Gỡ 9 nút thắt cho nuôi biển công nghệ cao
VBĐVN.vn - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa giao UBND tỉnh tiếp tục xây dựng đề án mở rộng mô hình nuôi biển công nghệ cao, đồng thời giải quyết 9 nút thắt trong nuôi biển.
Nuôi biển công nghệ cao mang lại hiệu quả vượt trội
Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết, sau 1 năm triển khai, hỗ trợ 10 hộ thí điểm nuôi biển công nghệ cao bằng lồng HDPE, đến nay 6 hộ đã thu hoạch đều mang lại hiệu quả vượt trội so với lồng nuôi truyền thống. Trong đó, mô hình nuôi cá bớp có tỷ suất lợi nhuận bình quân đạt 172%, mô hình nuôi tôm hùm đạt 112%, còn mô hình nuôi cá mú đạt 131%.
Trước hiệu quả mô hình trên triển khai tại vùng biển hở Cam Lập, ông Lê Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND TP Cam Ranh cho biết, mong muốn của người dân là được nhân rộng. Tuy nhiên khó khăn của người dân là vốn đầu tư lồng nuôi HDPE có giá trị lớn nên cần có chính sách hỗ trợ. Cùng với đó do chưa xác định được vùng nuôi cụ thể, tiến hành giao mặt nước để họ yên tâm nuôi biển. Về vấn đề này, hiện địa phương đang chờ quy hoạch không gian biển quốc gia ban hành và căn cứ các quy hoạch để tiến hành giao mặt nước biển cho hộ nuôi trồng thủy sản theo quy định.
Về chính sách tài chính cho nuôi biển trên địa bàn tỉnh, ông Đỗ Trọng Thảo, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngân hàng đã có công văn đề nghị Sở NN-PTNT phối hợp cung cấp danh sách ngư dân, doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại liên hệ, nhu cầu vay vốn tham gia chuyển đổi mô hình nuôi lồng truyền thống sang lồng HDPE và các công nghệ khác, để các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tiếp cận. Từ đó, cấp tín dụng cho ngư dân, doanh nghiệp trên cơ sở thẩm định, đánh giá tính khả thi của phương án dự án trong thời gian áp dụng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tích cực tiếp cận, thẩm định và cấp tín dụng cho khách hàng có nhu cầu chuyển đổi mô hình nuôi biển công nghệ cao với mức lãi suất ưu đãi, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của dự án. Đồng thời, Ngân hàng sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh tổ chức hội nghị kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp đối với lĩnh vực này trong thời gian tới.
Về lồng nuôi HDPE, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty STP Group cho biết, công ty đã làm chủ công nghệ này. Lồng HDPE của công ty sản xuất đủ loại (vuông, tròn) phù hợp từng vùng biển trong hoặc ngoài 3 hải lý, với giá thành hiện giảm 1/3 so với trước đây.
Để nhân rộng lồng nuôi HDPE, bà Bình đề xuất tỉnh cho công ty được phép đi cùng với Vingroup và các doanh nghiệp cho vay trả góp và cho thuê lồng nuôi HDPE. Về vấn này, công ty sẽ có kịch bản gửi Sở NN-PTNT, tuy nhiên bà Bình cho hay, mỗi hệ lồng có cả lưới, neo nên công ty có chính sách cho trả góp 50% chi phí trong vòng 2 năm, còn người dân chỉ thanh toán 50% chi phí còn lại.
Đối với con giống phục vụ nuôi biển, ông Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho biết, hiện nay nguồn giống trên địa bàn tỉnh rất đa dạng và có thể chủ động được con giống. Tuy nhiên, đối với tôm hùm thì còn phù thuộc vào nguồn nhập khẩu nước ngoài, chiếm tỷ lệ khoảng 70%.
Về thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi cá biển đã được nghiên cứu. Nhiều thức ăn đã được thương mại hóa. Còn thức ăn cho tôm hùm dù đã nghiên cứu nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra sản xuất thương mại.
Cần tháo gỡ 9 nút thắt nuôi biển
Sau khi nghe các ý kiến, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh cho rằng, cuộc họp hôm nay nhằm nhận diện các nút thắt để tháo gỡ, nhân rộng mô hình nuôi biển công nghệ cao toàn tỉnh. Từ đó, giúp người dân và doanh nghiệp nuôi biển gia tăng giá trị kinh tế và phát triển bền vững.
“Chúng ta cần xác định khó đến đâu gỡ đến đó. Dù khó nhưng chúng ta phải làm và đạt mục tiêu đề ra”, Bí thư nhấn mạnh và cho biết thêm, qua hội nghị này đã nhận diện 9 vấn đề cần được tháo gỡ để thúc đẩy nuôi biển công nghệ cao. Do đó, ông giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh và các Sở ngành, doanh nghiệp cùng phối hợp, triển khai.
Một là, cần tiếp tục khảo sát vùng nuôi biển tiềm năng để có thể xác định có thể mở rộng thêm vùng nuôi nay không.
Hai là, đối với các địa phương phải có trách nhiệm rà soát, phân loại toàn hộ nuôi, cũng như không để người dân mở rộng lồng nuôi trái phép.
Ba là, UBND tỉnh tiến hành quy hoạch vùng nuôi, giao khu vực biển cho nuôi trồng thủy sản cho người dân, tổ chức.
Bốn là, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa chủ trì, phối hợp sở ngành liên quan nghiên cứu chính sách tín dụng để giúp bà con chuyển đổi lồng nuôi HDPE.
Năm là, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt giúp xây dựng, báo cáo đề xuất cho chính sách bảo hiểm tài sản và con người làm việc trên lồng bè nuôi trồng thủy sản và trên các phương tiện phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển.
Sáu là, UBND tỉnh cần xác định tiêu chí lồng bè công nghệ cao kèm với kiểm định, từ đó để người dân tự chọn với giá cả phù hợp để chuyển đổi lồng nuôi HDPE.
Bảy là, đối với thức ăn, con giống phục vụ nuôi biển, UBND tỉnh làm việc các nhà khoa học. Đồng thời mời gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến thức ăn công nghiệp với chính sách ưu đãi.
Tám là, đối với việc thành lập HTX nuôi biển, Bí thư giao Liên minh Hợp tác xã tỉnh hỗ trợ xây dựng. Cùng với đó, Công ty Australis Việt Nam nghiên cứu trong việc liên kết với người dân để cùng nhau hỗ trợ, phát triển nuôi biển.
Chín là, đối với các vấn đề khác (như hạ tầng, thị trường, kết hợp du lịch…)UBND tỉnh nghiên cứu, từ đó có đề xuất để đầu tư hạ tầng vùng nuôi như phao tiêu, tàu hậu cần…
Đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết, sẽ tiếp tục tài trợ nhân rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, mỗi địa phương, Vingroup dự kiến hỗ trợ 10 hộ nuôi. Riêng TP Cam Ranh, Vingroup sẽ tài trợ nhiều hơn và giúp dân tiến ra xa hơn tại vùng từ 3-6 hải lý. Với mô hình này, Vingroup không chỉ hỗ trợ lồng, còn tài trợ thêm 2 chiếc tàu để đón dân từ cảng ra vùng biển hở.
Kim Sơ - Phương Chi (nongnghiep.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận