Vận dụng tối đa các chính sách thu hút đầu tư nuôi biển công nghệ cao

07:46 25-07-2024

VBĐVN.vn - Phát triển nghề nuôi biển là lợi thế rất lớn của tỉnh Ninh Thuận, do đó tỉnh đang tập trung quy hoạch vùng nuôi, phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất tiên tiến để nuôi trồng các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, năng suất sản lượng lớn, góp phần gia tăng giá trị ngành nông nghiệp của địa phương.

Mô hình lồng bè nuôi tôm hùm, cá biển của ngư dân huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Theo kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận sẽ phát triển diện tích vùng nuôi thủy sản chuyên canh với quy mô hơn 957 ha (khu vực C1) và vùng phát triển điện gió kết hợp nuôi trồng thủy sản với diện tích hơn 1.295 ha (khu vực C2) thuộc địa bàn huyện Ninh Hải.

Hoạt động trong các vùng nuôi phải đảm bảo tuân thủ sức tải môi trường, áp dụng quy trình nuôi tiên tiến, hiện đại phù hợp với từng đối tượng và loại hình nuôi. Vật liệu lồng nuôi cần đảm bảo chịu đựng được biến động bất lợi của thời tiết vùng biển hở như sóng to, gió mạnh và các rủi ro do thiên tai.

Các địa phương ưu tiên phát triển các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao như nhóm cá biển, nhóm giáp xác (tôm hùm, tôm biển,...), nhuyễn thể, rong biển. Đến năm 2030, Ninh Thuận phấn đấu đạt sản lượng giống thủy sản sản xuất phục vụ nuôi biển 625 triệu con; trong đó có 25 triệu con giống cá biển; 600 triệu con giống nhuyễn thể giáp xác. Dự kiến sản lượng nuôi biển toàn tỉnh sẽ đạt khoảng 5.000 tấn.

Kiểm tra trứng mực trong mô hình lồng bè nuôi mực bán tự nhiên ở xã Thanh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận).

Tỉnh Ninh Thuận xác định các nội dung đầu tư chủ yếu giai đoạn 2025 - 2030, bao gồm: xây dựng Đề án quản lý và phát triển vùng nuôi biển (vùng C1, C2); đầu tư hạ tầng và thí điểm nuôi biển công nghệ cao (vùng C1); hoàn thiện đầu tư hạ tầng vùng sản xuất giống phục vụ nuôi biển (vùng sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao An Hải, Nhơn Hải, Sơn Hải).

Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận thông tin, để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh đề ra 3 nhóm nội dung, nhiệm vụ: Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển nuôi biển ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững; hình thành các đội tàu dịch vụ hậu cần phục vụ nuôi biển theo hướng đa chức năng từ vận chuyển giống, thức ăn, công nghệ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển đến cơ sở chế biến; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất và chất lượng con giống phục vụ nuôi biển.

Tỉnh cũng đề ra 8 nhóm giải pháp; trong đó, tập trung kêu gọi đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, khoa học và công nghệ, có kinh nghiệm và quyết tâm cao tham gia đầu tư phát triển nuôi biển công nghệ cao. Đồng thời, có cơ chế phù hợp hỗ trợ cho người dân chuyển đổi từ nuôi lồng bè truyền thống, thô sơ sang nuôi bằng lồng bè hiện đại, tiên tiến theo hướng công nghiệp; hình thành mối liên kết theo chuỗi từ khâu cung ứng vật tư đầu vào, nuôi trồng đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Kiểm tra trứng mực trong mô hình lồng bè nuôi mực bán tự nhiên ở xã Thanh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận).

Nhằm hỗ trợ phát triển nghề nuôi biển, địa phương vận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp, cơ sở phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển với các ưu đãi về thuế, phí; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư phát triển nuôi biển công nghệ cao vùng nước sâu; chính sách bảo hiểm cho người lao động và cơ sở nuôi biển,...

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, địa phương sẽ tổ chức sắp xếp vị trí phù hợp, hài hòa giữa phương thức nuôi truyền thống và nuôi biển ứng dụng công nghệ cao; triển khai Luật Thủy sản 2017 và các quy định hiện hành liên quan đến việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển, lập hồ sơ môi trường, giao khu vực biển, đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè đảm bảo đúng quy định.

Bên cạnh đó, kết hợp hài hòa giữa nuôi biển với hoạt động của các ngành kinh tế khác (dịch vụ du lịch, điện gió...) để tận dụng hiệu quả diện tích mặt nước, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương; các tổ chức khoa học công nghệ; Hiệp hội nuôi biển Việt Nam; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống và nuôi biển để triển khai thực hiện kế hoạch.

Mô hình nuôi cá bớp trong lồng bè của ngư dân Ninh Thuận.

Với đường bờ biển dài hơn 105km, vùng lãnh hải rộng 18.000km2, Ninh Thuận là địa phương có nhiều tiềm năng về khai thác, nuôi trồng thủy hải sản. Khai thác lợi thế này, ngư dân ở các huyện ven biển Ninh Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Thuận Nam đã và đang đẩy mạnh đầu tư, phát triển nghề nuôi các loài cá biển đặc sản, các loài giáp xác và nhuyễn thể trong lồng bè.

Tính đến nay, trên địa bàn Ninh Thuận có khoảng 127 bè nổi với 2.400 lồng nổi và khoảng 1.000 lồng chìm đang nuôi tôm hùm tại các khu vực biển Bình Tiên, Mỹ Tân, Cà Ná, An Hải và vùng C1, C2; có khoảng 800 lồng bè nuôi cá biển; trên 1.000 bè nuôi hàu Thái Bình Dương tại khu vực Đầm Nại. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng toàn tỉnh đạt trên 5.012 tấn.

Tiềm năng nuôi các loại cá biển, hải sản của Ninh Thuận rất lớn, song hiện nay các địa phương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng này. Nguyên nhân do nghề nuôi biển chủ yếu mang tính tự phát, các hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, điều kiện cơ sở hạ tầng nuôi hạn chế, trình độ kỹ thuật của người nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu, mật độ lồng nuôi ngày càng gia tăng dễ dẫn tới nguy cơ phá vỡ quy hoạch tại các vùng nuôi.

Bài, ảnh: Nguyễn Thành (baotintuc.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang