Tỉnh Bình Thuận: Cộng đồng cùng chung tay bảo vệ, khôi phục nguồn lợi thủy sản

14:22 19-09-2023

VBĐVN.vn - Huy động nguồn lực từ cộng đồng, vùng biển của một huyện tại tỉnh Bình Thuận đã được quản lý, khai thác hiệu quả. Người dân cũng tích cực tham gia bảo vệ, khôi phục nguồn lợi thủy sản nhằm xây dựng nghề cá bền vững. Với sự vào cuộc tích cực của người dân, nhiều rạn san hô đã phục hồi, có những loại cá tưởng như biến mất đã trở lại.

Khu vực biển được giao cho cộng đồng quản lý ở huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: Xuân Hương

100m2 biển từng không có con gì

Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, toàn tỉnh Bình Thuận có 192km đường bờ biển với hơn 14.000km2 được trong diện quản lý khai thác thủy sản. Vùng biển của tỉnh Bình Thuận có nhiều hệ sinh thái điển hình bao gồm: Rạn san hô, thảm cỏ biển, rạn đá ngầm, vùng triều..., đặc biệt ven biển có sự phân bố nhiều loài thân mềm hai mảnh vỏ với trữ lượng lớn, có giá trị kinh tế cao (điệp, sò lông, bàn mai...). Tỉnh Bình Thuận còn có 2 khu bảo tồn biển quốc gia là Hòn Cau và Phú Quý với đa dạng sinh học cao.

Hiện, toàn tỉnh Bình Thuận có 7 huyện, thị xã, thành phố và 35 xã, phường, thị trấn có nghề khai thác hải sản với 7.530 tàu cá chiều dài từ trên 6m. Trong những năm trước, việc khai thác quá mức khiến cho nguồn lợi thủy sản ven bờ tỉnh Bình Thuận cạn kiệt, hệ sinh thái bị tàn phá, môi trường suy giảm. Ông Huỳnh Quang Huy, Chủ tịch Hội nghề cá Bình Thuận cho biết, địa phương này là một trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước, từng có nguồn lợi thủy sản lớn, nhưng cũng có thời điểm, biển của Bình Thuận không còn gì.

“Có giai đoạn, chúng tôi khảo sát 5 năm liên tục, nhưng 100m2 khảo sát không có một con gì. Bà con ngư dân lúc đó rất bức xúc. Đây là hệ quả của việc nhiều chủ trương quản lý không còn hiệu quả và quá tải. Cụ thể, Bình Thuận có đường bờ biển dài nhưng chỉ có 3 tàu kiểm ngư mà tốc độ chỉ đạt 7 hải lý/giờ, trong khi tàu đánh cá tốc độ lên đến 14 hải lý/giờ, không thể kiểm soát nổi.” - ông Huy kể lại.

Từ thực tế đó, tỉnh Bình Thuận đã triển khai mô hình giao cho ngư dân tự quản lý, phục hồi nguồn lợi thủy sản. Ông Huy kể: “Ban đầu, tôi mất 30 buổi uống cà phê mới kiếm được 5 ngư dân tham gia vào dự án giữ biển, từ đó lên 10 người, thành lập Ban vận động hình thành cộng đồng để giữ biển vào năm 2013. Quá trình lo thủ tục để thành lập cộng đồng này, phải thông qua 37 văn bản với 4 lần phản biện và thời gian đầu triển khai rất khó khăn vì không có nguồn lực, ngư dân nhiều người còn không tin tưởng”.

Nhưng chỉ sau 2 năm nỗ lực, cộng đồng này đã phát huy hiệu quả. Lượng giã cào, xâm phạm giảm 90%. Ông Huy thông tin: “Năm 2015, khi khảo sát, chỉ 1m2 đã có 426 đối tượng thủy sản và người dân cũng đã hiểu được bảo tồn là thế nào, tác dụng ra sao, phục hồi được nguồn lợi thủy sản”.

Tôm bạc xuất hiện trở lại

Với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), đến nay, tỉnh Bình Thuận xây dựng, vận hành được 3 tổ chức Hội cộng đồng ngư dân tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017 tại 3 xã: Thuận Quý, Tân Thành, Tân Thuận thuộc huyện Hàm Thuận Nam theo mô hình Hội nghề nghiệp.

Sinh kế của người dân ổn định hơn nhờ nguồn lợi thủy sản được bảo vệ và phục hồi. Ảnh: Xuân Hương

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, đại diện UNDP cho biết, Hội cộng đồng ngư dân 3 xã được thành lập theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ và được giao quyền quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản với diện tích 4.340ha (gần như toàn bộ phần ven biển của huyện Hàm Thuận Nam). Thông qua 3 tổ chức Hội cộng đồng ngư dân, tinh thần đoàn kết cộng đồng được nâng cao, phát huy tối đa sức mạnh của tập thể; các hoạt động nghề cá được tổ chức bài bản, có kỷ luật và nền nếp hơn so với trước đây. Từ một vài hộ dân đăng ký tham gia ban đầu, đến nay, các hội đã kết nạp được 288 hộ.

Đối tượng, mục tiêu mà các cộng đồng bảo vệ là: Sò lông, hệ sinh thái rạn san hô, mực, bạch tuộc, ốc hương... Các Hội cộng đồng ngư dân đã tự huy động đóng góp được 210 triệu đồng để xây dựng nguồn quỹ duy trì hoạt động và tổ chức các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, tổ chức thi công 41 cụm rạn nhân tạo trên biển để đánh dấu, ngăn chặn nghề lưới kéo, tạo nơi sinh sống, sinh sản cho nguồn lợi, giúp ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập cho ngư dân. Các hội cũng xây dựng và vận hành được 3 quỹ vay vốn sinh kế và nguồn lợi sò lông đều xuất hiện ổn định hàng năm, với trữ lượng lớn.

Ông Huy cho biết: “Từ năm 2017 đến nay, sau khi nguồn hỗ trợ của UNDP kết thúc, các tổ chức trên vẫn hoạt động hiệu quả, người dân ngày càng tự giác tham gia. Năm 2015, có những đêm, ngư dân làm cả năm không kiếm nổi 500.000 đồng nhưng bây giờ, có đêm kiếm được đến 10 triệu đồng từ thủy sản. Đặc biệt, từ năm 1976 đến nay, tôm bạc mới xuất hiện trở lại, đây là loài có giá trị kinh tế rất cao”.

Đây là kết quả của việc người dân tham gia vào cộng đồng bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản, cụ thể là làm cội chà thả xuống biển để tôm cá có nơi phát triển. Nếu như thời gian đầu rất nhiều người lên án việc thả cội chà, cho rằng ảnh hưởng đến giao thông biển thì bây giờ, ngư dân còn tự bỏ tiền làm cội chà để thả xuống biển, tái tạo nguồn tôm cá.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền nhận định, Hội cộng đồng ngư dân đã từng bước phát huy vai trò là trung tâm đoàn kết, giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống nghề cá của địa phương; trở thành nền tảng và động lực cho việc xây dựng nghề cá hiện đại, văn minh; góp phần thực hiện chương trình nông thôn mới tại các xã của huyện Hàm Thuận Nam. Đây là mô hình phù hợp để các địa phương trong cả nước nghiên cứu, vận dụng trong thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản.

Từ hiệu quả của 3 mô hình trên, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho các Hội cộng đồng ngư dân tại huyện Hàm Thuận Nam. Đồng thời, xây dựng các mô hình sinh kế, tạo nguồn thu bền vững cho các hội bao gồm: Mô hình nuôi vẹm xanh và một số đối tượng tiềm năng khác; mô hình du lịch cộng đồng. Cùng với đó, tỉnh Bình Thuận cũng có kế hoạch nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các địa phương khác trong tỉnh; xây dựng cơ chế hợp tác, đồng quản lý giữa cộng đồng ngư dân với khu bảo tồn biển.

Xuân Hương (bienphong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang