Tự chủ phương tiện trên tuyến vận tải chiến lược

07:52 12-10-2021

VBĐVB.vn - Năm 1960, Xưởng đóng tàu 1 Hải Phòng được Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ đóng tàu để chở vũ khí vào miền Nam. Tháng 8-1962, tại đây đã ra đời những con tàu gỗ đầu tiên trọng tải từ 30 đến 50 tấn dành riêng cho Đoàn 759.

Ngày 11-10-1962, thủy thủ của Đoàn 759 với tàu gỗ đã chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Tuy nhiên, tháng 11-1962, Tàu gỗ Bình Minh chở vũ khí từ Hải Phòng vào Nam, đến vùng biển Nghệ An thì bị tràn nước và được đưa về căn cứ. Sau chuyến đi không thành công của Tàu gỗ Bình Minh, Bộ Quốc phòng nhận định: Không thể sử dụng loại tàu gỗ để chạy ngoài khơi trong thời gian nhiều ngày mà cần dùng những phương tiện vận chuyển tốt hơn trong mọi điều kiện thời tiết. Quân ủy Trung ương giao cho Xưởng đóng tàu 3 Hải Phòng đóng những chiếc tàu vỏ sắt trọng tải từ 45 đến 100 tấn.

Tàu gỗ Phương Đông 1 (do Xưởng đóng tàu 1 Hải Phòng đóng) chở vũ khí vào Cà Mau thành công (tháng 10-1962). Ảnh tư liệu

Ngày 17-3-1963, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên do Xưởng đóng tàu 3 thi công, chở 44 tấn vũ khí rời Đồ Sơn lên đường chi viện miền Nam. Đêm 24-3, tàu đã bí mật cập bến ở Trà Vinh. Cuối năm 1963, với tàu vỏ sắt, Đoàn 759 đã tổ chức được 25 chuyến, vận chuyển 1.430 tấn vũ khí cập các bến: Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa an toàn, góp phần quan trọng để quân và dân Nam Bộ đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch, giành thắng lợi trên các chiến trường.

Cuối tháng 1-1964, Đoàn 759 thuộc Bộ Tổng Tham mưu chuyển về và đổi tên là Đoàn 125 thuộc Quân chủng Hải quân. Đoàn 125 được bổ sung 6 tàu vỏ sắt do Xưởng đóng tàu 3 sản xuất và một số tàu vỏ gỗ mới, được cải tiến trang bị phù hợp với hoạt động trên biển. Cuối năm 1967, Bộ tư lệnh Hải quân phối hợp với Xí nghiệp đóng tàu Kiến An thi công thuyền vận tải vỏ gỗ chạy buồm, lắp máy 3Đ6, cung cấp cho Đoàn 125.

Để đáp ứng yêu cầu chi viện cho miền Nam, theo đề nghị đặc biệt của Việt Nam, các nước bạn đã hỗ trợ trang bị cho chúng ta những chiếc tàu sắt có trọng tải lớn, trong đó có những con tàu dài đến 50m, lượng giãn nước lớn, đóng theo dạng tàu đánh cá, được trang bị các loại máy móc hiện đại, như: Bộ phận giảm thanh, bảo đảm ngoài 200m không thấy tiếng máy nổ; được trang bị máy đo độ sâu, máy dò tìm chướng ngại vật ngầm, máy dò tìm thủy lôi; trang bị các loại súng 12,7mm, 14,5mm, súng ĐKZ...

Một sự kiện đáng chú ý là năm 1961, kỹ sư Trịnh Xương, Giám đốc Phân viện Thiết kế tàu thủy thuộc Cục Cơ khí, Bộ Giao thông vận tải, được giao nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế những con tàu trọng tải 100 tấn có khả năng chở nhiều vũ khí, đạn dược vào miền Nam. Nhận nhiệm vụ, kỹ sư Trịnh Xương cùng đồng sự ngày đêm nghiên cứu, thiết kế. Xưởng đóng tàu 3 Hải Phòng là đơn vị trực tiếp thi công. Con tàu vỏ thép 100 tấn đã ra đời trong vòng 4 tháng. Tàu dài 32m, rộng 6,4m, mớn nước 2,4m, máy của Đức 225 HP. Tàu có thể chịu được gió giật cấp 8, cấp 9, nhiên liệu đủ cho 20 ngày đêm hoạt động liên tục. Sau đó, tàu 100 tấn được đóng hàng loạt tại nhiều nhà máy để bảo đảm phương tiện cho Đoàn 125 chuyên chở vũ khí, cán bộ, chiến sĩ vào các chiến trường.

Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang