anh? Mỗi tàu có một đặc thù nhiệm vụ khác nhau. Nghề đi biển, sóng gió bất thình lình, luôn đối diện với hiểm nguy, hơn nữa, chở mặt hàng dễ cháy, nổ này không thể đùa được. An toàn phải là số 1 anh ạ!
Nói xong, anh Hùng mời tôi ra mặt boong. Anh chỉ cho tôi rất nhiều đường ống và các van thiết bị. Anh giới thiệu về hầm hàng, họng phun bọt cứu hỏa, hệ thống ống, van, bơm cấp nhiên liệu và hệ thống nhận hàng hết sức phức tạp cùng những quy tắc bảo đảm an toàn khó nhớ. Rồi anh đưa tôi ra phía cọc bích bên mạn phải của tàu, nói:
- Đây là nơi Trung úy QNCN Vũ Văn Cường đã hy sinh khi cứu tàu vào năm 2015.
Bằng giọng trầm buồn, anh Hùng kể: Kết thúc đợt vận chuyển hàng cho các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển và thềm lục địa phía Nam vào ngày 29-1-2015, Tàu 82 quay về bờ. Lúc 14 giờ, khi tàu neo cách cảng xăng dầu Kho Dương Đông 0,5 hải lý thì nhận được lệnh cập cảng. Lúc này, sóng cấp 4, cấp 5 và gió mùa Đông Bắc thổi rất mạnh. Tàu vào gần sát cảng, sau khẩu lệnh của thuyền trưởng, Trung úy QNCN Vũ Văn Cường ném dây mồi rồi cùng đồng đội cua, khóa dây vào cọc bích. Gió vẫn thổi mạnh, sóng biển đẩy tàu ra xa, lệch dần so với tâm cầu cảng từ 60 đến 70 độ, mặc dù lúc này, tàu đầu kéo đã tăng tốc tỳ sau lái mạn trái để hỗ trợ Tàu 82 cập cảng nhưng không thắng được lực của sóng gió. Thuyền trưởng lệnh cho tàu kéo ngừng đẩy (cắt ma-nơ), yêu cầu tổ dây mũi di trú vào nơi an toàn. Nhưng tàu vẫn cứ trườn trên mặt biển, dây mũi chống bão trượt trên lỗ mạn phải của tàu đột ngột bị kẹt, căng như dây đàn.
Tình huống nguy hiểm đến quá nhanh. Nếu không gỡ được búi dây kia, đuôi tàu văng vào bờ, tàu sẽ mắc cạn. Còn nếu tàu tăng tốc, chắc chắn mũi tàu va vào thân cảng, hậu quả khôn lường. Không kịp tính toán, Vũ Văn Cường lao tới cọc bích và gỡ dây. Dây vừa gỡ xong thì bật lên, đập mạnh vào ngực, khiến anh ngã xuống boong, cách cọc bích 1,5m. Ngay sau đó, dù được đồng đội đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, Vũ Văn Cường đã hy sinh lúc 15 giờ 30 phút.
Thời bình, nhiệm vụ của bộ đội vận tải thủy chiến lược tưởng chừng an nhàn, nhưng đằng sau nó luôn tiềm ẩn những bất trắc “sinh nghề tử nghiệp”. Điều ấy có ai hay!
Bát cá cháo... nhớ đời
Thiếu tá QNCN Vũ Thế Hùng sinh năm 1976, ở xã Sơn Đông (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), từng học Trường Cao đẳng Hàng hải và tốt nghiệp lớp chỉ huy tàu cấp 3-4 tại Học viện Hải quân năm 2004. Anh có hơn 20 năm gắn bó với nghề vận tải biển. Khi vào đến phòng câu lạc bộ, Hùng để tôi và anh Công ngồi nói chuyện. Loáng cái đã thấy anh khệ nệ bê nồi quân dụng 60 lít bằng inox nghi ngút khói đi tới. Anh bảo, hôm nay sẽ đãi khách quý đặc sản của các “thủy thủ phù hiệu đỏ”.
Hùng múc đặc sản màu trắng vào bát của chúng tôi và không quên rắc hạt tiêu xay, nêm chút nước mắm cốt rồi lấy thìa đảo thứ nước sền sệt màu trắng. Phải tinh mắt mới thấy có hạt gạo nở bung. Màu xanh của rau và mùi thơm của hành, rau răm, nước mắm cốt, hạt tiêu lan tỏa, át mùi dầu, khiến bụng tôi sôi ùng ục, ứa nước miếng. Tôi tận hưởng hương vị của đặc sản tan trong miệng và thắc mắc:
- Cháo cá hả anh?
- Không, đây là cá cháo, đặc sản của chúng tôi đấy!
- Sao lạ vậy?
- Đơn giản thôi. Khi ra biển, tàu chúng tôi câu được nhiều loại hải sản, trong đó nổi bật nhất là cá mú và cá tráp. Các loại cá này nấu cháo với rau cải xanh thái nhỏ thì miễn chê. Nhưng không như trên đất liền, nồi cháo của anh em thường ít gạo, ít gia vị và nhiều cá, vì thế mà được gọi là cá cháo.
Anh Hùng giới thiệu tôi làm quen với hai cần thủ sát cá nhất của tàu là Thiếu tá QNCN Nguyễn Viết Trung và Thiếu tá QNCN Lê Văn Hùng. Anh Trung quê ở xã Đông Quang (Đông Sơn, Thanh Hóa), có tới 7 năm công tác trên Tàu 82. Anh đang là cần thủ số 1 của tàu trong các "cuộc đua" trên biển. Anh có sở trường câu ngâm bằng mồi cá chuồn hay mồi mực tươi. Anh kể, cách đây vài năm từng câu được con cá mập nặng tới 160kg. Hôm đó, để kéo được con cá lên boong, các anh phải huy động tới 4 người phối hợp trong gần 30 phút, mang cả chiếc võng cẩu ra để lùa cá vào rồi mới kéo lên. Có năm đi nhiều, tàu câu được 2-3 tấn cá là chuyện thường. Năm nay đi ít, lại làm nhiệm vụ chủ yếu ở khu vực ven bờ nên sản phẩm tăng gia hạn hẹp. Về bờ, ngoài biếu, tặng đơn vị bạn, các anh cấp đông trong tủ một ít để tiếp đãi khách quý.
Hết nồi cá cháo, chúng tôi chia tay cán bộ, thủy thủ Tàu 82. Thuyền trưởng Vũ Thế Hùng hẹn tôi hôm nào có thời gian sẽ kể về phương pháp tiếp dầu trên biển và đãi món cá biển tươi nướng rất hấp dẫn.
Tôi bước lên sân cảng, mùi dầu đậm đặc đặc trưng trên Tàu 82 hay vị cá cháo và những câu chuyện của họ cứ quanh quẩn, bám riết không rời. Tôi nhớ đến lời Lữ đoàn trưởng, Đại tá Nguyễn Văn Phát nói khi chiều, mỗi chuyến hàng đến đích nhanh chóng, an toàn, hiệu quả được ví như một công trình hoàn mỹ. Để rồi từ đó, tôi cũng trăn trở theo buồn vui của những “thủy thủ phù hiệu đỏ”.
Theo qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận