Trên hành trình hiện đại hóa nghề cá

07:42 23-08-2023

VBĐVN.vn - Bên cạnh việc thực hiện cập nhật vào dữ liệu chung quốc gia, thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực hiện đại hóa nghề cá và ứng dụng công nghệ thông tin vào giám sát, kiểm soát tàu cá, tạo điều kiện để ngư dân vươn khơi, bám biển.

Đội điều hành kiểm tra thông tin tàu cá trên biển qua hệ thống.

Nhanh, đầy đủ, chính xác hơn

Mỗi ngày, anh Ngô Tấn Vũ, Đội điều hành Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) cùng đồng nghiệp đều bắt đầu ca làm việc mới bằng những phần việc quen thuộc. Đó là nhận thông tin và xuất-nhập bến cho tàu, thu nhận sổ và nhật ký khai thác hành trình, kiểm tra các thông tin tàu cá trên hệ thống…

Khi có thông báo, anh Vũ sẽ kiểm tra trên hệ thống giám sát và quản lý tàu cá quốc gia để biết các tàu cá có chấp hành và bảo đảm các quy định về đánh bắt trong quá trình hoạt động trên biển hay không. Nếu thực hiện tốt, đội điều hành sẽ sắp xếp cho tàu cập cảng và bốc dỡ hàng hóa. Đồng thời, các anh sẽ căn cứ vào nhật ký hành trình để cập nhật số liệu chính xác về sản lượng của từng loài cá đánh bắt.

"Việc kiểm tra trước các hoạt động của tàu sẽ giúp cho chủ tàu cùng đơn vị dễ xử lý các vấn đề hơn. Bây giờ, lượng công việc nhiều hơn trước, tuy nhiên, với việc tích hợp và lưu trữ dữ liệu trên hệ thống, lại có máy móc hỗ trợ, mọi việc cũng nhanh và đạt tính chính xác hơn", anh Vũ chia sẻ.

Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá địa phương đã đăng ký vào Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Việt Nam Vnfishbase; đối với tàu hơn 15 mét cũng đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và cập nhật thông tin trên hệ thống giám sát tàu cá. Từ năm 2015-2022, thành phố đã hỗ trợ lắp đặt 747 máy thông tin liên lạc tầm xa trên tàu cá và 562 thiết bị giám sát hành trình; trang bị ba trạm bờ thông tin liên lạc và phân quyền sử dụng, xử lý dữ liệu giám sát tàu cá cho các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Anh Lê Văn Chiến, chủ tàu cá ĐNa 90351 (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), là một trong những người đầu tiên thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Với thời gian mỗi chuyến đi từ 15-20 ngày, thông tin về thời tiết hoặc tình hình sự cố bất thường trên biển đều có thể kịp thời phát tín hiệu thông báo cứu trợ giúp đỡ nhờ các thiết bị đã được lắp đặt.

Anh Lê Văn Chiến tâm sự: "Việc có các máy móc thiết bị cũng mang đến nhiều thông tin cần thiết khi ở trên biển để phòng tránh rủi ro. Tuy nhiên, nhiều lúc hệ thống vẫn bị lỗi mạng, làm mất tín hiệu, nên khi cập cảng cũng cần thêm thời gian để hoàn thành các thủ tục".

Ðẩy mạnh truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị

Đà Nẵng hiện có 1.239 tàu cá. Trong đó, tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên (vùng khơi) là 597 chiếc (chiếm 48%). Địa phương cũng thực hiện cập nhật thông tin quản lý tàu cá, tàu thuyền trên hệ thống điều hành thành phố, ngoài ra, còn có hệ thống camera ở cảng cá.

Anh Nguyễn Lại, Trưởng Ban quản lý âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang nêu ý kiến, bên cạnh việc ứng dụng các hệ thống cũng như triển khai công tác số hóa, nếu có thể áp dụng thêm Nhật ký khai thác điện tử sẽ minh bạch và rõ ràng hơn, giảm được khâu thu nhận, kiểm tra giấy. Chúng tôi cũng hy vọng trên phần mềm có thể theo dõi liên thông giữa các cảng cá với nhau, để nắm bắt thông tin một cách đầy đủ nhất.

Trong giai đoạn từ 2015-2023, nhờ các chính sách hỗ trợ phát triển khai thác thủy sản của Trung ương và địa phương, ngư dân Đà Nẵng đã có điều kiện cải hoán, nâng cấp, đóng mới nhiều tàu công suất lớn để vươn khơi khai thác. Cơ cấu tàu thuyền chuyển đổi theo hướng giảm số lượng tàu khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng, tăng mạnh số lượng khai thác ở vùng khơi, phù hợp định hướng phát triển khai thác, nuôi trồng thủy sản của Chính phủ.

Thành phố cũng đã ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ ngư dân Đà Nẵng phát triển khai thác thủy sản, như: hỗ trợ 40% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu (ngoài mức hỗ trợ 50% theo các chính sách của Trung ương); hỗ trợ 50% kinh phí để trang bị máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm; máy, thiết bị dùng trong khai thác thủy sản…

Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, chú trọng áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm từ khai thác, bảo quản, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm phân tích và dự báo tình trạng ngư trường trong tương lai… Không chỉ phục vụ yêu cầu hiện đại hóa nghề cá, các dữ liệu thu thập được còn vô cùng hữu ích với mục tiêu bảo vệ nguồn tài nguyên biển.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng Phan Văn Mỹ chia sẻ: Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong khai thác thủy sản xa bờ là yêu cầu bắt buộc nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm khai thác, nâng cao năng lực quản lý của cơ quan nhà nước. Các trang thiết bị thành phố đã hỗ trợ cùng sự nỗ lực của ngư dân đã giúp hình thành mạng lưới thông tin liên lạc thông suốt giữa tàu với tàu, giữa biển với đất liền, giám sát 100% số tàu cá hoạt động ở vùng khơi. Những thay đổi này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố nâng cao năng lực quản lý hoạt động tàu cá, giúp bảo đảm an toàn cho ngư dân và tàu, xử lý các tranh chấp nghề cá trên biển.

Thanh Tâm (nhandan.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang