Tự hào Trường Sa thiêng liêng. Bài 2: Vững vàng làm chủ biển, đảo quê hương
VBĐVN.vn - Nhiều cán bộ, chiến sĩ Hải quân dành phần lớn quãng đời binh nghiệp chiến đấu bảo vệ, góp sức xây dựng Trường Sa, bằng tình yêu, sự trải nghiệm thực tế, giúp những người lính nắm được quy luật vùng nước, địa chất, địa hình đáy biển ở từng điểm đảo khác nhau. Rồi thế hệ đi trước “truyền lửa” để cán bộ, chiến sĩ trẻ lực lượng Hải quân Việt Nam không ngừng rèn luyện trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, vững vàng làm chủ phương tiện, trang thiết bị, vũ khí hiện đại để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, xây dựng Trường Sa giàu mạnh.
“Tôi ở Trường Sa nhiều hơn ở nhà”
Trong buổi trò chuyện với thành viên đoàn công tác ra thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Chuẩn Đô đốc Phan Tuấn Hùng, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân chia sẻ: “Tôi đã có 39 năm trong quân ngũ, phần lớn thời gian đó thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển, đảo Trường Sa. Có thể nói, tôi ở Trường Sa còn nhiều hơn ở nhà, hiểu rõ từng con nước, địa chất, địa hình dưới lòng biển ở các điểm đảo khác nhau. Cán bộ, chiến sĩ Hải quân sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối, mong mọi người có sức khỏe tốt, hoàn thành hải trình thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 một cách trọn vẹn, ý nghĩa nhất”.
Khi tàu dần rời xa đất liền, bốn bề chỉ còn biển cả, tôi và một số đồng nghiệp tìm đến xin được gặp Chuẩn Đô đốc Phan Tuấn Hùng để được nghe ông kể về quãng đời binh nghiệp, thực hiện nhiệm vụ ở biển, đảo Trường Sa. Phòng nghỉ của ông Hùng được sắp xếp ở vị trí cao nhất của con tàu, sát với phòng điều hành của thủy thủ đoàn. Ở đây cảm nhận rõ được sự rung lắc của con tàu khi lướt trên từng đợt sóng biển.
Câu đầu tiên, ông Hùng hỏi và rồi trả lời như giải thích với chúng tôi: “Các cô, cậu có bị say sóng không? Ở đây độ cao lớn, ai không quen sẽ rất mệt”. Cuộc trò chuyện diễn ra trong không khí cởi mở, ông Hùng say sưa kể về quãng đời binh nghiệp của mình. Sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Hải quân Việt Nam vào năm 1987, chàng sĩ quan trẻ Phan Tuấn Hùng được điều động, biên chế trên một con tàu thuộc Vùng 4 Hải quân thực hiện nhiệm vụ ở khu vực biển, đảo Trường Sa. Năm 1988, khi cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma, ông là thuyền phó của một con tàu đang thực hiện nhiệm vụ tại đảo Đá Lớn.
“Phần lớn cuộc đời binh nghiệp của tôi là ở vùng biển, đảo Trường Sa, ban đầu là thủy thủ tàu, lên thuyền phó, thuyền trưởng, chỉ huy đảo... cho đến cương vị như bây giờ. Có một điều đặc biệt, dù ở vị trí công tác nào, tôi đều theo tàu thực hiện nhiệm vụ, nhất là vùng biển, đảo Trường Sa” - Chuẩn Đô đốc Phan Tuấn Hùng khẳng định.
Ông Hùng cũng chia sẻ rằng, trước đây, Quân chủng Hải quân chưa được trang bị những con tàu lớn, hiện đại, hải trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ trên vùng biển, đảo Trường Sa gặp nhiều khó khăn hơn. Trong điều kiện trang bị kỹ thuật trên những con tàu còn đơn giản, chỉ huy, thủy thủ phải phát huy được kinh nghiệm thực tế và tính sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ .
“Chính vì lẽ đó mà phần lớn chỉ huy tàu thế hệ chúng tôi có thể nắm được đặc tính vùng nước, địa chất, địa hình đáy biển khu vực thả neo tàu của từng điểm đảo khác nhau thuộc quần đảo Trường Sa. Trong điều kiện cần thiết, chúng tôi có thể hoàn thành hải trình nối đất liền với vùng biển, đảo Trường Sa và ngược lại mà không cần sự hỗ trợ của hải đồ, thiết bị trên tàu. Tôi thường nói với bạn bè, người thân rằng, lính Hải quân có thể lạc đường trên đất liền nhưng vùng biển, đảo Trường Sa thì nhớ rất chính xác” - ông Hùng chia sẻ.
Tự hào tiếp bước
Trước khi lên tàu thực hiện hải trình dài thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Quân chủng Hải quân tổ chức cho đoàn công tác được tham quan thực tế tại một số đơn vị trực thuộc ở quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Tại Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân, mọi người được phép lên tàu Đinh Tiên Hoàng - một trong những tàu chiến đấu mặt nước hiện đại nhất của Quân chủng Hải quân. Khi đến thăm Lữ đoàn Tàu ngầm 189, tận mắt chứng kiến các loại vũ khí hiện đại được biên chế trong lực lượng Hải quân và nghe giới thiệu về quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ tàu ngầm càng làm cho mọi người thêm tự hào, tin tưởng vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Nhiều năm trước, từ yêu cầu thực tiễn bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, quán triệt chủ trương lãnh đạo của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ IX đã quyết định xây dựng lực lượng Hải quân là một trong 5 đơn vị đầu tiên của toàn quân tiến lên hiện đại. Được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân quan tâm, đầu tư, chăm lo, những năm 2010-2015 là thời kỳ Hải quân nhân dân Việt Nam phát triển với tốc độ rất nhanh, tạo bước tiến quan trọng cả về lượng và chất.
Đến năm 2014, Hải quân đã có đủ 5 thành phần lực lượng chiến đấu gồm: Tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hải quân, pháo binh - tên lửa bờ, hải quân đánh bộ - đặc công hải quân. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục, đào tạo ở các bậc trình độ chuyên môn kỹ thuật hải quân từ sơ cấp đến đại học và trên đại học được trang bị và cải tiến thiết bị phục vụ dạy và học hiện đại, giáo trình giảng dạy tiên tiến. Nhờ đó, lực lượng Hải quân đang có đội ngũ cán bộ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên” làm chủ phương tiện, vũ khí trang thiết bị, chủ động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Thực tế cho thấy, phần lớn chỉ huy, thủy thủ đoàn trên tàu 571, Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân có nhiệm vụ chở đoàn thực hiện hải trình thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 lần này cũng có tuổi đời còn rất trẻ. Theo giới thiệu, tàu 571 là một trong những con tàu hiện đại của Quân chủng Hải quân thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tại vùng biển, đảo Trường Sa. Cả Đại úy Phan Tiến Định, Thuyền trưởng và Thượng úy Lê Vũ Nhân, Chính trị viên tàu 571 đều mới ngoài 30 tuổi, cùng tốt nghiệp Học viện Hải quân, với gần 8 năm kinh nghiệm bám tàu thực hiện nhiệm vụ. Khi được hỏi, những sĩ quan trẻ trên tàu 571 tự tin khẳng định, cùng với làm chủ con tàu hiện đại, họ còn nắm chắc được khí tượng thủy văn, địa hình, địa chất vùng biển, đảo Trường Sa.
“Chỉ cần tàu đến vùng biển, đảo, trong trí nhớ chúng tôi đã có thể nhận biết được chính xác địa điểm cụ thể thả neo” - Đại úy Phan Tiến Định cho biết. Khi được hỏi về quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thượng úy Lê Vũ Nhân cũng chia sẻ: “Cán bộ, chiến sĩ trên tàu 571 luôn ra sức huấn luyện, học tập nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị. Trên cơ sở đó sẽ bình tĩnh, tự tin giải quyết tốt các tình huống diễn ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm đúng đối sách, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Bài 3: Trường Sa mắt thấy, tai nghe
Viết Lam - Ngọc lâm - Thùy An
(bienphong.com.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận