Tuyến vận tải đường biển chiến lược
VBĐVN.vn - Việc thiết lập “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã đánh dấu sự ra đời của một phương thức chi viện mới, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tuyến đường vận tải biển đặc biệt này đã có vai trò hết sức quan trọng, trực tiếp chi viện lực lượng, trang bị, vũ khí... cho chiến trường miền Nam; góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ nhận thức đúng đắn và xác định rõ vị trí, vai trò của từng miền trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, Đảng ta đã hình thành chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp để xây dựng, củng cố hậu phương chiến lược; gắn mọi hoạt động của hậu phương lớn miền Bắc với hoạt động của tiền tuyến lớn miền Nam; làm tròn nghĩa vụ của hậu phương - căn cứ địa cách mạng của cả nước. Cụ thể, thực hiện chủ trương của Đảng, Bộ Chính trị giao cho Quân ủy Trung ương mở đường vận chuyển chiến lược trên bộ dọc theo dãy Trường Sơn và đường vận tải trên biển, nhằm chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Con đường biển đánh dấu sự hình thành bằng chuyến tàu đầu tiên chở 30 tấn vũ khí của Đoàn 759 rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng), cập bến Vàm Lũng (Cà Mau), ngày 19-10-1962. Với sự quan tâm đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện biểu dương và căn dặn: Đoàn 759 hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh, nhiều vũ khí cho đồng bào miền Nam đánh giặc, cho Nam - Bắc sớm sum họp một nhà (1). Đường Hồ Chí Minh trên biển đã làm tốt vai trò tiếp viện kịp thời cho chiến trường miền Nam, góp công, góp sức, cùng quân dân cả nước làm nên thắng lợi của Chiến dịch mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Với phương châm hoạt động bí mật, bất ngờ, sử dụng các loại tàu nhỏ, ngụy trang giống tàu đánh cá, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã mở ra một hướng chi viện mới, hết sức quan trọng, đưa hàng chi viện của miền Bắc đến với các chiến trường xa mà tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ chưa có điều kiện vươn tới được. Tháng 8-1963, Đoàn 759 được giao cho Quân chủng Hải quân phụ trách và quân chủng trực tiếp đảm đương nhiệm vụ vận chuyển, chi viện đường biển cho các chiến trường miền Nam. Ngày 24-01-1964, Đoàn 759 được điều chỉnh tổ chức, phát triển thành Lữ đoàn 125 Hải quân. Trong hơn 3 năm đầu hoạt động (1962-1965), Đường Hồ Chí Minh trên biển đã chi viện cho các tỉnh ven biển thuộc chiến trường Khu 5, Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ 89 chuyến tàu, với gần 5.000 tấn vật chất, chủ yếu là vũ khí, đạn dược.
Trong 4 năm (1965-1968), Đoàn 125 đã tổ chức 27 chuyến tàu, trong đó chỉ có 7 chuyến tàu tới đích, giao được hơn 400 tấn hàng quân sự cho các chiến trường. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tận dụng thời điểm không quân Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, Đoàn 125 đã vận chuyển được một khối lượng hàng lớn tới các địa điểm vùng giới tuyến. Đồng thời, ta cũng tổ chức vận chuyển hàng viện trợ quân sự của các nước anh em bằng tàu biển quốc tế, quá cảnh qua cảng Xi-ha-núc Vin (Cam-pu-chia). Theo số liệu được Quân chủng Hải quân công bố, tính chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuyến chi viện chiến lược – “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã trực tiếp và gián tiếp vận chuyển hơn 96.000 tấn vũ khí, đạn dược và các vật chất khác cùng hơn 170.000 lượt cán bộ chiến sĩ chi viện chiến trường miền Nam (2).
Vượt qua những thử thách ác liệt, gian nan, đấu trí, đấu lực căng thẳng với địch và sóng gió biển khơi, các chiến sĩ Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận tải, chi viện cho cách mạng miền Nam, góp phần rất quan trọng tăng cường nhanh chóng sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang giải phóng. “Đường Hồ Chí Minh trên biển” góp phần chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Kết quả từ những chuyến “tàu không số” đã trực tiếp góp phần đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, xây dựng và phát triển khối chủ lực ở chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ; góp phần quan trọng trong những chiến thắng oanh liệt của quân dân ta ở Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã, Đồng Xoài...
Có thể thấy, hiệu quả vận chuyển của tuyến chi viện chiến lược biển đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trên tất cả các vùng chiến lược, các địa bàn chiến lược ở miền Nam. “Đường Hồ Chí Minh trên biển” cũng trực tiếp đưa đón an toàn tuyệt đối hàng trăm cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội và các chuyên gia đầu ngành tăng cường cho chiến trường như các đồng chí: Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Thiện Thành, Nguyễn Thế Bôn... (3). Đặc biệt, sự xuất hiện kịp thời những vũ khí tương đối hiện đại, có tính năng chiến đấu cao được vận chuyển thông qua “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã góp phần làm thay đổi cách đánh của quân và dân ta, thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch.
Vận chuyển thành công hàng chục nghìn tấn hàng hóa, trang thiết bị, vũ khí, khí tài, đạn dược... chỉ với những phương tiện thô sơ, thuyền nhỏ, “tàu không số”, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã đi vào lịch sử dân tộc như một kỳ tích, một mốc son chói lọi, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ, sự hy sinh, lòng dũng cảm, khát vọng độc lập dân tộc. Đồng thời, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” cũng là tuyến vận tải quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong quá tình tăng cường nhân lực, vật lực phục vụ cho chiến trường miền Nam, trực tiếp góp phần hàng loạt thắng lợi của quân dân miền Nam, đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tài liệu tham khảo:
(1). Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr 47.
(2). Bộ Tổng Tham mưu 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 193, 194, 195.
(3). Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, Trung tâm Thông tin truyền thông vì môi trường phát triển, Nxb TTXVN, Hà Nội, 2011, tr. 70 - 72.
Theo dangcongsan.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận