Vẹn nguyên nỗi nhớ
VBĐVN.vn - Mỗi lần xem lại những kỷ vật chiến tranh, Trung tá Lưu Công Hào, nguyên trợ lý tác chiến, Vùng 1 Hải quân, từng là thủy thủ của Đoàn tàu không số lại bồi hồi nhớ về trận chiến sinh tử cùng đồng đội trên biển năm 1968...
Trận chiến quyết tử
Đó là chuyến đi ngày 27-2-1968 của Tàu 43 với 17 thành viên, do Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng và Chính trị viên Trần Ngọc Tuấn chỉ huy. Tàu xuất phát từ cảng K20 (Hải Phòng) vượt biển vào huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi).
Ông Lưu Công Hào nhớ lại: Khoảng 0 giờ 50 phút ngày 1-3-1968, khi Tàu 43 đi gần tới bến thì địch bắn pháo sáng phát hiện tàu của ta. Ngay sau đó, địch điều 4 tàu chiến khép dần vòng vây hòng bắt sống tàu ta. Trước tình thế đó, Chính trị viên Trần Ngọc Tuấn động viên anh em giữ bình tĩnh, giả đánh bắt cá như các ngư dân nhằm che mắt địch. “Trong lúc đó, tôi được lệnh đập thùng khói mù tạo “núi khói” phủ kín tàu để anh em có thời gian mở ngụy trang vũ khí. Khi mọi người sẵn sàng, tôi đạp thùng khói mù xuống biển, các khẩu đội hỏa lực của ta nổ súng. Tàu địch cũng bắn dữ dội vào tàu của ta", ông Hào cho biết.
Theo trí nhớ của người lính tàu không số, trước khi tàu của ta bị chìm, địch đã huy động một tốp 3 chiếc trực thăng thả bom, bắn pháo sáng như ban ngày. Lúc đó, hàng hải số 1 Vũ Xuân Ruệ (quê ở Tiền Hải, Thái Bình) bị trúng đạn, hy sinh khi đang lái tàu. Giọng ông Hào trầm xuống: “Ngay lúc đó, Thuyền phó Nguyễn Văn Đức (sau này được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân) vào lái thay, được một lúc thì thuyền trưởng yêu cầu tôi vào lái thay anh Đức. Tiếp nhận vị trí mà lòng tôi nghẹn lại. Bên cạnh là hai chiến sĩ khẩu đội ĐKZ bị trúng đạn, hy sinh, hai khẩu đội 12,7mm bên trái và bên phải tàu cũng mất sức chiến đấu. Tàu của ta có nguy cơ chìm nhưng bắn cháy một trực thăng của địch. Lúc đó, trên tàu 3 đồng chí hy sinh, nhiều đồng chí bị thương. Tôi cũng bị thương ở tay, bụng và lưng. Cuộc chiến không cân sức, địch đông hơn ta gấp nhiều lần. Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng quyết định hủy tàu. Khi cán bộ, chiến sĩ Tàu 43 bơi cách tàu khoảng 200m hướng vào bờ thì khối bộc phá cài sẵn trên tàu được kích nổ. Con tàu như một quầng lửa giữa biển khơi”.
Dù hầu hết đã bị thương nhưng may mắn cả 14 thành viên còn lại đều vào được đến bờ. Cũng thời điểm đó, được sự chi viện kịp thời của bộ đội chủ lực và dân quân du kích huyện Đức Phổ, chúng tôi được chuyển vào khu dân cư an toàn. Khi chúng tôi vào hầm trú ẩn ở xã Phổ Khánh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) thì bộ binh và xe tăng địch ào đến nổ súng càn quét khu vực khoảng 30 phút, lửa đạn sáng rực cả bầu trời...”, ông Hào kể tiếp.
Nhớ bác sĩ Đặng Thùy Trâm
Tại nhà riêng ở phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, ông Hào cho chúng tôi xem những kỷ vật về Đường Hồ Chí Minh trên biển mà ông cất giữ cẩn thận. Trong đó có một kỷ vật đặc biệt là lưu bút của bác sĩ, anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.
Ông Hào cho biết, sau khi thoát khỏi vòng vây của địch, cán bộ, thuyền viên Tàu 43 được các y, bác sĩ ở Trạm Phẫu thuật tiền phương đóng quân ở núi Bộng Dầu, thôn Quy Thiện, xã Phổ Khánh chăm sóc, điều trị. “Sau đó, chúng tôi được đưa đến Bệnh xá Đức Phổ ở thôn Nước Đang, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, chúng tôi hay gọi là chị Thùy, trực tiếp theo dõi và điều trị cho chúng tôi từ ngày 10-3 đến 10-4-1968. Hơn hai năm sau, tôi nhận được tin đau xót, chị Thùy Trâm hy sinh trên đường công tác do bị địch phục kích ngày 22-6-1970”, ông Hào xúc động kể.
Nhớ về nữ bác sĩ có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, tận tình chăm sóc thương binh, ông Hào không cầm được nước mắt. Chị Thùy Trâm luôn gần gũi, hết lòng chăm sóc thương binh như người thân ruột thịt. Hai ngày trước khi rời Bệnh xá Đức Phổ về đơn vị, chị Thùy Trâm còn ghi lưu bút dài hai trang sổ tay tặng ông Hào. Lưu bút có đoạn: "... Gặp em, chị như thấy lại cả quê hương trong đôi mắt nhìn thắm thiết ở trong giọng nói quen thân, trong tiếng cười ấm áp của em... Bây giờ thời gian ngắn ngủi chị chẳng biết nói gì cho đủ, gửi vào trang sổ này tình thương đậm đà như màu đất quê hương của chị. Hãy gìn giữ lấy nó nghe em. Mong ước một ngày không xa, một buổi chiều nào đó trên bãi biển Đồ Sơn, chị lại được gặp em, được nắm tay em (cánh tay đau đã làm em mất ngủ mấy đêm ở trạm này, lúc ấy đã lành từ lâu rồi em nhỉ...".
Cuối những dòng lưu bút, bác sĩ Đặng Thùy Trâm còn ghi địa chỉ của gia đình chị để chàng lính trẻ có dịp sẽ tới thăm. Năm 1978, ông Hào lên Hà Nội tìm kiếm nhưng gia đình chị đã chuyển nhà. 10 năm sau đó, khoảng tháng 6-1988, nhờ cán bộ của Bảo tàng Hải quân giúp mà ông đã tìm được địa chỉ mới gia đình cụ Doãn Ngọc Trâm-mẹ của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, ở số nhà 147 Đội Cấn, Ba Đình (Hà Nội). Kể từ đó, ông luôn giữ liên lạc, thi thoảng lên Hà Nội thăm gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Mùa hè năm 1997, cụ Doãn Ngọc Trâm cùng các con cháu về thăm gia đình ông Hào và mọi người ra chụp ảnh tại Khu di tích Bến tàu không số K15, cây số 0, nơi xuất phát con đường Hồ Chí Minh trên biển), tại Hải Phòng.
Theo qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận