Vững tin bám biển Trường Sa
VBĐVN.vn - Chị Võ Thị Oanh dắt con ra bờ biển ngóng về biển khơi xa thẳm và gạt nước mắt. Âm thanh của những chiếc tàu vẫn hối hả mở biển và nỗi đau dường như đang tan vào con sóng. Sau vụ việc tàu đánh cá PY96121TS bị chìm và 5 ngư dân tỉnh Phú Yên mất tích vào ngày 22-12-2023, đến nay, làng chài Đông Tác, thuộc phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên có những khoảng lặng trong tiếng máy tàu rầm rì ra Trường Sa
Gác nỗi buồn, vươn khơi
“Biển bình minh rì rào gió lộng/ Từng đoàn thuyền lướt sóng ra khơi/ Lòng thầm khấn nguyện đất trời/ Mong ngày biển lặng cá về đầy khoang...”, tôi nghe một lão ngư dân ngồi trong ngôi nhà gần vũng neo đậu Đông Tác ngâm nga bài thơ, nhưng rồi có tiếng những người phụ nữ bình phẩm về thơ xưa, thơ nay. Thì ra, ngư dân ngày nay không còn quá lo chuyện bão dông, vì dự báo thời tiết đều được cảnh báo từ rất sớm. Trên tàu có nhiều thiết bị định vị vệ tinh, máy quét cảnh báo đâm va... Vậy nhưng thỉnh thoảng vẫn có những tai nạn quá bất ngờ, như vụ chìm tàu cá trên đường trở về làng chài cách đây hơn 3 tháng.
Muốn hiểu sâu về đời sống của một ngôi làng nào thì hãy gặp vợ những lão ngư dân từng một thời ngang dọc trên biển, gặp những góa phụ có chồng nằm lại ở biển, hoặc ngồi với những con người giống như "cây cổ thụ" đã trải qua bao dông gió. Tôi gặp lão ngư dân Nguyễn Viết Phương (sinh năm 1944) khi ông đứng ở vũng neo đậu Đông Tác và nhìn về hướng núi Chóp Chài, phía cửa biển Đà Diễn. Ông nhắc về chuyện trai tráng xưa nay đi biển, thỉnh thoảng có người nằm lại... Vậy là người đàn bà trở thành hòn vọng phu.
Bà Đinh Thị Thắng, mái tóc đã điểm bạc nên đã chứng kiến những thăng trầm của làng chài. Bà kể lại những vụ tai nạn từng xảy ra tại làng chài này và vụ nhiều ngư dân thiệt mạng nhất vào năm 1974. Phụ nữ mất chồng, nhiều đứa trẻ mất cha. Các lão ngư dân thương xót cảnh tượng điêu linh này nên đã đặt một bài thơ dài để ghi nhớ, sau này kể lại với con cháu. Bà Thắng đọc thơ và lời của bà bạt đi trong gió biển: Giáp Dần tôi mới kể ra/ Tháng mười trận bão thật là mùng hai/ Đồng bào bị chết lai thai/ Kẻ tấp bãi Dài, người tấp hòn Nưa/ Thân chồng gió đập gió đưa/ Mái ghe tan nát thảm chưa ông trời...”.
Chị Võ Thị Oanh, sinh năm 2000 (vợ thuyền trưởng vừa gặp nạn) đứng nhìn về phía cửa biển Đà Diễn. Chị nhắc chuyện chỗ này năm 2018 là nơi đứng chụp ảnh đám cưới, nhưng bây giờ lại là nơi khóc chồng. Chồng chị là thuyền trưởng Huỳnh Đức Lợi, 29 tuổi. Anh cùng 4 ngư dân khác biền biệt tin tức sau cú điện thoại cuối cùng vào đêm 22-12-2023 thông báo về việc tàu có thể đã đâm phải vật lạ, nước tràn vào khoang, sau đó mất liên lạc. Chị vuốt nước mắt và nói câu giống như chấp nhận phận đời: “Nghề biển có khi xui rủi, nhưng con cháu mình vẫn phải bám biển, vươn khơi ra ngoài Trường Sa chứ không lẽ ở nhà”.
Trường Sa là nhà
Tỉnh Phú Yên chỉ có tuyến biên giới biển, những người lính Biên phòng ở đây hiểu rất rõ cuộc sống dập dìu trên gió, dưới sóng của bà con ngư dân. Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Chính ủy BĐBP Phú Yên, trước khi trở thành người chỉ huy cấp cao thì anh đã có rất nhiều năm sống với người dân làng chài. Anh cho biết: “Hồi xưa đi ghe nhỏ lắm, nhưng rồi bà con vẫn phấn đấu đóng tàu lớn hơn, từ loại có chiều dài 15 mét, lên 17 mét, rồi 21 mét, nhờ đó mà ngư dân vươn khơi an toàn hơn, nhất là tới tận quần đảo Trường Sa”.
Chị Hạnh, vợ một ngư dân đi đánh bắt ở quần đảo Trường Sa kể lại, cách đây chục năm về trước, ghe máy nhỏ nên mỗi lần nghe có gió là lo thon thót trong ruột, rồi chạy tới trạm kiểm soát Biên phòng có đặt máy Icom tầm xa để hỏi thăm tình hình, tới khi nghe anh em vô tránh gió ở âu tàu của đảo Trường Sa thì mới an lòng. Câu chuyện của chị cũng là tâm tư của nhiều người vợ ngư dân khi nói về quần đảo Trường Sa. Cứ mỗi khi có gió bão, đàn bà ở làng chài này liên tục nhắc cụm từ “vô âu tàu Trường Sa hay chưa?”.
Lão ngư dân Huỳnh Văn Thắng, cha chồng của chị Oanh đứng bên con tàu, môi bặm lại và nước mắt cứ chảy dài rồi nhắc đến dự định có ngày sẽ trở về quê gốc Bình Định sống những ngày cuối đời. Ngư dân Huỳnh Đức Lợi là con trai duy nhất của ông Thắng. Ông kể, người con trai cứ về nhà là mong có ngày trở lại Trường Sa, luôn coi Trường Sa là quê hương thứ 2 của mình.
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, làng chài Đông Tác khá nổi tiếng, bởi có tới 35 tàu cá với 315 ngư dân đã đánh bắt xuyên Tết tại quần đảo Trường Sa. Từ biển khơi, các ngư dân liên tục điện vào đất liền để chia sẻ niềm vui với người thân về lộc biển đánh bắt được. Ngư dân Lương Công Đồng, thuyền trưởng tàu PY91459TS chia sẻ, ngư dân bám biển Trường Sa vừa đánh bắt, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đoàn kết là sức mạnh
Cụ Mai Chín, 86 tuổi, một ngư dân kỳ cựu ở làng chài kể lại, thời trước, con cháu đi biển đều theo lệ của ông bà xưa dạy bằng 2 câu thơ: “Đi đâu đi đó thì đi/ Mùng Mười tháng Tám (âm lịch) thì quay trở về”. Ông bà “xưa bày, nay làm”, phải nghỉ biển để an toàn, vì mùa Đông ra gặp dông gió. Việc nghỉ Đông còn có ý nghĩa là giúp cho các loại thủy sản có thời gian sinh sản trở lại. Còn ngày nay, con cháu bám biển quanh năm, tàu hiện đại, chi phí lớn cùng với nhu cầu cuộc sống nên làm biển không nghỉ, ngày Tết cũng là dịp rầm rộ bám biển.
Trong quá khứ, tàu cá rất nhỏ, không có máy định vị, chạy bằng các loại máy rất cũ, thông tin dự báo thời tiết cũng khá chập chờn, nhiều khi nghe tin có gió nhưng tàu không thể chạy kịp, vậy là dính bão. Những con tàu cá hiện nay đã được hiện đại hóa, máy tốt hơn, thân tàu dài 21-25 mét (tàu trước đây phổ biến là dài 15 mét). Vì vậy, ngư dân đi biển quanh năm, mùa Đông cũng đi biển, nhưng ngư dân thận trọng hơn, đi cặp 3-4 chiếc và nối đuôi nhau ra tới Trường Sa. Khi vừa chạm đảo thì phần ai nấy tỏa ra đi làm. Thuyền trưởng Phạm Văn Dũng cho biết, tới Trường Sa, anh em chủ yếu là liên kết trên máy Icom, xem thử ai ở đâu, chừng nào về, nếu cùng đi chung với nhau thì vẫn là tốt nhất.
Sau vụ chìm tàu cá của ngư dân làng chài, nhiều người đã tiếp tục nhắc lại cụm từ “tổ đoàn kết trên biển”. Theo các ngư dân, thực tiễn là tiến độ đánh bắt của mỗi tàu mỗi khác, vì vậy, đôi khi trở về thì nhiều chiếc phải hành trình đơn độc một mình. Nhưng qua vụ việc trên mới thấy, tổ đoàn kết trên biển do BĐBP xây dựng từ nhiều năm qua vẫn là chiếc phao cứu sinh tốt nhất, nhanh nhất để anh em ngư dân yên tâm bám biển, trở về bình yên.
Lê Văn Chương (bienphong.com.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận