Vị tướng nặng lòng với Trường Sa

15:59 30-07-2021

VBĐVN.vn - Lật giở từng trang sách ảnh “Hiên ngang Trường Sa” do nhiếp ảnh gia Trần Quốc Dũng tặng năm 2017, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu rơm rớm nước mắt.

Ông bảo: “Nhờ Đảng, Nhà nước và toàn thể hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm cũng như sự nỗ lực phi thường của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nên giờ đây đời sống, sinh hoạt, học tập trên các đảo giờ tiện nghi quá. Trường Sa là máu thịt của Tổ quốc. Tôi đã gắn bó với Trường Sa tròn 20 năm (1975-1995), nên nói đến Trường Sa, nhìn thấy Trường Sa là tôi xúc động lắm”.

Trường Sa sau ngày giải phóng

Ký ức về Trường Sa sau ngày đất nước giải phóng vẫn nguyên vẹn trong tâm trí vị tướng già. Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh kể rằng: “Sau khi non sông thu về một mối, tôi nhận nhiệm vụ đi công tác ở quần đảo Trường Sa và các vùng biển nước ta trong Biển Đông để nghiên cứu địa hình, điều kiện kinh tế, xã hội, dân cư, lịch sử để giúp đỡ bộ đội và nhân dân về công tác phòng thủ, tổ chức lực lượng, xây dựng cuộc sống... Từ năm 1988, tôi cùng Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức đưa các đoàn cán bộ cấp cao của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, các địa phương ra thăm và làm việc ở một số đảo Trường Sa và khu vực thềm lục địa phía Nam như: Tư Chính, Ba Kè (vùng DK1). Tất cả mọi người đều hồ hởi, cảm động, tự hào đến vùng đất thiêng liêng, tuy xa mà rất gần, thương yêu cán bộ, chiến sĩ hải quân đang ngày đêm bảo vệ biển đảo đồng thời làm chỗ dựa ngày càng vững chắc cho nhân dân ta làm kinh tế biển, cho các tàu quốc tế qua lại an toàn…".

Ông Nguyễn Văn Ninh (bên trái), trình bày phương án chở đá ra lấp biển, làm nhà lô cốt thay cho kiểu nhà cao chân (phía sau ảnh) với lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng Hải Quân vào năm 1989. Ảnh tư liệu

Gợi nhớ về những ngày đầu ra tiếp quản các đảo, trong tâm trí vị tướng già vẫn mồn một như ngày hôm qua vậy. "Hồi đấy, ở các đảo còn hoang sơ, giữa biển, cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả, thiếu thốn đủ bề, nước ngoài không ngừng nhòm ngó. Trong số 5 đảo nổi thì chỉ có Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết là có bể chứa nước xây thời ngụy quân, nhưng mỗi bể chỉ khoảng 4-5 khối nước và dưới đáy thì toàn phân chim. Từng dãy nhà thấp lợp tôn, lơ thơ hàng cây sâm đất. Chim nhiều vô kể: Hải âu, ó biển, mòng biển. Từng đảo có cột mốc chủ quyền. Thời ấy, đời sống bộ đội hết sức khó khăn, thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, thiếu sách báo, thiếu tình cảm người thân. Có thời điểm nhiều ngày liền chúng tôi không có nước uống, phải đi tìm rau, tảo ăn cho đỡ xót ruột. Nắng gió Trường Sa hun đúc con người vững chắc đen “như cột nhà cháy”, bộ đội chịu đựng được tất cả mọi thiếu thốn gian lao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nhớ lại.

Mấy chục năm trôi qua, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh vẫn nhớ rõ có 4 cây xanh lâu năm trên các đảo. Đó là: Cây phong ba ở đảo Song Tử Tây, cây bàng quả vuông ở đảo Nam Yết, cây mù u ở Đảo Sinh Tồn và một cây mù u ở đảo Sơn Ca (hiện tại, 4 cây này đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam). "Mỗi khi mệt nhọc quá, tôi ra ngồi hóng mát dưới các cây to đó. Một lần tôi bị ho ra máu, cấp trên cho tôi về đất liền chữa bệnh. Từ một người cao lớn, khỏe mạnh, do lao động, làm việc quá sức, ăn uống kham khổ, làm thân hình tôi gầy còm, đen ngòm. Chữa bệnh ở Bệnh viện Quân y 108 xong tôi lại tiếp tục ra các đảo", Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh hồi tưởng.

Ngày đó Nguyễn Văn Ninh cùng đồng cam cộng khổ với chiến sĩ, lắng nghe, bàn bạc với chỉ huy từng đảo, từng con tàu tìm ra phương án bảo vệ từng đảo, cả quần đảo; xây dựng và phát triển ngày một vững chắc, xanh đẹp hơn, đưa đón một bộ phận nhân dân ra làm ăn lâu dài ở đảo và các vùng biển của ta. Lúc đầu, ông đến các đảo lớn Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca, Trường Sa lớn, An Bang và lần lượt đi khắp 21 đảo, đá (33 điểm), hết cả vùng DK1 Tư Chính, Huyền Trân, Ba Kè… Đến đâu ông cũng khâm phục sự hy sinh tận tụy của bộ đội Trường Sa, nhà giàn DK1, các biên đội tàu Hải quân. Ngày đêm, Nguyễn Văn Ninh vắt óc suy nghĩ ra phương án nhằm đóng góp vào việc phòng thủ đảo, quần đảo, làm chủ các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam xác định chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Vị tướng già kể lại câu chuyện, năm 1977, đang ở quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), ông nhận được báo cáo của đảo trưởng đảo Sơn Ca, 3 chiến sĩ đã bị sóng đánh trôi dạt trên chiếc thuyền cao su, hiện đang mất tích. Lúc này, ở khu vực Vịnh Bắc Bộ đang có bão, vùng biển phía nam sóng to, gió lớn, nhưng Nguyễn Văn Ninh tức tốc chỉ huy tàu ra biển để cứu 3 chiến sĩ. Vượt gió bão, sau gần 4 ngày, đã tìm thấy 3 chiến sĩ trên chiếc sà lan chơi vơi bên ụ đá nổi. Bằng kinh nghiệm lão luyện của người từng trải qua các cuộc chiến tranh, ông Ninh đã giúp hồi tỉnh và cứu sống được chiến sĩ giữa trùng khơi. Đưa về đảo Sơn Ca, cả đơn vị đều òa khóc trong sung sướng.

Mùa Xuân năm 1975, cùng với 5 đòn tấn công chiến lược trên đất liền, đòn tấn công chiến lược thứ 6 trên biển đảo này đã góp phần cho Đại thắng mùa Xuân, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nước Việt Nam ta được toàn vẹn lãnh thổ: Đất, biển, trời. Trong thâm tâm Nguyễn Văn Ninh luôn thấm thía và tự hào cùng Bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam đã bước đầu thực hiện được lời căn dặn của Bác Hồ ngày 15-3-1961, khi Người về thăm Quân chủng Hải quân: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Theo ông, năm 1975, nếu ta “chậm chân” một chút thôi thì quân đội nước khác đã chiếm các đảo Trường Sa của nước ta.

Lời thề của Bộ trưởng

Khi chúng tôi đề nghị chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc nhất trong thời gian làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Vị tướng già trầm ngâm một lúc rồi ôn tồn: "Kỷ niệm thì nhiều lắm. Tôi còn nhớ, tháng 3-1988, tôi được đi cùng Tư lệnh Hải quân là đồng chí Giáp Văn Cương ra các đảo. Ngày 7-5-1988, nhân dịp kỷ niệm 33 năm ngày thành lập Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam, tại đảo Trường Sa Lớn, trong cuộc mít tinh của quân và dân trên đảo, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh (sau này là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã đọc lời thề: "Chúng ta xin thề, trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắc nhở với các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta”.

Lời thề của đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm cán bộ, chiến sĩ xúc động sâu sắc, tiếp thêm thêm ý chí, nghị lực để ra sức hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương.

Đại tướng Lê Đức Anh ở Trường Sa năm 1988. Ảnh tư liệu

Sau khi đọc xong lời thề giữ đảo, Đại tướng Lê Đức Anh yêu cầu đồng chí Ninh và đồng chí Giáp Văn Cương đưa đi thăm, kiểm tra các đảo. Ông Ninh đề nghị đồng chí Cương ở lại và dẫn Đại tướng thăm đảo Tiên Nữ, sau đó chỉ huy tàu vào thăm đảo Cù Lao Thu (đảo Phú Quý). Đến đây, ông Ninh báo cáo: “Tôi được biết, ngày trước trên con tàu không số, thủ trưởng đi qua đảo Phú Quý nhưng chưa lên đảo vì sợ bị lộ”. Đại tướng Lê Đức Anh thấy hợp lý và hiểu ý định của cấp dưới nên không trách móc gì.

- Lúc đó Bộ trưởng đã 68 tuổi, nhận biết sức khỏe bộ trưởng không đảm bảo, tôi bảo chỉ huy tàu di chuyển vào đảo Phú Quý nhằm tiến dần vào bờ, lỡ có cơ sự gì thì dễ xử lý. Đúng như tôi nhận định, đang thăm đảo Phú Quý thì đồng chí Lê Đức Anh mệt....”-Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh kể.

Mấy ngày sau các tướng lĩnh đã nghỉ hưu ở Hà Nội thắc mắc về tình hình Trường Sa. Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức cuộc gặp mặt gồm hơn 100 cựu chiến binh là các tướng lĩnh, lão thành. Ông Nguyễn Văn Ninh trực tiếp báo cáo về tình hình Trường Sa lúc này. Ai cũng cảm phục và xúc động cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh thân mình vì biển đảo Tổ quốc.

Thượng tướng Nguyễn Chơn (đeo kính, giơ nắm tay), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó tổng Tham mưu trưởng cùng đoàn công tác của Bộ Tổng Tham mưu và Quân chủng Hải quân ra Trường Sa phê duyệt các phương án bảo vệ đảo, quần đảo, năm 1989 do Nguyễn Văn Ninh (đứng bên phải Thượng tướng Nguyễn Chơn) đề xuất. Ảnh tư liệu

Mùa xuân năm 1993, Đại tướng Đoàn Khuê, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa và vùng DK1. Khi đến nhà giàn chân cao DK1 ở Ba Kè, mọi người đều đề nghị Bộ trưởng cứ ở dưới tàu, phân đội nhà giàn xuống chào là được rồi. Đại tướng Đoàn Khuê không nghe, dứt khoát bảo ông Ninh đưa lên gặp anh em. Nguyễn Văn Ninh đành phải dùng toàn bộ sức lực của mình giúp thủ trưởng leo thang dây khoảng cao 25m để trực tiếp lên tiếp xúc với bộ đội, ôm chầm lấy chiến sĩ. Ông Ninh vừa đặt túi quả chanh lên bàn, chưa kịp giới thiệu là quà của Bộ trưởng thì một chiến sĩ đã xin lấy một quả ăn ngon lành làm Bộ trưởng rơm rớm nước mắt.

Chí Hòa (theo qdnd.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang