Vượt siêu bão và câu chuyện bám biển

17:17 10-01-2022

VBĐVN.vn - 13 tàu cá Quảng Ngãi chạy tránh siêu bão Rai (bão số 9) ở giữa Biển Đông, họ vừa trở về đất liền an toàn với cá đầy khoang. Thay vì uống mừng chuyến đi thắng lợi, tôi lại nhìn thấy Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Vũ chui dưới khoang máy của con tàu lấm lem dầu mỡ. Tôi đặt câu hỏi: “Bí quyết nào để đoàn tàu chịu sóng gió cấp 9, cấp 10 suốt 3 ngày đêm?”, ông Vũ cười và chỉ vào chiếc máy thủy được “mặc” áo mưa.

Thần hộ mệnh

Ngư dân tỉnh Quảng Ngãi ắt hẳn không quên sự việc 13 tàu đánh cá với hơn 100 ngư dân không trở về đất liền, mà cứ đi dạt ra hướng Đông, tới tận tọa độ 17 độ 50 phút kinh Đông để né siêu bão Rai từ ngày 16 đến ngày 18-12-2021. Cơn bão được thông báo hướng đi tới đâu thì đoàn tàu lại dạt ra ngoài rìa của cơn bão tới đó. Nói là rìa, nhưng các ngư dân vẫn phải chịu sóng gió giật cấp 9, cấp 10. Sau bão, đoàn tàu tiếp tục đi đánh cá, trở về đất liền khi tờ lịch đã chuyển sang năm 2022.

Thuyền trưởng Vũ và chiếc máy trên tàu được “mặc” áo mưa để tránh siêu bão Rai. Ảnh: Văn Chương

Ngày 18-12-2021, khi có thông tin siêu bão Rai đi vào biển Đông, tỉnh Quảng Ngãi đã thông báo cho hàng trăm tàu cá đang hành nghề trên biển đến nơi trú tránh an toàn. Tuy nhiên, có 13 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi bị “kẹt” trên biển Đông. Các tàu này bị ảnh hưởng bởi dòng chảy, hướng gió nên không thể chạy về bờ tránh trú bão. Do đó, 13 tàu cá với hơn 100 ngư dân quyết định trú tránh bão Rai (bão số 9) ngay trên biển Đông. Dựa vào thông tin di chuyển của siêu bão Rai, ngư dân sẽ điều khiển tàu di chuyển đến khu vực rìa cơn bão trên biển Đông. Đây là khu vực giúp tàu hạn chế đến mức tối đa ảnh hưởng của bão. Đến khu vực an toàn, các tàu cá sẽ thả neo “dù” để tàu trôi theo con nước.

Ngư dân Đặng Võ, Thuyền trưởng tàu QNg 92488 TS và ngư dân Nguyễn Thanh Vũ cùng nói về bí quyết để đoàn tàu bám biển, chịu được sóng gió ngoài biển. Đó là khi các nhóm tàu chạy ra khu vực được ông Võ hội ý điểm thả neo. Vậy là, các ngư dân bắt đầu tung dù neo. Những chiếc dù này giống dù lượn của phi công, nhưng khác biệt là dù được ném xuống nước. Chiều ngang của dù là 5m, chiều dài 9,5m; ngư dân phân biệt dù to, dù nhỏ căn cứ vào tai dù (18 tai và 20 tai).

Từ ngày 17-12-2021, những chiếc dù ném xuống nước, tàu ở tư thế bị sóng xô cứ đi lùi. Nhờ chiếc dù đã níu giữ mũi tàu ổn định trên sóng, mũi tàu không bị hất dựng lên, hoặc không bị đảo sang trái, sang phải quá mức. Vì tàu ở trong tư thế chạy lùi, chiếc dù căng trước mũi và nằm dưới nước biển đã giúp tàu có được vị trí mềm để định vị. Cả đêm lẫn ngày, vị thuyền trưởng không được rời bánh lái. Máy tàu vẫn phải nổ và chạy về phía trước để chiếc dù bớt áp lực. Nếu dù quá sức chịu đựng thì sẽ vỡ tung và cảm giác đầu tiên khi dù vỡ là con tàu chòng chành như người mất phương hướng.

Giữa bão bùng mù mịt, chiếc dù đương nhiên như thần hộ mệnh. Mỗi tàu thường mang theo 2 chiếc dù để dự phòng. Đã có những vụ tai nạn, cả tàu bỏ mạng chỉ vì lý do đơn giản là đứt dây, bục dù, nhưng không còn chiếc dù nào khác để thay thế ngay lập tức.

Trong siêu bão Rai, “thương xót” chiếc dù, ông Võ thường nhắc người con trai là ngư dân Đặng Quốc Tịnh và ngư dân Cao Văn Cương bò sát boong tàu, bám chặt vào dây, lên tận mũi để kiểm tra dây dù. Cả đêm ngày, dây dù cọ xát vào mũi tàu nên có khi nóng hổi vì lực ma sát lớn. Các ngư dân phải liên tục kiểm tra, lót quần áo vào dây để giảm ma sát. Vậy nhưng, có lúc, điểm tiếp xúc của sợi dây vẫn cháy đen ra than, sau đó, sợi dây dù đứt tung, hoặc toác dù.

“Tim” trong bão

Chiếc máy Mitsubishi trên tàu cá QNg 92288 TS của ngư dân Nguyễn Thanh Vũ được che bằng một tấm nilon giống như mái nhà đang hứng mưa. Tôi thắc mắc về việc chiếc máy có công suất 450 mã lực nằm dưới hầm tàu, phía trên là mái tàu, sau đó tới sàn ca bin, có khi phải xuống tiếp một sàn ca bin thấp để ngư dân đi bạn nằm ngủ rồi mới tới hầm máy, nhưng nước ở đâu lại xối xuống hầm máy, tới mức ngư dân phải làm mái che? Thuyền trưởng Vũ xua tay và nói: “Chỗ nào mà không bị ướt, nước đổ từ nóc xuống, nước tạt vào từ hai bên cửa, loang ra khắp tàu, chỗ nào cũng ngập nước suốt 3 ngày 3 đêm, thời gian trước và trong siêu bão”.

Chiếc dù được ngư dân thả xuống biển để chống chọi với sóng gió. Ảnh: Văn Chương

Siêu bão Rai vào biển Đông vào ngày 17-12-2021. Đoàn tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi làm nghề lưới chuồn khơi có một số tàu quay vào bờ, nhưng vẫn còn tàu ở lại. Trong giờ phút sinh tử đó, chiếc máy tàu được xem như trái tim của một cơ thể sống. Ngư dân phải giữ mức ga 500-600 và cho máy nổ suốt từ ngày 16 đến hết ngày 19-12-2021. Âm thanh xình xịch của máy vang khắp con tàu giống như nhịp đập của trái tim. Có lúc, thuyền trưởng muốn tàu tiến mạnh về phía trước để đỡ căng dây dù, tuy nhiên, tốc độ tàu chỉ tiến được 2 hải lý/giờ.

Chiều ngày 4-1-2022, tôi phải thuyết phục mãi thì các thuyền trưởng trong đoàn tàu chạy tránh siêu bão Rai ở ngoài quần đảo Hoàng Sa mới đồng ý “gặp để nói giúp bà con ngư dân việc bị sóng phủ ướt hết mọi thứ, Icom, định vị, máy dò, nhắn tin đều tắm nước biển...”. Ngư dân cho biết, bây giờ đi biển thì bạn chài được trả lương 300.000 đồng/người/ngày; nếu ngư dân đã mở biển, đánh lỡ phiên lưới, thì chủ tàu nhanh chóng phá sản. Hóa ra, việc trả lương cho bạn chài cũng có hai mặt lợi - hại. Giờ đây, mỗi khi tàu mở biển thì thuyền trưởng cầu mong đừng gặp sóng gió, vì thời tiết xấu thì tàu phải chạy đi né, mỗi ngày né bão là một ngày thuyền trưởng nóng lòng vì lương phải trả, mà cá thì không đánh được.

Trở về trong năm mới

Chuyến đi khơi nhọc nhằn trở về sau siêu bão Rai, các ngư dân bán cá, sau đó lại tiếp tục mở phiên biển mới. Tôi ngạc nhiên, ngỡ tưởng các ngư dân phải nghỉ ngơi, thẫn thờ hồi tưởng lại giây phút hiểm nguy. Nhưng không, thuyền trưởng nào cũng bàn tính chuyện làm sao cho phiên biển tới, tàu vừa cập bờ thì anh em ngư dân có thể mang tiền về cho gia đình sắm sửa cho ngày Tết.

Một ngư dân nói nhỏ với tôi: “Mấy ông thuyền trưởng có tàu bạc tỷ, nhưng nhà cửa thì có khi không bằng người đi bạn, nên chắc không ngừng chuyến biển đâu”. Nghe lời ngư dân, tôi tìm đến ngôi nhà của Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Vũ, người sở hữu con tàu tiền tỷ (trị giá 2,4 tỷ đồng). Căn nhà cấp bốn, mái lợp ngói, trong nhà chỉ có mỗi chiếc giường tre, một cái bàn gỗ nhỏ để sách vở, còn gian nhà dưới thì được che bằng vài tấm liếp, áo mưa.

Ở Quảng Ngãi, nhiều ngư dân bám biển Hoàng Sa, dù là chủ tàu, kiêm thuyền trưởng, nhưng có bao nhiêu của cải thì đều dồn hết vào con tàu, hàng ngày ra khơi giống như một cuộc đánh cược với biển khơi. Chị Nguyễn Thị Liễu, vợ thuyền trưởng Vũ sau những ngày chờ đợi thì giờ đã nở nụ cười. Nhắc đến siêu bão Rai, chị nói rằng, làm nghề đánh cá chuồn thì phải chấp nhận như vậy.

Chị Liễu không giải thích cặn kẽ với tôi khi chị nói từ “chấp nhận”, nhưng tôi hiểu, đó là nghề mà ngư dân phải quen với sóng gió, những chuyến đi xa, dám mạo hiểm trên con tàu đong đưa với chiếc neo dù được buông trước mũi, con tàu nhỏ bé giữa biển khơi, nhưng rồi sẽ vươn mình mạnh mẽ vừa khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và mỗi khi trở về thì cá bạc đầy khoang.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang