Vệt 3 bài: Đất và người giữa trùng khơi Tổ quốc. Bài 1: Vai kề vai vượt qua gian khó

14:20 13-07-2021

VBĐVN.vn - Quần đảo Trường Sa là địa danh thiêng liêng, là cái tên thân thương đối với mỗi người con đất Việt. Những ai được đến với Trường Sa và nhà giàn DK1, dù là lần đầu tiên hay nhiều lần vẫn luôn đong đầy cảm xúc. Chuyến công tác ra huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và nhà giàn DK1 của chúng tôi chỉ ngắn ngủi 10 ngày nhưng khi trở về, ai cũng mang trong lòng những tình cảm, nỗi nhớ khôn nguôi về đất và người giữa trùng khơi Tổ quốc...

Mỗi chuyến tàu ra thăm Trường Sa luôn mang theo bao nhiêu tình cảm từ đất liền đến với quân và dân trên đảo. Ngược lại, hòa mình vào cuộc sống nơi đây càng củng cố niềm tin cho những người trở về, rằng nơi đầu sóng ngọn gió dù còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng quân, dân Trường Sa luôn vững vàng, anh dũng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Mắt tôi “có bụi bay vào”...

Hành trình của chúng tôi ra thăm huyện đảo Trường Sa có điểm đến đầu tiên là đảo Sơn Ca. Hai ngày bồng bềnh trên biển khiến tôi mệt lử. Nhưng khi nghe ai đó reo lên “sắp đến đảo Sơn Ca rồi!”, tôi vội chạy lên boong. Nhìn từ xa, đảo Sơn Ca như một tấm thảm tròn màu xanh đang trôi giữa biển... Chao ôi, cái mảnh đất nhỏ xíu giữa mênh mông trời biển kia sao thiêng liêng đến lạ. Tất cả đoàn công tác đều chộn rộn, háo hức, vừa làm công tác chuẩn bị lên đảo, vừa tranh thủ chụp ảnh hòn đảo thân yêu...

Bước chân lên đảo, tôi ngỡ ngàng khi được đi dưới rợp bóng cây xanh. Quên cả mệt nhọc vì say sóng, tôi hào hứng đi khám phá, tìm hiểu về cuộc sống của những người lính biển... “Chị bỏ khẩu trang ra cho bọn em nhìn thấy mặt chị được không ạ?". Đang chăm chú quan sát và chụp cảnh bộ đội chuẩn bị bữa ăn trong bếp, tôi sững người vì lời đề nghị của anh nhân viên nấu ăn-Thiếu úy QNCN Hoàng Trung Kiên. Sau cái sững người ấy là một cảm xúc khó nói thành lời, có điều gì đó như nghèn nghẹn trong lồng ngực. Cách nói của Kiên rất nghiêm túc, thật thà, thiết tha chứ không mang ý bông đùa chút nào. Kiên bảo: “Hơn một năm qua, do dịch Covid-19 nên chưa có chuyến tàu nào ra thăm đảo, đoàn của chị là chuyến đầu tiên”.

Mỗi chuyến xuồng cập đảo mang theo tình cảm từ đất liền đến với bộ đội Trường Sa (ảnh chụp đầu tháng 4-2021).

Trò chuyện với bộ đội, chúng tôi được anh em tâm sự: "Từ hôm được chỉ huy thông báo sắp có đoàn ra thăm và kiểm tra, cả đảo đã xôn xao bàn luận, khấp khởi chờ mong. Nhất là mấy cậu lính trẻ, cứ đoán già đoán non không biết đoàn các thủ trưởng đi kiểm tra thì có văn công ra biểu diễn không? Với mỗi người Việt thì gia đình, bóng dáng người mẹ tảo tần, người chị, người vợ hiền dịu, người em gái thân thương luôn là nỗi nhớ, là chốn bình yên hướng về mỗi khi đi xa. Thế nên, sự mong ngóng dáng hình phụ nữ cũng là điều dễ hiểu của những chiến sĩ quanh năm bám trụ ở nơi ngàn trùng sóng vỗ này. Tôi trả lời không kịp những câu hỏi về tình hình trong đất liền, nhất về tình hình dịch Covid-19, bà con trong đất liền chống dịch như thế nào... Thêm một lần nữa, tôi phải nén cảm xúc khi thấy bộ đội đảo xa không hề kể về những gian khổ, hy sinh của mình mà chỉ lo cho người thân, cho quê nhà phải đối mặt với dịch bệnh nguy hiểm.

Trong hành trình đến Trường Sa trên con tàu KN 490, tôi có nhiều thời gian trò chuyện với Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân. Anh bảo: "Không nhớ đã bao lần đến với Trường Sa nhưng lần nào cũng nguyên cảm xúc như lần đầu". Suốt chuyến đi, tại tất cả điểm đảo mà đoàn dừng chân, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang đều ở lại đến cuối, cùng đoàn văn công giao lưu với bộ đội và người dân trên đảo. Chẳng câu nệ cao thấp, chẳng phân biệt tướng-quân, anh ngồi bệt xuống sàn nhà hát cùng bộ đội. Anh hỏi tôi: “Bộ đội Trường Sa thiếu nhất là gì nhà báo biết không?”. Khi tôi còn chưa nghĩ ra, anh đã trả lời giúp: “Thiếu tình cảm. Thế nên chúng ta ra với Trường Sa là mang ra tình cảm và mang về niềm tin”. Đúng vậy, sau chuyến đi, tôi nhận ra, chúng tôi mang ra tình cảm và nhận về ngoài những tình cảm ăm ắp của bộ đội nơi đảo xa còn là niềm tin tưởng chắc chắn rằng, các anh luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Thấy tôi là nữ, lại phải chạy đi chạy lại liên tục giữa trời nắng nên đến các đảo, người thì “mời nhà báo ăn bánh đặc biệt của lính đảo”, người lại mời kẹo, mời uống sữa cho đỡ mệt... Biết đó là chế độ của cán bộ, chiến sĩ trên đảo được bảo đảm theo định mức nên tôi khéo léo từ chối. Chúng tôi chỉ đến đảo vài ngày, vất vả ấy có thấm vào đâu so với các anh ở đây nên không nỡ lấy gì của bộ đội ngoài tình cảm. Những tình cảm ấy có lúc không bộc lộ ra mà giấu kín, lặng lẽ... Như khi ở đảo chìm Cô Lin, chúng tôi trở về tàu khi nắng chiều đã nhạt. Đang cắm cúi đi vội ra xuồng, bắt gặp chiến sĩ Trần Công Phú đứng tần ngần ở một góc, buồn thiu, mắt dường như có nước, tôi trêu: “Nhớ nhà hả em?”. Phú ngượng ngùng, lí nhí: “Em không chỉ nhớ nhà mà còn nhớ đoàn công tác. Mọi người đến xôn xao tiếng nói, tiếng cười, tiếng hát, đông vui nhộn nhịp. Giờ đoàn về hết, đảo lại vắng lặng quá!”. Tâm sự thật thà của Phú làm mắt tôi như “có bụi bay vào”. Với đàn ông, việc nói lên những xúc cảm trong lòng vốn rất hiếm hoi, nhất là với người xa lạ. Nhưng giữa sóng gió mênh mông này, người ta xích lại gần nhau hơn, không còn những e ngại để dễ dàng sẻ chia, đồng cảm. Ngồi trên xuồng, ngoái lại, tôi vẫn thấy Phú lưu luyến đứng nhìn theo đoàn công tác trong ráng chiều đỏ rực đang buông dần trên mặt biển. Mắt tôi ướt nhòe...

Gian nan càng tựa vào nhau...

Vì phải bảo đảm thời gian cho chuyến công tác nên tại các đảo, khi văn công biểu diễn là lúc các thành viên đoàn kiểm tra hoàn thành công việc. Tuy nhiên, thời gian văn công biểu diễn, một số cán bộ, chiến sĩ của đảo vẫn phải làm nhiệm vụ. Vì thế, để ưu tiên cho chiến sĩ được xem văn công thì đội ngũ cán bộ trên đảo "xung phong" thay chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ. Tôi chứng kiến chiến sĩ đảo Thuyền Chài khi được chỉ huy làm giúp nhưng vẫn cố ở lại hoàn thành nhiệm vụ rồi mới quay vào xem văn công, vì lo đồng chí chỉ huy đảo mới ốm dậy nên còn mệt. Hay tại thị trấn Trường Sa, tôi ngạc nhiên khi gặp đồng chí cán bộ quân y đứng gác. Hỏi chuyện, anh kể: “Chiến sĩ ở đây rất háo hức chờ đón đoàn công tác, cứ để ý lịch cắt gác, chỉ sợ mình không được xem văn công. Thế nên tôi đề nghị chỉ huy đảo cho gác thay để các cháu được xem văn công biểu diễn. Ở giữa biển khơi này, nếu không đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau thật khó mà hoàn thành được nhiệm vụ”.

Tình người nơi đảo xa là vậy, mối quan hệ cán-binh ở đây không chỉ là cấp trên-cấp dưới, đồng chí, đồng đội mà còn là chú-cháu, anh-em, đoàn kết, thương yêu như người thân trong gia đình. Các anh cùng sẻ chia những khó khăn, nhường nhịn nhau những điều tốt đẹp, nhờ thế mà họ có thể vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Trong chuyến đi, chính tôi cũng cảm nhận và thấu hiểu hơn những tình cảm này. Hôm đoàn lên nhà giàn DK1, sóng biển lớn, tiếp cận nhà giàn khá khó khăn. Chúng tôi ngồi trên xuồng, sóng nhồi lên nhồi xuống có lúc tưởng như bắn ra khỏi xuồng. Đồng chí Phó chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải quân phải nắm chặt tay tôi, giữ chặt sợ tôi rớt xuống biển. Trên xuồng hầu như ai cũng phải bám chặt vào người bên cạnh để ngồi vững hơn. Cái nắm tay lúc ấy đối với chúng tôi là sự sẻ chia, đồng lòng, dựa vào nhau để vượt qua những con sóng dữ. Ý nghĩa của sự đoàn kết người ta sẽ thấu hiểu nhất khi phải đối mặt với khó khăn, nguy hiểm. Cho nên khi đứng trên nhà giàn chênh vênh giữa biển, tôi càng khâm phục hơn tinh thần, ý chí của các chiến sĩ nơi đây. Trung úy Nguyễn Trung Kết, nhân viên quân y của Nhà giàn DK1/9, Ba Kè, tâm sự rằng: "Ngày thường thì không nói nhưng có những ngày mưa bão với nhiều bất trắc khó lường, hiểm nguy rình rập, giữa biển nước mênh mông, anh em trên nhà giàn phải động viên nhau, dựa vào nhau cùng vượt qua. Giữa muôn trùng sóng gió, nhìn phía trước, phía sau, phía nào cũng chỉ một màu xanh ngăn ngắt của biển, con người bỗng thấy mình quá nhỏ bé, mong manh. Ở đây, những bon chen đời thường không còn chỗ nữa. Biển thanh lọc tâm hồn để mỗi người luôn muốn sẻ chia, muốn gánh vác trách nhiệm. Không ai chỉ nghĩ cho riêng mình mà đều thấy cần phải sống có ý nghĩa hơn".

Hải trình qua các đảo trên quần đảo Trường Sa đã cho chúng tôi những trải nghiệm và hiểu biết mới mẻ. Xa đất liền, điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là nguồn nước ngọt khan hiếm nhưng Trường Sa vẫn rất xanh. Bộ đội Trường Sa là những chuyên gia thực sự trong lĩnh vực tăng gia, sản xuất. Cùng với sự quan tâm về vật chất, tinh thần từ đất mẹ, cộng với sự chủ động, tích cực trong việc nâng cao đời sống, Trường Sa vẫn đang ngày ngày được “xanh hóa”. Cán bộ, chiến sĩ nơi đây luôn thực sự coi đảo là nhà, đoàn kết yêu thương nhau, một lòng gắn bó với biển, đảo, vững vàng trước mọi gian nan, thử thách.

Ngọc Hân

Bài 2: Sắc hoa giữa điệp trùng xanh

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang