Vai trò của biển và đại dương trong phát triển kinh tế-xã hội ở thế kỷ XXI
VBĐVN.vn - Sáng 29-3, tại thành phố Cần Thơ, Học viện Chính trị khu vực 4 phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: “Vai trò của biển và đại dương trong phát triển kinh tế-xã hội ở thế kỷ XXI: Kinh nghiệm quốc tế”.
Hội thảo nằm trong chương trình trọng điểm cấp Bộ “Khoa học xã hội và nhân văn về biển của Việt Nam phục vụ mục tiêu bảo vệ và phát triển đất nước”.
Tại Việt Nam, biển đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đem lại cho Việt Nam nhiều lợi thế về tài nguyên, về vị trí địa kinh tế, địa chiến lược đặc biệt; biển đã giúp Việt Nam chủ động mở rộng quan hệ giao thương kinh tế, đem lại các nguồn lực phát triển kinh tế thuận lợi…
Từ năm 2007, Việt Nam đã ban hành Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 theo Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Sau 10 năm thực hiện, vào năm 2018, Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 36/NQ-TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh và đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có những tiêu chí đánh giá thế nào là một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển; hoặc đề ra một hệ thống chính sách, giải pháp cần thiết, đầy đủ và hiệu quả nhất.
Mặt khác, trong khoa học xã hội, một số lĩnh vực quan trọng như khẳng định chủ quyền trên biển thông qua nghiên cứu luật pháp quốc tế, lịch sử, văn hóa, xã hội, phong tục tập quán cư dân biển, quan hệ quốc tế trên biển, kinh tế biển… vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Thiếu khoa học công nghệ biển, Việt Nam dễ vấp phải tình trạng thụ động trong triển khai chiến lược biển, không tuân thủ đúng luật chơi chung của thế giới, không khai thác hiệu quả các nguồn lợi từ biển mang lại và nguy hiểm hơn có thể gặp phải những thách thức do bối cảnh trong nước và thế giới mang lại…
Tại hội thảo, Ban tổ chức đã được nghe các chuyên gia khoa học và quản lý lĩnh vực kinh tế biển và đại dương, nhà nghiên cứu, giảng viên, cán bộ nghiên cứu trình bày các tham luận như: Phát huy vai trò của biển và đại dương trong bảo vệ quốc phòng, an ninh: Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới; kinh nghiệm phát triển kinh tế biển của Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản; kinh nghiệm phát triển kinh tế biển của Trung Quốc và Singapore…
“Các ý kiến phát biểu của các quý vị trong hội thảo khoa học rất đáng trân trọng, giúp chúng tôi có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn để thực hiện Chương trình trọng điểm cấp Bộ về biển của Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội”, góp phần khuyến nghị chính sách cho Đảng và Chính phủ trong việc thực hiện Chiến lược biển Việt Nam theo Nghị quyết số 36”, PGS, TS Trần Thị Lan Hương, Trưởng ban Ban Quản lý Khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh.
ĐỨC QUANG
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận